Thịt cóc được xem là món ăn, là "thần dược" để giúp chữa trị chứng suy dinh dưỡng, kén ăn ở trẻ nhỏ. Do đó, tại một số cửa hàng, thịt cóc sau khi làm sạch hoặc chà bông làm từ thịt cóc có giá thành đặc biệt cao. Vì vậy, các bà mẹ nghĩ thịt cóc rất giàu dinh dưỡng, nhưng thực tế thì không phải như vậy.
Thành phần dinh dưỡng có trong thịt cóc
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, thịt cóc được xếp vào nhóm thực phẩm nhiều chất đạm, kẽm (100gr bột cóc có 55,4g đạm và 65mg kẽm). Đạm còn là nguyên liệu để tạo dịch tiêu hóa, các nội tiết tố, protein huyết thanh, các men giúp duy trì phản ứng khác trong huyết tương, dịch não tủy, dịch ruột.
Tuy nhiên, ngoài chất đạm và kẽm trong thịt cóc lại không có thêm bất cứ thành phần dinh dưỡng nào khác. Trong khi đó, nếu so sánh thịt cóc với các loại thực phẩm khác thì lượng đạm trong thịt cóc so với thịt heo, gà, ếch thì không nhiều hơn. Thậm chí, nếu các mẹ biết chế biến thịt heo, gà, ếch đúng cách thì lượng đạm tương đương với thịt cóc. Ngoài ra, lượng kẽm trong cóc cũng ít hơn hải sản (sò, hến, hàu). Còn trong thịt cóc hầu như lượng canxi, vitamin D gần như không có.
Đặc biệt, trẻ bị còi xương nguyên nhân chủ yếu là do thiếu canxi. Trong khi đó, lượng canxi và vitamin D ở thịt cóc lại rất nghèo nàn. Đó lý do thịt cóc không phải "thần dược" để điều trị chứng còi xương, suy dinh dưỡng, kén ăn ở trẻ nhỏ.
Không nên cho trẻ nhỏ ăn thịt cóc
Việc chọn những món ăn bổ dường, mới lạ cho trẻ là điều rất tốt. Tuy nhiên, các mẹ nên lưu ý chọn những thực phẩm thực sự không có nguy cơ gây hại cho trẻ. Hiện nay, nhiều bà mẹ ngoài mua bột cóc cho trẻ ăn thì còn chế biến một số món từ thịt cóc như cháo cóc, làm chả, làm ruốc cóc cho trẻ ăn. Điều này không nên, bởi nếu như các mẹ không biết cách chế biến có thể gây ngộ độc và dẫn tới tử vong ở trẻ vì một số nguyên nhân như:
1. Độc tố trong cóc
Thực ra, trong thịt cóc không có độc. Độc chỉ tập trung ở một số bộ phận gan, trứng, da, mủ, mắt, hạc thần kinh chứa rất nhiều độc tố bufotoxin, có thể gây tử vong trong thời gian rất ngắn. Chất bufotoxin này rất bền với nhiệt độ nên không bị phá hủy trong quá trình chế biến. Người ta ước tính lượng bufotoxine trong 1 con cóc có thể gây chết 4-5 người khỏe mạnh.
2. Đối tượng ăn thịt cóc
Trẻ em, người già yếu hay những người suy nhược cơ thể đều hay ăn thịt cóc. Do đó, khả năng họ có sức chống lại độc tố trong cóc rất thấp. Đó là nguyên nhân khiến độc tố phát tán nhanh hơn trong cơ thể và gây ra tử vong cao.
Để hạn chế những rủi ro, tốt nhất mẹ không nên tự mua cóc và chế biến thịt cóc hoặc mua thịt cóc bán dạo được làm sẵn. Vì mẹ không thể biết là người làm đã loại bỏ hoàn toàn độc tố từ cóc chưa hoặc độc tố có dính vào thịt cóc hay không.
Ngoài ra, nếu trẻ bị còi xương, suy dinh dưỡng thì các mẹ nên chọn những thực phẩm bổ dưỡng khác, thay thế cho thịt cóc để không có nguy cơ gây hại cho trẻ như thịt tôm, cua, cá, thịt bò, thịt heo để chế biến nhiều món ăn ngon, mới lạ.
Theo Phunutoday