Tôi lấy chồng được 4 năm, đã có “đủ nếp đủ tẻ”. Cuộc sống gia đình được tính vào dạng khá giả chứ cũng không đến nỗi khó khăn gì.
Chồng tôi đi làm lương tháng 25 triệu, còn tôi 15 triệu. Hai con đi học trường dân lập mỗi tháng cũng chỉ hết 4 triệu. Thức ăn thức uống mẹ tôi gửi từ quê lên cho, còn tiền điện nước, chi tiêu các thứ lặt vặt cũng chỉ rơi vào tầm 2-3 triệu. Nói chung mỗi tháng vợ chồng tôi có thể gửi tiết kiệm được hơn 20 triệu đồng.
Ấy vậy mà tôi không hiểu sao chồng mình lại tằn tiện 1 cách kinh khủng. Những gì có thể tiết kiệm được, anh đều bắt vợ con phải tiết kiệm. Ví dụ như những ngày trời nóng 40 độ, anh mới cho phép vợ con dùng điều hoà nhưng chỉ được bật 1 tiếng đồng hồ cho đổi không khí thôi.
Nhà có 2 bình nóng lạnh nhưng số lần dùng của cả nhà chỉ đếm trên đầu ngón tay vì anh sợ tốn tiền điện. Chồng thường bắt mẹ con tôi đun nước bằng củi để tắm, mà củi thì anh thường cùng thằng lớn nhà tôi đi nhặt nhạnh về. Anh tính nhẩm chúng tôi sống như thế này, mỗi tháng cũng để ra được ít nhất 300 -400 nghìn đồng.
|
Ảnh minh hoạ |
Cũng chính vì tiết kiệm nên chồng tôi mới mua nhà ngoại thành để mọi thứ chi tiêu cho rẻ. Anh chẳng thương tôi ngày nào cũng phải chạy xe máy 30km đi làm. Đợt này xăng lên giá, chồng bảo tôi cất xe ở nhà rồi đi xe buýt. Tôi không chịu thì anh hậm hực: “Sống mà hoang phí như cô thì tiền núi cũng mòn”.
Tôi cũng là đứa biết điều, sống tiết kiệm để còn nuôi 2 con ăn học. Tôi không hiểu mình hoang phí chỗ nào để chồng nhiếc móc như thế?
Đỉnh điểm là tuần trước đám cưới em trai tôi. Biết chồng chi li tính toán, tôi vì muốn đẹp mặt nên đã đưa cho anh 5 triệu để cầm về mừng. Hôm đó tôi và các con về quê trước để lo liệu cỗ bàn cho bố mẹ tôi, còn chồng thì về sau do vẫn bận công việc.
Ấy thế mà lúc đám cưới diễn ra, tôi muối mặt khi chồng xách về cặp gà trống mái để mừng cưới. Anh còn cười hề hề nói: “Năm nay tuy đã đỡ dịch nhưng kinh tế vẫn còn khó khăn. Vợ chồng chúng con nuôi 2 cháu nhỏ nên chả dư dả mấy. Thôi thì của ít làm nhiều, tấm lòng là chính. Con có đôi gà biếu bố mẹ và mừng cho chú lấy vợ”.
Khi anh nói thế cả họ tôi đều cười, có bác còn cà khịa: “Tao nghe nói vợ chồng mày tháng kiếm đến 40 triệu cơ mà. Gì mà không có tiền? Chúng mày không có tiền thì các bác đi ăn xin hết hả?”.
Cũng may mẹ tôi nói đỡ: “Vợ chồng nó gửi tiền mừng em ngay lúc đầu rồi. Đây chắc là con rể nghĩ sâu xa, sợ tối lại mặt thông gia chưa chuẩn bị nên nó mới mua cặp gà này về”.
Sau đám cưới, tôi kéo chồng ra một góc rồi hỏi về số tiền tôi đưa cho anh mừng thì anh nói: "Em có biết 5 triệu đó mình làm được bao nhiêu việc không? Mình ăn được cả tháng đó, vậy mà em hoang phí như vậy. Anh đem mừng đôi gà thì không phải là mừng à? Mẹ cũng nói gà đó vừa hay để lại mặt còn gì? Với lại, lúc mình cưới chú ấy có mừng đâu mà giờ mình phải mừng. Cái gì cũng phải có đi có lại chứ”.
Nghe chồng nói mà tôi tức đến nghẹn cổ. Tôi đẩy anh ra rồi nói một tràng: “Anh bỏ cái tính ki bo ấy đi. Tôi nói cho anh biết, ngày mình cưới em nó mừng 2 chỉ vàng đấy. Chỉ là cậu ấy ở nước ngoài không về mừng tận tay được. Rõ là anh còn mừng ra mặt khi mẹ trao vàng cho anh mà giờ chóng quên thế? Cái nhà mình đang ở cậu ấy cũng cho vay 400 triệu mà chẳng hỏi 1 đồng lãi”.
Càng nghĩ tôi càng muốn ly hôn ngay người chồng hà tiện, tính toán này.
Theo Bạn đọc Song Ngư/Infonet