Nhiều người đàn ông khi còn chung sống với vợ con luôn vô tâm, mải chơi và thiếu trách nhiệm. Đến khi mọi chuyện đi qua giới hạn, họ có hối hận cũng đã muộn.
Chồng gặp tai nạn nhưng vợ "mất hút"
Lâm (33 tuổi) chia sẻ anh và Hoa kết hôn 4 năm nay, sinh được một bé gái lên 3 tuổi. “Vợ tôi là người phụ nữ khá tốt, gia đình tôi không ai chê trách, phàn nàn cô ấy điều gì. Tôi cũng tương đối hài lòng về vợ. Bốn năm bên nhau, tình cảm vợ chồng có thể coi là êm đềm so với những gia đình khác”, Lâm kể.
Cách đây mấy tháng, cuối tuần Lâm đến sơn phòng hộ 2 cô bạn, chiều ra về thì chẳng may gặp tai nạn. Anh vẫn tỉnh táo nên tự mình gọi cho Hoa thông báo, sau đó được người tốt bụng đưa vào bệnh viện.
Vậy nhưng chờ mãi Hoa vẫn "mất hút", anh gọi lại mà cô không hề nghe máy.
Lâm bị gãy tay, anh đành nhờ anh rể đến giúp đỡ. Chị gái Lâm vừa sinh bé không lâu, con nhỏ không thể tới bệnh viện. Bố mẹ Lâm và Hoa đều quê xa, vợ chồng anh và nhà chị gái hiện sinh sống trên thành phố.
Qua một đêm đến sáng hôm sau vẫn không thấy bóng dáng Hoa, Lâm giận điên người định mang cả cánh tay bó bột lao nhanh về nhà “cho vợ một trận”.
Anh rể Lâm đã rời đi từ đêm vì còn phải đi làm. “Không lý do gì có thể bào chữa cho hành động đó. Lúc ấy trong lòng tôi đã hạ quyết tâm sẽ ly hôn vợ”, Lâm kể.
Đúng lúc đó có một người không thể ngờ được xuất hiện, đó chính là mẹ vợ Lâm. Sáng hôm trước anh ra ngoài từ sớm, là ngày mẹ vợ Lâm hẹn lên chơi với cháu.
Hoa đã báo với chồng song anh quên mất, chỉ nhớ hẹn giúp hai người bạn gái.
Tuyên bố của mẹ vợ khiến con rể “tái mét”
Mẹ vợ Lâm nhìn vết thương trên người con rể rồi cất giọng mỉa mai: “Ơ hay, anh nhiều bạn bè, chiến hữu, em gái nuôi lắm cơ mà? Sao bây giờ chẳng có đứa nào vào chăm anh thế?”.
Về sự cố này, Lâm đã đăng lên facebook, ai cũng động viên chia sẻ rất nhiệt tình nhưng tuyệt nhiên chưa thấy người nào xuất hiện trong bệnh viện.
“Người ta lấy chồng thì được vui vẻ, béo tốt ra, con tôi lấy chồng chỉ gánh cực nhọc vào thân. Chồng gì mà cả tháng đưa cho vợ được 1 triệu tiền chi tiêu, còn đâu nướng hết vào nhậu nhẹt, tụ tập bạn bè.
Con ốm, vợ phải tự vay tiền nộp viện phí, còn tiền của chồng để cho bạn vay vì đã trót hứa rồi. Vợ ốm bảo chồng trông con, ai ngờ đêm muộn chồng còn bận đến nhà em gái xã hội sửa quạt điện kẻo người ta nóng không ngủ nổi…”.
Mẹ vợ Lâm lên tiếng, anh giật mình nhận ra Hoa đã kể mọi chuyện với bà. Trước đây anh biết cô không bao giờ dám tâm sự gì vì sợ mẹ buồn lòng. Lâm còn đang chưa biết đáp lời mẹ vợ ra sao thì bà tiếp tục đưa ra một tuyên bố sét đánh:
“Anh chịu khó ở lại dưỡng thương nhé, tôi đưa con gái với cháu ngoại về quê nghỉ ngơi chục ngày. Nhìn con gái gầy mòn héo hon mà tôi xót không chịu nổi. Ở với anh đúng là chẳng khác gì đi đày! Lúc nào lên tôi sẽ thuê nhà khác rồi ở lại đỡ đần mẹ con nó, anh rảnh thì viết đơn ly hôn trước đi!”.
Sau đó mẹ Hoa mở ví rút ra một tờ 500 nghìn đưa cho Lâm gọi là quà đến thăm người bệnh.
Bà lên thăm thấy con gái xanh xao gầy guộc thì tức giận chất vấn. Hoa phải chịu ấm ức đã lâu liền trút hết bầu tâm sự với mẹ. Thời điểm Lâm gọi về, bà liền cấm con gái vào chăm chồng. Hoa cũng chán ngán cảnh “có chồng như không” nên nghe lời mẹ.
“Mang theo thương tích xuất viện mà nhà cửa trống không chẳng có vợ con. Bạn bè thì được vài tin nhắn hỏi thăm, có vài người cũng ghé qua chốc lát nhưng chỉ vậy mà thôi. Đêm đau đớn không ngủ được, ngày tự mình xoay xở, tôi mới thấy ân hận vô cùng”, Lâm kể.
Sau một tuần Hoa đưa con lên thành phố, Lâm xin lỗi vợ song cô không đồng ý. Hoa đưa ra thời hạn ly thân nửa năm, nếu anh thật sự thay đổi thì cô mới chấp nhận quay về. Như thế đã đủ khiến Lâm mừng rỡ, thở phào nhẹ nhõm vì vẫn còn đường cứu vãn.
Anh đã nhận ra thứ gì mới là quan trọng anh cần nâng niu giữ gìn, ai mới là người bên cạnh anh không rời dù thuận lợi hay khó khăn.
Theo Sen Trắng/ Pháp luật và bạn đọc