Theo lẽ thường, đàn ông là trụ cột trong nhà và có trách nhiệm kiếm tiền mang về cho vợ giữ. Hầu như nhà nào cũng vậy, thường đến ngày nhận lượng là các anh đều đưa hết cho vợ để chi tiêu những việc trong gia đình. Tuy nhiên, phải khi tự tay giữ tiền, phải chi tiêu mọi thứ trong gia đình rồi thì người ta mới hiểu được, việc cân đối thu chi trong gia đình khó tới mức thế nào.
|
Những dòng tâm sự ấm ức của người chồng. Ảnh chụp màn hình |
Có lẽ vì thế, những câu chuyện liên quan tới chi tiêu trong gia đình luôn thu hút sự chú ý mỗi khi được chia sẻ. Mới đây, lại một câu chuyện liên quan tới vấn đề này, thế nhưng người lên tiếng là anh chồng không phải chị vợ. Không còn là những màn ca thán chi tiêu tốn hay khoe chi tiêu tiết kiệm, anh chồng này đang khá ấm ức kể khổ. Cụ thể, anh viết:
"Hôm nay chỉ xin mạn phép hỏi mọi người một vấn đề hết sức đơn giản như sau. Chồng đi làm đưa thẻ ATM cho vợ giữ, lương tháng dao động tầm 10 – 15 triệu.
Đi đám cưới chồng bảo vợ đưa tiền đi mừng, vợ cằn nhằn "Cưới ai mà cưới miết vậy? Tháng nào cũng cưới" và đưa đúng tiền mừng 300 nghìn - 500 nghìn tùy mức độ thân tình.
Sáng chủ nhật chồng dắt xe ra nói đi mua đồ ăn sáng với đổ xăng vợ đưa đúng 50 nghìn. Chồng nói là không đủ, vợ rặn thêm 50 nghìn.
Đi làm tất phải có giao lưu nhậu nhẹt, biết không xin được tiền từ vợ, vì lần nào hỏi cũng nói không có tiền, nên chồng làm ít việc ngoài, kiếm thêm tiền tiêu vặt, 1 – 2 tuần đi nhậu một lần. Về nếu say quá chỉ xin vợ cái thau để đó, sáng mai dậy tự xử.
Một ngày đẹp trời, chồng hỏi gom được bao nhiêu tiền rồi, đem trả dần nợ cho mẹ chồng (mượn được 2 năm rồi để mua đất). Vợ nói không có, ông làm mấy đâu mà có dư. Trong khi vợ và chồng đều đi làm, tiền vợ giữ hết như trên. Chồng đòi lấy lại thẻ, từ nay ăn uống chi tiêu vợ lo, thiếu mấy chồng đưa, tiền chồng tiết kiệm trả nợ.
Vợ bù loa với nhà vợ và mẹ chồng nói chồng đàn ông tồi, đi làm không đủ lo cho vợ con còn làm phách lối các kiểu. bla bla...
Người chồng sai quá hả mọi người?”.
Qua tâm sự này có thể thấy anh chồng đang khá ấm ức. Rõ ràng đi làm lương cao như vậy mà chẳng để dư được đồng nào. Tuy nhiên, vấn đề này thường xảy ra ở nhiều gia đình trẻ hiện nay, chính vì thế mà nhiều chị em đã lên tiếng bênh vực cô vợ kia:
"10 - 15 triệu đủ nuôi 2 nhóc, còn dư chút đỉnh mua đồ chơi cho tụi nó. Nhà mình cũng 2 nhóc. Tính sơ sơ sữa 5 triệu, học 5 triệu, bỉm, sữa chua, bánh trái, ăn tối, đồ chơi… 5,5 triệu. Đau đầu lắm đừng nghĩ đưa tiền là hết trách nhiệm."
"Bạn cứ thử tự giữ tiền rồi mua sắm mọi thứ trong gia đình, lo tiền điện, nước, mạng, nước mắm, bột canh… các kiểu đi rồi mày sẽ hiểu. Làm vợ cũng khổ lắm chứ chẳng phải cầm tiền là sướng đâu, đôi khi đi chợ mớ rau chênh nhau có nghìn bạc mà còn đắn đo đó."
Thế nhưng, nhiều ông chồng lại phản đối và cho rằng: "Một mình nhiêu đó là dư dả, ăn uống, nhậu nhẹt rồi cà phê với bạn bè đủ luôn. Có vợ vào chẳng làm gì cũng chẳng có đồng nào."
Vẫn biết rằng việc chi tiêu hết 10 – 15 triệu/tháng cho cả gia đình chẳng có gì là sai. Thế những lỗi sai ở đây là người vợ không công khai, minh bạch các khoản chi tiêu với chồng nên càng khiến họ mệt mỏi, bực bội.
Một người vợ bình luận: "Vợ chồng đã xác định xây dựng gia đình thì tất cả phải rõ ràng. Nhất là kinh tế. Phải minh bạch. Đàn bà cầm kinh tế? Ok! Nhưng hạch toán chi tiêu phải rõ ràng. Vì đơn giản chồng mình đi làm, lương chồng mình giữ cả, khi chồng hỏi đến phang thẳng câu không có thằng nào chẳng sốc. Nhưng mình hạch toán được thì sẽ ok không vấn đề.
Thứ 2, khi chồng đã đưa hết tiền cho mình tức là người chồng đó rất tôn trọng vợ, vun vén gia đình. Cho nên đừng bao giờ để chồng có cảm giác lúc chồng lấy tiền mà như người con, như đi xin. Phải mình bị vậy cũng ức chế lắm chứ. Mình là phụ nữ, cũng cầm kinh tế nhưng chưa bao giờ mình để trong ví chồng tao dưới 1 triệu. Đám cưới, đám treo vẫn đóng phong bì cho chồng mình đi bình thường. Nên mình không đồng tình với cách bù lu bù loa của bà vợ này."
Vậy phải làm sao để vừa quản lý được tiền của chồng, vừa giữ được hòa khí êm ấm, chồng yêu chồng chiều lại vừa được thảnh thơi đầu óc, không phải tối ngày lo cân đối chi tiêu?
Thay vì bắt chồng nộp lương để rồi căng não gồng gánh gia đình, thì hãy cùng ngồi bàn với nhau và phân bổ chi tiêu hợp lý. Xây dựng tổ ấm gia đình hạnh phúc, êm ấm cần sự đóng góp, chia sẻ từ cả hai phía, và tất nhiên phải tự nguyện.
Việc để chồng cũng tham gia chi tiêu các khoản trong gia đình khiến chồng có trách nhiệm hơn và hiểu được “nỗi khổ” của vợ khi phải cân đong đo đếm là như thế nào. Không giữ tiền của chồng nhưng lại khéo léo khiến chồng tiêu tiền đó cho chính gia đình mà vẫn vui vẻ, phấn khởi thế mới là tài. Sau khi áp dụng “chiêu” này, có hai khả năng sẽ xảy ra. Một là, các ông chồng sợ hãi tột độ và nài nỉ được nộp lương và được vợ quản lý chi tiêu giúp. Hai là, chồng tự quản lý được, vợ càng nhàn, có nhiều thời gian để chăm sóc bản thân.
Nói chung trong cuộc sống gia đình, đã cùng chung chăn gối, cùng sống dưới một mái nhà, thì nên tôn trọng lẫn nhau, có trách nhiệm với nhau và với con cái. Đừng tìm cách kiểm soát hay giấu nhau chuyện gì, từ tiền bạc đến công việc hay các mối quan hệ khác.
Theo Anh Lạc/Phununews