Nhiều cô gái trẻ ngày nay cho rằng nín nhịn khi hai vợ chồng tranh luận, cãi cọ nhau là thua thiệt, là không công bằng nên cứ hùng hổ khẩu chiến tay đôi với chồng.
Vợ chồng anh A là một ví dụ, anh là tiến sĩ làm ở ngành giáo dục, chị công tác tại một viện nghiên cứu khoa học. Bất cứ vấn đề lớn hay nhỏ gì anh chị cũng phải tranh luận với nhau đến cùng, ai cũng cho ý kiến của mình là đúng, kết thúc cuộc tranh cãi thường bất phân thắng bại trong không khí căng thẳng. Người chồng có lần than thở với bạn bè: “Tôi mệt mỏi quá rồi, không lẽ chỉ vì những trận cãi vã vụn vặt mà vợ chồng dẫn nhau ra tòa? Nhưng cô ấy chẳng chịu thua tôi câu nào, cứ lên mặt dạy khôn chồng thì làm sao tôi chịu nổi. Lẽ ra cô ấy phải chọn người chồng dễ bảo, “mười rằm cũng ưa, mười tư cũng gật” thì mới yên nhà cửa. Tôi cũng đã góp ý, nhưng cô ấy lý luận rằng, chẳng lẽ ngay trong gia đình mà cũng không có sự bình đẳng giữa vợ chồng hay sao?...”.
|
Bí quyết giữ hạnh phúc trong hôn nhân là phải biết “cân bằng lực lượng” |
Trái ngược với trường hợp vừa kể trên, trong xã hội vẫn còn nhiều ông chồng mang nặng tư tưởng phong kiến theo kiểu “chồng chúa vợ tôi”, có lối sống rất gia trưởng độc đoán. Họ tự định đoạt mọi chuyện trong gia đình, người vợ chỉ còn biết tuân theo, không được trái ý. Một số bà vợ vì nín nhịn chồng cho yên cửa yên nhà nên không dám đưa ra và bảo vệ chính kiến của mình, họ từng bước điều chỉnh lối sống của mình theo yêu cầu của chồng. Đó là sự nín nhịn một cách tiêu cực. Đôi khi chị em cũng muốn “vùng lên đấu tranh” chống lại sự độc đoán gia trưởng của chồng, nhưng lại sợ sẽ vấp phải sự giận dữ “sấm sét lôi đình” mà chồng giáng xuống.
Một số chị em – chủ yếu là ở vùng quê xa vắng, còn quan niệm chồng có mắng chửi hoặc đánh mình thì cũng là chuyện thường tình, không có gì đáng lên án, ngăn chặn. Là vợ thì phải chấp nhận, phải nín nhịn, thôi thì “một sự nhịn, chín sự lành”. Với suy nghĩ như vậy các bà vợ cứ “bớt lời, nhỏ lửa” mãi, đến khi ngọn lửa tình yêu cũng dần dần tắt lịm. Nhìn bề ngoài thì cuộc sống vợ chồng họ vẫn có vẻ yên ổn, nhưng không khí gia đình luôn ngột ngạt, nặng nề.
Nhà tâm lý học người Séc – tiến sĩ Miroslav Plzak nhận xét: “…những cuộc cãi vã có thể là cơ hội giải thoát nỗi bực tức không chỉ được tạo ra bởi cuộc sống vợ chồng. Oái ăm thay, nó thường được chúng ta mang về từ cơ quan hay từ một nơi nào khác…”.
Nhận định trên thật đúng với những ông chồng có địa vị, chức vụ hoặc là một nhà kinh doanh. Gặp phải khó khăn vướng mắc ở chỗ làm hoặc một vụ buôn bán thua lỗ, các ông ôm nỗi bực tức, cay cú đó về nhà, tìm cách trút lên đầu vợ để giải tỏa cho nhẹ người. Người vợ cảm thông với nỗi vất vả, khó nhọc của chồng nên im lặng hứng chịu những lời chê trách mắng mỏ dù trong lòng không khỏi ấm ức.
Sự im lặng lúc đó là đúng, nhưng sau đó, vào lúc thuận tiện người vợ phải biết lựa lời, nhẹ nhàng phân tích cho chồng thấy phải trái đúng sai để chồng có cơ hội giải thích và xin lỗi vợ. Nếu không, chuyện này cứ lặp đi lặp lại, người chồng cứ vô tình đem nỗi bực tức ở bên ngoài về nhà trút lên đầu vợ. Còn người vợ vẫn một mực nín nhịn mà trong lòng ngập tràn nỗi uất ức, hờn tủi. Rồi đến một lúc nào đó sự uất ức bị vỡ tung vì không chịu đựng hơn được nữa. Hạnh phúc gia đình dễ bị lung lay nghiêng ngả.
Theo kinh nghiệm của các bậc “tiền bối” là các bà, các mẹ của chị em chúng ta truyền lại: Bí quyết giữ hạnh phúc trong hôn nhân là phải biết “cân bằng lực lượng”. Nếu để một người lúc nào cũng chỉ huy, quyết định mọi việc, còn người kia chỉ biết tuân theo thì không thể có hạnh phúc đích thực. Cần phải đi theo hướng nói thẳng nói thật mọi vấn đề gặp phải và giải quyết chúng khi cả hai vợ chồng đều đang vui vẻ thư thái.
Người vợ cần biết chủ động lúc nào nên nín nhịn, lúc nào nên trao đổi ý kiến với chồng để đôi bên cùng nhau giải tỏa những vướng mắc, bất đồng trong sự êm thấm.
Theo Hà Thân/Thegioitiepthi