BS Phạm Trịnh Quốc Khanh- Trưởng khoa Bỏng Tạo hình Thẩm Mỹ, Bệnh viện Trưng Vương- cho biết, mới đây, một phụ nữ 40 tuổi (ở TPHCM) đã đến Bệnh viện khám trong tình trạng cổ nổi lục cục và chi chít. Cô cho biết, trước đó có đến một thẩm mỹ viện ở TPHCM để tiêm chất làm đầy và trắng da vùng cổ. Sau khi tiêm, cô bị nổi nốt, sốt và rất ngứa ngáy.
|
BS Khanh cung cấp hình ảnh bệnh nhân sau khi tiêm mỹ phẩm vào da (ảnh K.Q)
|
Theo BS Khanh, bệnh nhân đã được tiêm hỗn hợp 3 chất vốn là mỹ phẩm chỉ cho phép dùng ngoài da hoặc lăn kim. Đây là những chất giúp da trắng sáng và căng đầy. “Bác sĩ tại thẩm mỹ viện đã không nắm được nguyên tắc cơ bản khi sử dụng các chất này. Bởi cũng là 3 chất này, nhưng nếu để tiêm vào da thì phải có sự khác biệt với tiêu chí và thành phần biệt dược. Mặt khác, tiêm vào da đòi hỏi yếu tố vô trùng rất cao. Dùng mỹ phẩm bôi ngoài da để tiêm vào cơ thể khiến bệnh nhân bị kích ứng, gây phản ứng viêm tại chỗ”. BS Khanh giải thích.
Tại Bệnh viện Trưng Vương, bệnh nhân được kê thuốc dưỡng da và thuốc phân giải chất đã dùng nhằm giúp cơ thể đào thải. Tuy nhiên, theo BS Khanh, bệnh nhân khó lấy lại được làn như ban đầu mà còn để lại sẹo.
Từ trường hợp này, BS Khanh khuyến cáo bệnh nhân khi muốn tiêm chất gì vào cơ thể để cải thiện nhan sắc đều phải tìm hiểu rõ ràng. Bệnh nhân cần được biết chất đó có được phép tiêm vào cơ thể hay không, có giấy phép vật tư y tế hay mỹ phẩm. Chất tiêm vào cơ thể phải được cấp giấy phép là vật tư y tế. Mặt khác, vật tư y tế được lưu hành ở Việt Nam đều phải có tiếng Việt trên vỏ hộp, tên sản phẩm phải nằm trong danh sách vật tư y tế của Bộ Y tế.
Bên cạnh đó, về cơ sở thẩm mỹ, bệnh nhân cần đến cơ sở được Sở Y tế cấp giấy phép thực hiện thủ thuật tiêm chất làm đầy, chất cải thiện vẻ đẹp: “Bệnh nhân hoàn toàn có quyền yêu cầu cơ sở thẩm mỹ, cơ sở y tế cho xem các loại giấy phép này trước khi quyết định chích vào cơ thể hoặc tham khảo trên mạng xem chất này được cho phép hay chưa”, BS Khanh khuyến cáo.
Theo Khương Quỳnh/Lao động