Nhiều người cho rằng làn da của con người luôn có cơ chế tự phục hồi và thay thế. Vì thế, những tế bào da chết chưa bị bong ra có thể xuất hiện trên khắp cơ thể. Tẩy tế bào chết giúp loại bỏ chúng khỏi cơ thể để lộ ra làn da sáng mịn, khỏe mạnh.
Theo BSCKI Nguyễn Phương Thảo, nguyên bác sĩ khoa Da liễu, Bệnh viện quận 5 (TP.HCM), tế bào da có quy trình sinh ra, lớn lên, trưởng thành, lão hóa và chết đi. Các tế bào trong cơ thể còn có quy luật chết tế bào, nghĩa là từ khi sinh ra nó đã hoạch định thời gian sẽ chết đi và được thay thế. Ví dụ, thời gian sống của tế bào máu là 120 ngày, tế bào gan 300-500 ngày và tế bào da 20-40 ngày.
"Đến giai đoạn tế bào chuẩn bị chết, chúng ta muốn kéo chúng sống lâu thêm một chút cũng không thể. Vì vậy, việc tẩy tế bào là làm cho nó chết nhanh hơn. Tế bào da khi chết đi sẽ tự bong ra và không cần sự tác động của tẩy tế bào chết từ con người. Tẩy tế bào chết là hành động can thiệp đến quá trình sinh trưởng tự nhiên của làn da. Nếu việc này không cần thiết sẽ tạo nên nhiều hệ lụy", bác sĩ Phương Thảo nói.
|
Tẩy tế bào chết là một hành động can thiệp đến quá trình sinh trưởng tự nhiên da. Ảnh: Beautylabs.
|
Lớp sừng tuy là tế bào chết nhưng cũng có giá trị trong việc bảo vệ cơ thể, hạn chế sự mất nước, mất nhiệt. Chúng còn giúp duy trì độ ẩm cho làn da và cân bằng nhiệt độ cơ thể, ngăn cản các yếu tố bất lợi từ môi trường bên ngoài. Việc can thiệp thô bạo và quá tích cực đến lớp sừng này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của làn da và cơ thể.
Bác sĩ Phương Thảo cho biết tế bào non bên dưới da không đủ sức chống chọi với môi trường bên ngoài dễ dẫn đến sạm, nám, nứt nẻ, kích ứng...
Khi rửa mặt xong, động tác lau mặt bằng bông hoặc khăn đã đủ sức lấy đi những tế bào chết đúng tuổi cần ra đi. Chúng ta không nên bắt nó chết sớm hơn.
Vị chuyên gia này khuyến cáo khi thấy da dày sừng, mụn ẩn nhiều, lỗ chân lông to kèm theo da nhờn mới cần tẩy tế bào da chết. Các làn da còn lại đều không nên tẩy, đặc biệt trường hợp da sạm, nám.
Theo Phương Anh/Zing