Tết biếu bố mẹ chồng thế nào cho đủ vẫn luôn là câu khỏi khiến bao chị em phụ nữ canh cánh trong lòng tới mất ăn mất ngủ mỗi dịp Tết đến xuân về. Nhất là với những nàng dâu có mẹ chồng khái tính thì biếu Tết đúng là một bài toán đau đầu.
Cùng chung nỗi trăn trở ấy, mới đây một nàng dâu đã lên mạng xã hội than thở về chuyện biếu tiền nhà nội của mình, thu hút sự chú ý của không ít người.
Câu chuyện cô kể như sau: "Ngày còn bé, thi thoảng nghe mẹ than thở rằng Tết chỉ có trẻ con vui, người lớn lo bạc mặt, em ngơ ngác chẳng hiểu sao mẹ lại nói thế. Tới lúc học xong đi làm, Tết đến em vẫn thấy vui. Thế nhưng khi chính thức bước chân vào cuộc sống hôn nhân rồi em mới hiểu lời than ấy của mẹ. Đúng là Tết chỉ làm người lớn bạc mặt lo thôi.
Bài chia sẻ của người vợ.
Vợ chồng em là trưởng nên dù ở xa nhưng ngày giỗ lễ trong năm của nhà nội vẫn phải lo chu toàn hết. Giỗ nhỏ, việc bận không về được chúng em phải gửi tiền về nhờ bố mẹ chồng làm giúp. Còn giỗ lớn hoặc trong họ có việc trọng đại thì bận mấy vợ chồng cũng phải cắt cử nhau về.
Mệt nhất là Tết, người già cả nghĩ, thích con cháu thể hiện sự quan tâm với bố mẹ. Một phần nữa là thích giữ thể hiện với hàng xóm rằng mình có con cái làm ăn xa, Tết được con về sắm sửa mọi thứ sẽ hãnh diện.
Thế nên năm nào gần tới Tết, mẹ chồng cũng gọi điện 'nhắc nhở' trách nhiệm của 2 đứa em. Hiểu tính bà như vậy nên cứ sang tháng 12 âm là em sẽ chuẩn bị sẵn 1 khoản tiền gửi về để ông bà tự chủ động mua sắm thực phẩm bánh kẹo. 29, 30 bọn em xong việc về sau, khi ấy mua thêm gì thì mua.
Năm nay công việc của cả hai vợ chồng em đều gặp khó khăn. Riêng chồng còn không có thưởng tháng lương thứ 13 vì công ty chỉ hoạt động cầm chừng. Cũng vì thế mà em chưa thu xếp được tiền gửi về quê cho bố mẹ chồng sớm như mọi năm.
Quả như em đoán, hôm qua bà ở quê chưa thấy con trai con dâu chuyển tiền về liền gọi điện lên nhắc khéo: 'Sắp Rằm tới nơi rồi đấy, hai đứa định Tết nhất thế nào. Thấy bảo thực phẩm, bánh kẹo năm nay lên giá hơn năm ngoái nhiều lắm'.
Bà nhắc bọn em chuyện đưa tiền Tết. Bảo hàng hóa ngày Tết tăng giá là ý muốn bảo bọn em phải đưa nhiều hơn năm ngoái. Mẹ chồng em bóng gió, ý tứ lắm. Bà không nói thẳng mà cứ vòng vo thế để con dâu tự hiểu.
Nói thật như mọi năm kinh tế ổn hơn em còn đỡ mệt. Năm nay lương lậu không ra sao, tới giờ còn chưa biết có được đồng tiền Tết nào không, lại nghe mẹ chồng thúc giục nữa, em thấy mệt mỏi kinh khủng. Nói ra sợ bà không hiểu lại nghĩ con cái tính toán, tiếc tiền với cả bố mẹ. Còn không nói thì bà không hiểu đấy là đâu.
Vậy là em nhẹ nhàng đáp: 'Mẹ biết đó, năm nay công việc của chúng con gặp khó khăn. Chồng con nghỉ việc mấy tháng mới đi làm lại nên tài chính cũng đang eo hẹp. Hiện còn chưa nhận lương, chưa biết thế nào nhưng chắc chắn vợ chồng con sẽ cố hết sức để lo Tết cùng bố mẹ đầy đủ nhất trong khả năng có thể của mình'.
Nghe con dâu nói vậy, giọng mẹ chồng em có chút trầm xuống. Sau vài phút ngần ngừ, bà cười bảo: 'Ừ, thôi thì có thể nào mình lo Tết thế đó. Không cần mua sắm nhiều quá lại thừa ra lãng phí. Hai đứa cứ lo công việc đi, khi nào về cũng được'.
Thấy bà có vẻ hiểu lòng con dâu rồi em mới nhẹ lòng đi được chút. Nhiều khi nói chuyện với mẹ chồng là cứ phải dùng chiến thuật đi lòng vòng thế các cụ mới hiểu đó. Nói thẳng dễ tự ái lắm, người già cả nghĩ là vậy. Giờ em chỉ mong Tết nhất có chút thưởng để biếu nội ngoại đôi bên. Năm nay tài chính vợ chồng em đúng là căng thật".
Cảnh làm dâu vốn chưa bao giờ là dễ dàng bởi sự khác biệt trong nếp sống, lối suy nghĩ giữa mẹ chồng con dâu là khá lớn. Tuy nhiên, trong mọi hoàn cảnh nếu chúng ta biết cách ứng xử khéo léo, đặt mình vào lập trường của bậc phụ huynh để suy nghĩ thì dần dần sẽ hiểu và chiếm được tình cảm của họ. Từ đó mối quan hệ giữa đôi bên sẽ dần khăng khít, hòa thuận hơn.
Theo Gia đình và Xã hội