Trẻ nên ngủ lúc nào mới tốt?
Nghiên cứu cho thấy, chiều cao của trẻ có 70% được quyết định ở gen của bố mẹ, 30% thuộc về yếu tố bên ngoài sau khi trẻ chào đời. Trong 30% yếu tố bên ngoài, giấc ngủ được xếp hàng đầu trong việc ảnh hưởng đến chiều cao của trẻ, hơn cả chế độ ăn uống và vận động, bởi vì khi trẻ ngủ, cơ thể sẽ tiết ra hormone sinh trưởng.
|
Ảnh minh họa. |
Các nghiên cứu khoa học và sức khỏe cũng đã chứng minh, hai giai đoạn trong ngày mà hormone sinh trưởng tiết ra nhiều nhất là từ 21 giờ tối đến 1 giờ sáng và 5 giờ sán đến 7 giờ sáng. Nếu trong hai thời điểm này mà bạn không để cho trẻ ngon giấc hoặc trẻ đã tỉnh giấc sẽ ảnh hưởng đến chiều cao.
Vì sao nên cho trẻ ngủ trong giờ vàng để tăng trưởng chiều cao?
Từ 9 giờ tối cho đến 1 giờ sáng ngày hôm sau, đặc biệt là trong khoảng trước và sau 10 giờ tối thì lượng hormone sinh trưởng tiết ra đạt đến mức cao nhất, thậm chí có thể cao gấp 5 - 7 lần so với thời gian ban ngày.
Ngoài ra, trong khoảng một đến hai tiếng đồng hồ trước 6 giờ sáng cũng là thời điểm đỉnh cao của sự bài tiết hormone sinh trưởng.
Tuy vậy, không phải cứ đến 9 giờ tối thì hormone sinh trưởng mới bắt đầu tiết ra số lượng lớn theo đúng giờ. Để loại hormone có ích cho chiều cao này tiết ra nhiều cần có thêm các yếu tố quan trọng khác: Đó là chỉ khi bạn chìm vào giấc ngủ sâu thì mới đạt hiệu quả như vậy. Nếu đến thời điểm vàng mà trẻ vẫn chưa lên giường hoặc nằm trên giường mà chưa ngủ, hoặc đã ngủ nhưng chưa say giấc thì lượng hormone sinh trưởng cũng chỉ ở mức thấp, không đáng kể.
Vì vậy, khi bạn để trẻ ngủ càng muộn, hoặc không tạo được môi trường thuận lợi cho trẻ ngủ ngon thì càng bất lợi cho chiều cao của trẻ. Thông thường, con người sau khi ngủ phải mất nửa tiếng hoặc một tiếng sau mới đạt trạng thái ngủ sâu.
Các chuyên gia kiến nghị rằng, nếu muốn trẻ tăng chiều cao vượt trội, tốt nhất bạn nên cho trẻ lên giường trước 8h30’ tối, muộn nhất cũng đừng quá 9h30 tối và để trẻ thức dậy sau 7h sáng hôm sau.
Mách bạn những “chiêu” giúp trẻ dễ dàng đi ngủ sớm
Tạo môi trường giấc ngủ thuận lợi cho trẻ
Nếu gia đình bạn có thói quen ngủ muộn thì những tiếng ồn như tiếng tivi, tiếng nói chuyện và những tạp âm từ các hoạt động sinh hoạt khác sẽ khiến trẻ cảm thấy chưa đến giờ ngủ. Do đó, người lớn dù bận rộn thế nào cũng nên đầu tư môi trường ngủ cho trẻ, bao gồm điều chỉnh ánh sáng đèn tối đi, tắt tivi hoặc vặn nhỏ tiếng, không dùng smartphone v.v… Ngoài ra, người lớn không nên nói chuyện lớn tiếng, thậm chí có thể sắp xếp việc ngủ cùng trẻ để trẻ có được cảm giác an toàn và dễ chịu.
Bạn cũng nên để trẻ tự chuẩn bị các việc trước khi ngủ như đánh răng, rửa mặt, rửa chân, xếp lại chăn màn v.v… Những việc đơn giản này góp phần tạo ra thói quen để trẻ nhận ra đã đến giờ ngủ.
|
Ảnh minh họa. |
Tránh khiến cho não của trẻ quá hưng phấn trong một tiếng trước giờ ngủ
Nhiều phụ huynh vì để trẻ khỏi khóc quấy chơi đùa rất nhiều trước giờ ngủ. Những hoạt động này sẽ khiến não bộ ở trạng thái hưng phấn, làm cho trẻ không muốn đi ngủ và khó ngủ sâu. Tốt nhất bạn nên cho trẻ điều chỉnh lại tâm trạng yên tĩnh, chẳng hạn như kể chuyện hay mở nhạc nhẹ hoặc hát ru êm dịu cho trẻ nghe.
Ban ngày không nên cho trẻ ngủ quá lâu
Lý do rất đơn giản là nếu ban ngày trẻ đã ngủ quá nhiều thì ban đêm sẽ khó ngủ, lâu ngày trẻ sẽ hình thành thói quen xấu là không chịu ngủ buổi tối. Điều này không những khiến tốc độ sinh trưởng của trẻ bị chậm đi mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến sức tập trung, trí nhớ, khả năng sang tạo và các kỹ năng vận động ở trẻ.
Theo Thiện Duyên/Em Đẹp