Con suýt mất mạng vì mẹ cho uống sữa ăn kiêng

Google News

Sai lầm của người mẹ đã khiến em bé sút cân, nôn mửa, suýt mất mạng. Rất may, em được cứu chữa kịp thời và xuất viện sau vài ngày.

Con suyt mat mang vi me cho uong sua an kieng

Trẻ dưới 1 tuổi không nên uống sữa hạt hoàn toàn vì không đủ dinh dưỡng. Ảnh: Shutterstock.

Năm năm trước, khi chuyên gia dinh dưỡng Marina Chaparro đang làm việc tại một bệnh viện nhi ở Miami (Mỹ), một trẻ sơ sinh nhập viện trong tình trạng nôn mửa, sút cân.

Em bé bị nhiễm toan ceton do đái tháo đường. Khi cơ thể không đủ insulin, nó sẽ phân hủy axit béo để tạo năng lượng, giải phóng các ceton có tính axit. Những axit này tích tụ trong máu rất nguy hiểm vì có thể gây hôn mê hoặc tử vong do tiểu đường.

Ban đầu, bà Chaparro và các đồng nghiệp tại khoa nội tiết trẻ em nghĩ rằng em bé mắc tiểu đường loại 1 - thủ phạm phổ biến của tình trạng nhiễm toan ceton.

Nhưng sau một loạt xét nghiệm, họ nhận thấy trẻ tình trạng em bé mắc phải không do tiểu đường mà do đói. Mẹ cho bé theo chế độ ăn sữa hạnh nhân. Có thể, người mẹ đã nghe theo những lời khuyên y tế vô căn cứ trên các trang mạng.

Người mẹ nghĩ sữa hạnh nhân tốt cho con nên mới làm như vậy. May mắn, sức khỏe em bé đã ổn định lại và được xuất viện sau vài ngày. Em được cho dùng sữa công thức phù hợp, mẹ em cũng đã được bác sĩ nhắc nhở về vấn đề này.

Câu chuyện của em bé này đã khiến chuyên gia dinh dưỡng Marina Chaparro ám ảnh trong nhiều năm vì nó cho thấy sự nguy hiểm của những thông tin y tế sai lệch. Những năm gần đây, loại thông tin này bắt đầu xuất hiện và phổ biến trên mạng.

Con suyt mat mang vi me cho uong sua an kieng-Hinh-2

Pha loãng sữa công thức cũng gây nguy hiểm. Ảnh: USA Today.

Sữa hạt không thể thay thế sữa công thức

Theo Viện hàn lâm Nhi khoa Mỹ, sữa hạt không phải sự thay thế an toàn cho sữa bột trẻ em, dù nó có thể tích hợp vào hầu hết chế độ ăn của trẻ mới biết đi. Một điều cần lưu ý là sữa hạt không đủ dinh dưỡng để thay thế sữa mẹ hoặc sữa công thức cho trẻ dưới một tuổi. Sữa bò hoặc các sản phẩm thay thế sữa cũng vậy.

Bà Chaparro cũng nêu rằng sữa công thức dành cho trẻ em rất khó để "chế lại" và khó có được sự cân bằng dinh dưỡng. Các nhà khoa học thực phẩm đã phải nghiên cứu trong nhiều năm mới tìm ra sản phẩm sữa công thức phù hợp cho trẻ. Chưa kể, việc tự chế lại sữa cũng gây nguy cơ nhiễm khuẩn và nhiễm chéo.

Các bác sĩ nói thêm việc pha loãng sữa công thức cũng gây nguy hiểm. Gần đây, nhiều bà mẹ đã tìm đến các cách nấu sữa công thức tự chế trên mạng do tình trạng thiếu hụt sữa công thức trong năm qua.

Bác sĩ Owais Durrani - làm việc tại một phòng cấp cứu ở Texas - cho biết trước đây ông từng nói về những hậu quả của việc pha loãng sữa công thức mà ông đã tận mắt chứng kiến. Hậu quả điển hình là hôn mê và co giật.

Không ít cha mẹ pha loãng sữa công thức để tiết kiệm sữa, nhưng điều đó làm mất cân bằng điện giải, khiến trẻ thiếu hụt natri. Điều đó cũng khiến thể tích máu của các bé giảm, gây ra tình trạng huyết áp thấp, lượng oxy lưu thông thấp và gây nguy hiểm tính mạng.

Bác sĩ Durrani lý giải về cơ bản, sữa công thức cũng giống như thuốc kê đơn, được quy định chặt chẽ các thành phần để đảm bảo thận, gan, chất điện giải của trẻ phát triển và những bộ phận khác đều ở trạng thái cân bằng tốt.

"Người trưởng thành có thể ở ngoài nắng trong 12 giờ và không bị mất nước, nhưng trẻ sơ sinh lại không khỏe được như vậy. Từng chất điện giải, từng thành phần, khoáng chất trong sữa công thức đều rất quan trọng với các bé", bác sĩ Durrani nói.

Trước tình trạng thiếu hụt sữa công thức, bác sĩ Durrani khuyến nghị cha mẹ nên chuyển sang các loại sữa có sẵn khác. Nếu được, cha mẹ nên tham khảo bác sĩ nhi khoa hoặc bệnh viện địa phương để lấy các mẫu sữa công thức.

Mục Sức khỏe giới thiệu cuốn Ăn gì không chết. Cuốn sách là một khảo cứu của bác sĩ Michael Greger sau khi ông xem xét tỉ mỉ 15 nguyên nhân hàng đầu dẫn đến chết trẻ ở Mỹ để giải thích tại sao can thiệp dinh dưỡng và lối sống có thể giúp ta khỏe mạnh hơn, ví dụ như mối liên hệ giữa thịt gà và ung thư tuyến tụy, hoặc bệnh tiểu đường và đậu.

Theo Thái An/Zingnews