Tôi là Nam, chàng trai được sinh ra và lớn lên tại một làng quê chài nghèo miền biển. Gia đình tôi có 6 người, bà, bố mẹ và ba anh em tôi. Nhà tuy đông người, lại không thuộc diện khá giả nhưng lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười và không khí đầm ấm.
Ở gần biển, nên công việc chính của mọi người là làm bạn với sóng nước và các loại tôm cá. Ngoài đánh bắt hải sản, ngày ngày bố mẹ tôi chạy chợ buôn bán kiếm thêm cũng được vài đồng để nuôi 3 anh em chúng tôi khôn lớn trưởng thành.
Nghĩ lại lúc đó, chúng tôi được nô đùa trong vòng tay của bà và được bao bọc bởi yêu thương từ bố mẹ thật vui biết bao. Tối đến, cả nhà lại quây quần bên mâm cơm, nghe bà kể chuyện xưa, nghe bố tôi nói về những "trận chiến" với biển cả, mọi người cười nói thật vui vẻ.
Tưởng rằng cuộc sống này cứ mãi êm đẹp trôi đi như vậy cho tới khi tôi học đại học, ra trường và có được công việc ổn định để phụ giúp bố mẹ nghỉ ngơi sau bao năm tháng vất vả vì gia đình. Nhưng tôi đã lầm. Tôi nhớ như in cái này đó...
10 năm về trước, khi mẹ tôi đột ngột ra đi, để lại bố và ba anh em tôi đang tuổi ăn học. Chán nản, bố tôi lao đầu vào cờ bạc, rượu chè, đề đóm. Ông bắt đầu nuôi trong mình giấc mộng làm giàu và trở thành ông chủ lớn, nhưng có ai đi chọn con đường này để làm giàu bao giờ.
Thế rồi, chuyện gì phải đến đã đến, “ý tưởng” làm giàu từ con số của bố tôi tiêu tan. Sau nhiều lần “chơi lớn”, ông bị người ta lừa, để gỡ lại số tiền đã mất, ông mang hết đồ đạc, đất cát và số đỏ trong gia đình đi cầm cố nhưng thua vẫn hoàn thua.
|
Ảnh minh họa. |
Nhà chưa lấy về được mà tiền lãi mẹ đẻ lãi con ngày một nhiều, gia đình tôi từ đó chìm trong những ngày của đau thương, tuyệt vọng, cãi vã vì nợ nần.
Suốt thời gian qua, để duy trì cuộc sống, gia đình tôi ăn gì, mặc gì cũng hà tiện. Để phụ giúp bố trả nợ, anh em tôi dù tuổi còn nhỏ nhưng cũng cố gắng làm thuê, nhặt nhạnh từng đồng. Nhưng rồi bất kể số tiền đó là bao nhiêu, bố tôi lại "vay tạm" để đem “dâng” cho con ma cờ bạc ông nuôi bấy lâu nay.
Thời gian thấm thoát trôi đi, tôi chẳng còn nhớ bao nhiêu lần người ta đến gõ cửa đòi nợ nữa. Chỉ biết rằng số tiền đó là nhiều, rất nhiều mà tôi chưa dám tưởng tượng.
Thế rồi, một ngày bố tôi quyết định đi thêm bước nữa, nhưng ai cũng hiểu, nếu không có tiền thì cuộc sống gia đình có nhiều miệng ăn sẽ lay lắt thế nào. Vì bị nghèo khổ đeo bám, ông và vợ kế suốt ngày cãi nhau, việc này càng khiến cho không khí trong nhà tôi lúc nào cũng được bao phủ bởi nợ nần và những trận cãi vã không hồi kết.
Khi đó, tôi cứ đơn giản nghĩ rằng, mình chỉ cần cố gắng học thật tốt, sau này làm việc thật chăm chỉ, tương lai sẽ kiếm nhiều tiền, 2 bố con cùng nhau trả nợ dần dần trong mấy năm sẽ hết. Nhưng đến bây giờ, khi tôi là sinh viên năm 2 thì số nợ ấy không những không thuyên giảm mà còn tăng lên đến gần 2 tỷ đồng.
Cả gia đình ai cũng khuyên bố tôi tu chí làm ăn, bỏ giấc mộng làm ông chủ giàu có, để kiếm một công việc khác, công nhân cũng được, lái xe, hay thậm chí là đi giao hàng cũng được để trả nợ dần dần. Nhưng ông nhất quyết không nghe theo ai.
Chuyện gia đình tôi xưa nay vẫn vậy, bố tôi luôn tự cho mình là nhất, ông đã quyết thì không ai có quyền ngăn cản. Cả nhà ai nấy cũng sợ ông và tôi cũng không phải ngoại lệ.
Từ nhỏ tới lớn, trong tâm trí tôi, một chàng trai mới bước sang lứa tuổi thanh xuân đẹp đẽ nhất của cuộc đời luôn là những lời chửi mắng thậm tệ đau đến xé lòng, những cuộc điện thoại đòi tiền của chủ nợ và những lần bố tôi nhắn nhờ đi vay hộ tiền. Đau đớn và xót xa.
Tôi sợ, sợ cái cảm giác đó, sợ mỗi khi có cuộc điện thoại ông gọi đến, sợ rằng nhà tôi không thể cầm cự thêm nữa, và sợ tôi sẽ gục ngã vì số phận thì ai sẽ là người lo cho gia đình nhỏ bé đó, nơi tôi vẫn còn bà và 2 đứa em thơ đang tuổi đi học.
Nghĩ lại hoàn cảnh của mình, tôi vừa buồn, vừa thất vọng, vừa giận nhưng cũng vừa thương ông. Nhìn gia đình suy sụp, tiền ăn tiền tiêu không có, tôi thương mình, thương hai đứa em sống trong cảnh thiếu thốn. Nhìn bố và mẹ suốt ngày cãi nhau, đánh chửi nhau mà tội quặn lòng.
Đôi lần đánh chửi nhau chán, bố gọi cho tôi nói rằng: “Bố biết, mày giờ đi làm và có tiền, mày cho bố ít tiền bổ trả nợ, mấy hôm nữa kiếm được bố sẽ đưa lại”. Nhận được tin nhắn của bố, tôi thực sự buồn, ông như thế này không biết bao nhiêu lần rồi. Và trong trăm ngàn lần "vay" đó, số tiền ông nhận đều không được ông mang đi trả nợ, mà để nướng vào số lô, số đề và bài bạc.
Tôi cũng đi làm thêm, nhưng luôn phải dành dụm để tự lo tiền ăn uống cho bản thân, dành dụm để mua đồ này đồ khác cần thiết cho gia đình và sắm đồ cho bà, cho hai em.
Khi tiếp tục nhận tin nhắn mượn tiền của bố, trong người tôi chỉ còn một chút ít thôi, và đây là số tiền ít ỏi cuối cùng tôi dành để chi tiêu từ giờ đến cuối tháng. Tôi cũng định cuối tuần sẽ về quê, dắt hai đứa em đi mua quần áo mùa đông, chúng lớn nhanh quá, quần áo cũ rách cả rồi.
Nhưng bố tôi lại như vậy, được một lần rồi sẽ có nhiều lần sau, ông dường như không có điểm dừng nữa. Lúc đó tôi biết vay ai? Mượn ai được nữa đây?
Dạo gần đây, mẹ kế có gọi điện cho tôi khóc và kể, bố tôi suốt ngày rượu chè, nhậu nhẹt, karaoke, gái gú, không chuyên tâm làm việc mà tôi đau xé lòng. Cứ thế này, bao giờ nhà tôi mới trả được hết nợ, bao giờ mới thoát khỏi cảnh làm con nợ, bị coi khinh, chửi rủa, nhịn nhục trong làng.
Nghĩ đến gia đình, thương mọi người, tôi lại khóc, lại đau. Đã mấy lần, trong đầu tôi thoáng qua chữ "chết" nhưng rồi tự mình phải dập tắt nó. Vì tôi biết, tôi chính là niềm hy vọng duy nhất của gia đình trong lúc này, vậy nên, tôi phải cố gắng nhiều hơn.
Nhưng thực sự tôi chẳng thể lấy lại tinh thần, chẳng thể vui vẻ, chẳng thể làm gì. Cũng mấy tháng rồi, ngày nào tôi cũng lo sợ, cũng khóc, cứ nghĩ ngợi đau khổ như này, tôi sợ sẽ bị stress, trầm cảm mất.
Tôi không biết phải làm sao bây giờ, tôi cũng cố gắng, học tập, làm việc rất nhiều, nhưng mỗi khi về lại ngôi nhà lạnh lẽo không tiếng cười ấy, tôi lại bị xuống tinh thần rất nhiều, muốn chết đi vì tuyệt vọng.
Theo Khả Minh/VTC News