Công ty Y Dược Bảo Lâm bị tước giấy phép, vẫn nhận bệnh nhân?

Google News

Dính nhiều vi phạm, Công ty TNHH Y Dược Bảo Lâm, bị Thanh tra Sở Y tế TP HCM tước giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh 2 tháng. Tuy nhiên, đơn vị vẫn ngang nhiên hoạt động bất chấp quyết định xử phạt?

Bị xử phạt, tước giấy phép hoạt động
Mới đây, Thanh tra Sở Y tế TP HCM công bố các quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế đối với tổ chức, cá nhân. Trong đó, Công ty TNHH Y Dược Bảo Lâm (gọi tắt là Công ty Y Dược Bảo Lâm, 219D Phạm Viết Chánh, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1) bị phạt 46 triệu đồng.
Những hành vi vi phạm được xác định là không bảo đảm một trong các điều kiện sau khi đã được cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh (KBCB) đối với cơ sở KBCB, trừ hình thức tổ chức là phòng khám đa khoa và bệnh viện; quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định.
Cong ty Y Duoc Bao Lam bi tuoc giay phep, van nhan benh nhan?
 Thông tin xử phạt Công ty TNHH Y Dược Bảo Lâm của Thanh tra Sở Y tế TP HCM. Ảnh chụp màn hình.
Ngoài phạt tiền, Công ty Y Dược Bảo Lâm còn chịu hình phạt bổ sung: tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động KBCB trong thời gian 2 tháng; buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo mà nội dung quảng cáo chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận trước khi thực.
Ngoài ra, Thanh tra Sở Y tế cũng xử phạt ông Nguyễn Thế Vinh – nhân viên Công ty Y Dược Bảo Lâm với số tiền 35 triệu đồng do KBCB vượt quá phạm vi hoạt động chuyên môn được ghi trong chứng chỉ hành nghề KBCB, trừ trường hợp cấp cứu và trường hợp thực hiện thêm các kỹ thuật chuyên môn đã được cho phép theo quy định của pháp luật. Ông Vinh còn bị tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề KBCB trong thời hạn 23 tháng.
Theo thông tin trên trang masothue.com, Công ty TNHH Y Dược Bảo Lâm, thành lập ngày 25/5/2020, mã số thuế 0316288881, do Chi Cục thuế quận 1 quản lý; ông Hoàng Văn Dũng làm đại diện pháp luật.
Ngành nghề kinh doanh chính: Phòng khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền, vật lý trị liệu; Khám bệnh, chữa bệnh chuyên khoa và nha khoa (không có bệnh nhân lưu trú và trừ dịch vụ xoa bóp).
Khảo sát ngày 20/10, website https://xuongkhopquocte.vn đăng tải thông tin: “Chuyên khoa xương khớp Việt Đức có địa chỉ tại 219D đường Phạm Viết Chánh, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, TP HCM là cơ sở y tế được đánh giá cao về khả năng chữa bệnh và nhận được sự tin tưởng của đông đảo người bệnh tại Sài Gòn và các bệnh nhân ngoại tỉnh nói chung…”.
Ngoài ra website này còn quảng cáo: “Phòng khám Việt Đức là đơn vị chuyên khoa thần kinh cột sống – cơ- xương – khớp uy tín hàng đầu tại Việt Nam cung cấp đầy đủ dịch vụ thăm khám, điều trị và phục hồi chức năng toàn diện cho bệnh nhân cơ – xương – khớp – thần kinh cột sống…
Cong ty Y Duoc Bao Lam bi tuoc giay phep, van nhan benh nhan?-Hinh-2
 Website https://xuongkhopquocte.vn, quảng cáo: “Phòng khám Việt Đức là đơn vị chuyên khoa thần kinh cột sống – cơ- xương – khớp uy tín hàng đầu tại Việt Nam - Ảnh chụp màn hình
Kể từ khi thành lập đến nay, bằng việc kết hợp phương pháp điều trị không xâm lấn, kết hợp với nắn chỉnh cột sống, vật lý trị liệu, Phòng khám Việt Đức đã chữa trị thành công cho hàng ngàn bệnh nhân mắc các bệnh lý cột sống cấp và mãn tính, bao gồm: Thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống, viêm khớp gối, viêm khớp háng, đau thần kinh tọa, gai cột sống…”
Fanpage “Chuyên Khoa Cơ Xương Khớp Việt Đức” giới thiệu: “Việt Đức là chuyên khoa đầu ngành về cơ xương khớp tại Việt Nam, trị dứt điểm các bệnh lý về cơ, xương và khớp bằng công nghệ cao không xâm lấn, không phẫu thuật”. Trang này dẫn về địa chỉ đường Phạm Viết Chánh, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, TP HCM.
“Lùa” khách đến địa chỉ mới?
Ngày 19/10, phóng viên đến địa chỉ 219D Phạm Viết Chánh, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, TP HCM nhưng nơi này đã đóng cửa. Bên ngoài có treo bảng hiệu với nội dung: “Công ty TNHH Y Dược Bảo Lâm – Phòng khám chuyên khoa YHCT Việt Đức – Phụ trách chuyên môn Bác sĩ Phạm Quang Chánh - Giấy phép số 08257/HCM-GPHĐ – Thời gian làm việc từ 8h00 đến 20h00 các ngày trong tuần – ĐT: 0769684999”.
Cong ty Y Duoc Bao Lam bi tuoc giay phep, van nhan benh nhan?-Hinh-3
 Công ty TNHH Y Dược Bảo Lâm (219D Phạm Viết Chánh, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, TP HCM) - Ảnh: Hữu Thông
Trong vai khách hàng, phóng viên liên hệ với Chuyên Khoa Cơ Xương Khớp Việt Đức theo số ĐT 0769684999, để đặt lịch khám bệnh cột sống.
Một nhân viên nữ nghe máy giới thiệu tên là bác sĩ Hân, sau khi hỏi PV về triệu chứng mắc phải, người này cho biết PV có dấu hiệu mắc bệnh lý cơ xương khớp ở giai đoạn xấu.
“Bên em sẽ tiếp nhận bệnh, điều trị bằng phương pháp sóng cao tần và kim siêu vi nên không dùng thuốc, không phẫu thuật, anh cũng không cần nằm lại viện để theo dõi…, chi phí cho một lần điều trị (tùy theo bệnh lý sau khi bác sĩ chẩn đoán) dao động từ 1 đến 4 triệu đồng, liệu trình điều trị từ 3 đến 5 lần…”, người nghe máy nói.
PV hẹn sang tuần đến thăm khám có được không, người này cho biết: “Bên em làm việc từ 7h30 đến 17h tất cả các ngày trong tuần”. Người này cũng không quên dặn PV đến địa chỉ số 87B đường Bùi Thị Xuân, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP HCM để được thăm khám.
Khi được hỏi, tại sao trên website ghi địa chỉ chuyên khoa xương khớp Việt Đức có địa chỉ tại 219D Đường Phạm Viết Chánh, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1 mà lại hẹn thăm khám ở 87B đường Bùi Thị Xuân, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1?
Người này cho biết: “Do cơ sở tại 219D đường Phạm Viết Chánh, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1 đang sửa chữa, bảo trì nên sẽ di chuyển bệnh nhân qua 87B đường Bùi Thị Xuân, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1 cho đến khi nào sửa chữa xong. Bác sĩ bên 219D đường Phạm Viết Chánh vẫn qua 87B đường Bùi Thị Xuân điều trị, không có sự thay đổi gì về nhân sự, chỉ thay đổi về địa chỉ thôi”.
Tương tự, khi hỏi tên Công ty TNHH Y Dược Bảo Lâm ghi trên bảng hiệu Phòng khám chuyên khoa YHCT Việt Đức tại địa chỉ 219D đường Phạm Viết Chánh, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1. Người này khẳng định: “Đó là tên Công ty của bên em, dùng để đăng ký giấy phép kinh doanh”.
Liên quan quyết định xử phạt của Thanh tra Sở Y tế TP HCM đối với Công ty TNHH Y Dược Bảo Lâm, luật sư Nguyễn Thị Hương, Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết, điểm đ, khoản 2, Điều 39, Nghị định 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định: Trường hợp không bảo đảm một trong các điều kiện sau khi đã được cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc sau khi đã thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với các cơ sở dịch vụ y tế khác, trừ hình thức tổ chức là phòng khám đa khoa và bệnh viện, sẽ bị phạt từ 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng.
Ngoài ra, cơ sở vi phạm còn bị tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trong thời hạn từ 02 tháng đến 04 tháng đối với hành vi quy định tại điểm đ khoản 2, điểm b khoản 3, các điểm a, c khoản 4, điểm c khoản 5 và các điểm b, c, d, e khoản 6 Điều này.
Điểm c, khoản 7, Điều 38, Nghị định 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ cũng quy định: Khám bệnh, chữa bệnh vượt quá phạm vi hoạt động chuyên môn được ghi trong chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, trừ trường hợp cấp cứu và trường hợp thực hiện thêm các kỹ thuật chuyên môn đã được cho phép theo quy định của pháp luật sẽ bị phạt từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng.
Ngoài ra, người vi phạm còn bị tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh trong thời hạn từ 22 tháng đến 24 tháng đối với hành vi quy định tại các điểm b, c, d và đ khoản 7 Điều này.
BS.CKII Lê Văn Khánh, Trưởng khoa Điện quang can thiệp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết đốt sóng cao tần (RFA) hay còn được gọi là cắt bỏ tần số vô tuyến, là một kỹ thuật xâm lấn tối thiểu qua da, sử dụng năng lượng nhiệt để tiêu diệt các khối u, bướu.
Đây là phương pháp điều trị y khoa hiện đại được sử dụng phổ biến hiện nay giúp giảm thiểu nguy cơ biến chứng đặc biệt với các ca phẫu thuật mổ mở, đảm bảo tính thẩm mỹ trong điều trị. Đốt sóng cao tần được ứng dụng: Điều trị u tuyến giáp, điều trị u gan, điều trị u xơ tử cung, điều trị u sợi tuyến vú.
Các chuyên gia đang thử nghiệm đốt sóng cao tần trong điều trị thoát vị đĩa đệm. Tuy nhiên, các chỉ số hiệu quả còn hạn chế và chưa đồng nhất. Vì vậy, hiện tại chưa được áp dụng rộng rãi, các kỹ thuật khác cho hiệu quả tốt trong điều trị đau do thoát vị gây ra như đốt RFA nhánh cảm giác trong điều trị đau hay phương pháp phong bế thần kinh vẫn được ưu tiên áp dụng.
Ưu điểm của phương pháp đốt sóng cao tần là kỹ thuật cao trong điều trị y khoa, không rạch da, ít xâm lấn. Kỹ thuật RFA do không cần phải phẫu thuật mở nên có thể khắc phục được các nhược điểm của phẫu thuật mở với nhiều ưu điểm nổi trội như không để lại sẹo; Tính an toàn cao; Thời gian thực hiện ngắn; Không cần uống thuốc.
Về nhược điểm, tuy là phương pháp điều trị y khoa hiện đại, ít để lại biến chứng nhất, song kỹ thuật đốt sóng cao tần thường chỉ có tại các bệnh viện lớn được trang bị máy móc hiện đại. Ngoài ra chi phí đốt sóng cao tần khá cao, vượt quá khả năng chi tiêu của một số bệnh nhân.
Hữu Thông