COVID-19 có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer

Google News

Một phân tích mới đây cho thấy việc mắc COVID-19 có thể ảnh hưởng tới quá trình phát hiện Alzheimer ở những người lớn tuổi.

COVID-19 co the lam tang nguy co mac benh Alzheimer

Bệnh nhân cao tuổi mắc COVID-19 có nguy cơ mắc Alzheimer cao hơn. Ảnh minh họa: Shutterstock.

Trong một cuộc trao đổi ngắn được công bố trên Tạp chí Bệnh Alzheimer mới đây, tiến sĩ Rong Xu, Đại học Case Western Reserve (Cleveland, Ohio, Mỹ), cho hay nguy cơ mắc bệnh Alzheimer ở những bệnh nhân COVID-19 cao tuổi trong vòng 360 ngày sau khi nhiễm SARS-CoV-2 là 0,68%.

Ngược lại, ở những người lớn tuổi không bị nhiễm SARS-CoV-2, nguy cơ mắc Alzheimer cũng trong khoảng thời gian này chỉ là 0,47%.

Tuy nhiên, ông Pamela Davis, đồng tác giả nghiên cứu, lưu ý: "Số liệu này cần được theo dõi lâu hơn cũng như tiếp tục nghiên cứu nhóm dân số cao tuổi để khẳng định mối liên quan".

Nguyên nhân của mối liên hệ

TS Heather Snyder, Phó chủ tịch Quan hệ y tế và Khoa học của Hiệp hội Alzheimer, nhận định có thể đưa ra một số lời giải thích cho phát hiện này.

COVID-19 co the lam tang nguy co mac benh Alzheimer-Hinh-2

COVID-19 có thể ảnh hưởng tới sự xuất hiện của bệnh Alzheimer. Ảnh minh họa: annie_spratt.

Đầu tiên, đại dịch COVID-19 gây ra thực trạng chẩn đoán chậm cho những bệnh nhân có nhu cầu khám chữa bệnh, như các trường hợp mắc Alzheimer. Điều này đồng nghĩa kết quả khảo sát nói trên có thể đến từ những người đã mắc Alzheimer từ trước nhưng chưa được phát hiện.

Ngoài ra, việc mắc COVID-19 liên quan đến tình trạng suy giảm miễn dịch, bao gồm cả chứng viêm - yếu tố ảnh hưởng đến quá trình khởi phát những thay đổi ở não liên quan đến bệnh Alzheimer và các chứng sa sút trí tuệ khác.

"Tuy nhiên, nghiên cứu này chỉ cho thấy mối liên quan thông qua hồ sơ y tế. Chúng tôi không thể biết cơ chế cơ bản thúc đẩy mối liên quan này là gì nếu không có thêm nghiên cứu khác", vị chuyên gia nhận nhận định.

Trên thực tế, bệnh Alzheimer cần nhiều năm để phát triển. Trong khi đó, các nhà khoa học cũng cần có thêm những nghiên cứu dài hạn để xác định liệu COVID-19 có ảnh hưởng tới chứng sa sút trí tuệ hay không

"Chương trình nghiên cứu SARS-CoV-2 trên toàn quần của Hiệp hội Alzheimer là một mạng lưới các nghiên cứu nhằm trả lời một số câu hỏi mở như trên. Tuy nhiên, do loại virus này vẫn còn tương đối mới, các nghiên cứu dọc xem xét COVID-19 và nguy cơ sa sút trí tuệ sẽ cần thêm thời gian", TS Snyder nói .

Trong quá khứ, các nghiên cứu sơ bộ cũng cho thấy bệnh nhân COVID-19 có sự gia tăng các biểu hiện sinh học tương tự bệnh nhân Alzheimer và phát sinh một số vấn đề liên quan nhận thức kéo dài sau khi khỏi bệnh.

Một số nghi ngờ

Trong phân tích của mình, TS Xu cùng các đồng tác giả đã kiểm tra hồ sơ sức khỏe điện tử của 6.245.282 người từ 65 tuổi trở lên tới khám tại các cơ sở y tế từ tháng 2/2020 đến tháng 5/2021 và không có chẩn đoán bệnh Alzheimer từ trước.

Số lượng người này được chia thành hai nhóm. Trong nhóm mắc COVID-19, 410.748 người nhiễm SARS-CoV-2 trong thời gian nghiên cứu. Trong nhóm không mắc COVID-19, 5.834.534 người không nhiễm SARS-CoV-2 nhưng phải đi khám vì những vấn đề khác trong suốt quá trình nghiên cứu.

COVID-19 co the lam tang nguy co mac benh Alzheimer-Hinh-3

Các nhà khoa học sẽ cần nghiên cứu và theo dõi thêm để xác định chính xác mối liên quan giữa COVID-19 và Alcheimer, trong đó có cả ảnh hưởng của vaccine. Ảnh minh họa: mat_napo.

Ban đầu, nhóm mắc COVID-19 được ghi nhận có tỷ lệ cao bị trầm cảm, tăng huyết áp, tiểu đường loại 2, hút thuốc lá và các bệnh đi kèm khác.

Các nhà nghiên cứu đã so sánh 2 nhóm về nhân khẩu học, các yếu tố kinh tế - xã hội có thể ảnh hưởng đến sức khỏe bao gồm giáo dục, nghề nghiệp, môi trường… cũng như các yếu tố nguy cơ đối với bệnh Alzheimer.

Tuy nhiên, phương pháp nghiên cứu này còn để lại nghi ngờ về nhiều sự sai lệch khi có sự mất cân bằng về người được kiểm tra nhận thức trong thời gian nghiên cứu và nhóm không được kiểm tra.

Ông Pamela Davis nói: “Chúng ta cần quá trình đánh giá chuyên sâu hơn ở những người mắc COVID-19 so với nhóm phải đi khám với những lý do khác ngoài COVID-19. Những thông tin này không có sẵn trong EMR (hồ sơ bệnh án điện tử)".

Điều này đồng nghĩa các rối loạn khác như sương mù não hậu COVID-19 hoặc các vấn đề nhận thức xảy ra do thuốc, nhập viện hoặc trầm cảm… có thể đã bị chẩn đoán nhầm là bệnh Alzheimer.

Mặc dù cơ sở dữ liệu trong nghiên cứu này đã bao gồm hơn 25% dân số Mỹ, chúng có thể không mang tính đại diện cho tất cả trường hợp.

Ông Davis nói thêm: “Ngoài ra, chúng tôi đã nghiên cứu các bệnh nhân trước khi xuất hiện các biến chủng mới. Mặt khác, chỉ những tháng sau của nghiên cứu mới bao gồm những bệnh nhân đã được tiêm vaccine và thuốc kháng virus mạnh không có trong giai đoạn trước”.

Trong khi đó, dữ liệu tiêm chủng trong nghiên cứu này cũng không đầy đủ. Vì vậy, các nhà khoa học không thể nhận định về tác động của việc tiêm chủng trong mối quan hệ giữa COVID-19 và bệnh Alzheimer.

Theo Quốc Toàn/Zing