Cúc vạn thọ thành trend ăn được, bác sĩ cho lời khuyên?

Google News

Ăn bông vạn thọ lại là một từ khóa “hot” những ngày gần đây. Chỉ cần tra từ ăn bông vạn thọ trên nền tảng mạng xã hội TikTok sẽ có hàng trăm clip giới thiệu về cách ăn.

Bông vạn thọ hay cúc vạn thọ được biết đến là một loại hoa dùng để chưng trong dịp Tết, rằm tháng Giêng. Những ngày gần đây, bông và lá vạn thọ bất ngờ trở thành "ngôi sao" mới trong làng ẩm thực.
Theo đó, cư dân mạng trên nền tảng TikTok đã đưa ra một xu hướng mới sau mì tôm thanh long là ăn bông vạn thọ. Từ những video ngắn, nhiều tài khoản TikTok chỉ ra nhiều cách ăn khác nhau để thưởng thức món ăn này, từ việc trộn vào gỏi gà cho đến việc kết hợp với mỳ tôm, tạo ra những trải nghiệm ẩm thực độc đáo và hấp dẫn.
Nhiều tài khoản TikTok chia sẻ: Nếu muốn theo xu hướng này thì nên ăn bông nhà trồng để đảm bảo an toàn thực phẩm. Không nên ăn bông trong những chậu cúc vạn thọ mua sẵn bên ngoài. Bởi có những hóa chất bảo vệ thực vật gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Những video chia sẻ về việc ăn bông vạn thọ kèm mỳ tôm trên mạng xã hội nhận được sự quan tâm lớn từ cộng đồng mạng, với hàng triệu lượt xem và hàng nghìn bình luận.
Tài khoản TikTok LVT viết: “Mình đã thử rồi nha, mình dùng bông vạn thọ ở nhà tự trồng. Bông cũng có thể ăn, tuy nhiên, mùi của bông rất hăng, khó ngửi”.
Tài khoản TikTok PN 82 bình luận: “Tai ương bông vạn thọ tới nữa rồi, mà quê tôi miền tây hay ăn bông với lá luôn nha, trộn gỏi gà bao ngon, bao thơm”.
"Tam tai bông vạn thọ tới rồi, mấy ngày gần đây thấy các bạn TikToker ăn bông vạn thọ ngon quá mà không dám thử, chỉ cần hửi mùi là thấy nhức đầu. Có ai giải thích giùm tôi bông vạn thọ có ăn được hay không?" - tài khoản TikTok Minh Showbiz bình luận.
Cuc van tho thanh trend an duoc, bac si cho loi khuyen?
Từ khóa "ăn bông vạn thọ" đang làm mưa làm gió trên nền tảng MXH TikTok. Ảnh: Chụp màn hình 
Trao đổi với PV, Bác sĩ dinh dưỡng Nguyễn Võ Trà Mi, Viện nghiên cứu và tư vấn dinh dưỡng, TP.HCM cho biết cúc vạn thọ có tên khoa học là Tagetes spp, thuộc họ Cúc (Asteraceae). Hiện có hai loại cúc vạn thọ được trồng phổ biến ở nước ta là cúc vạn thọ Pháp (loại lùn) và cúc vạn thọ châu Phi (loại cao). Cúc vạn thọ thường có hai màu vàng và cam, tùy thuộc vào hàm lượng hai loại carotenoid khác biệt (lutein màu vàng và β-carotenoid màu cam) trong hoa nhiều hay ít. Bên cạnh trồng để làm cảnh và trang trí ngày Tết, cúc vạn thọ còn được sử dụng trong dược phẩm, mỹ phẩm bởi những hoạt tính sinh học có trong hoa và lá.
"Lướt qua các nền tảng MXH, không hiếm các video hướng dẫn ăn bông vạn thọ và đùa rằng tới lượt tam tai của loại hoa này. Thực tế thì bông vạn thọ có thể ăn được cả bông và lá. Các món ăn với bông vạn thọ cũng đã có từ lâu, phần lá có tinh dầu, mùi hơi hăng, vị đắng, phần bông ăn sẽ có vị đắng nhẹ, xốp xốp, nếu những ai quen được vị đắng sẽ cảm thấy ăn loại hoa này ngon" - bác sĩ Mi cho hay.
Chia sẻ về quan điểm y học, bác sĩ Nguyễn Võ Trà Mi cho hay: Cúc vạn thọ có nhiều tác dụng đối với sức khỏe trong Tây Y lẫn Đông Y, tuy nhiên việc ăn cúc vạn thọ là không khuyến khích.
Thứ nhất, trong quá trình trồng trọt, cúc vạn thọ được phun khá nhiều hóa chất bảo vệ thực vật, do đó nếu lượng dư tồn hóa chất vào cơ thể sẽ có những nguy cơ gây ngộ độc, ảnh hưởng đến sức khỏe.
Thứ hai, các lợi ích của cúc vạn thọ được chứng minh khi ở dạng chiết xuất, ở một nồng độ phù hợp mới đem lại các tác dụng. Các hoạt chất chống oxy hóa có trong cúc vạn thọ cũng có thể được tìm thấy trong các loại thực phẩm khác. Như Lutein và zeaxanthin cũng có nhiều trong vi tảo; trong nhiều loại thực phẩm như lá đinh lăng, quả gấc, cải xoăn, rau bina,...
Như vậy, nếu bạn muốn theo trend và ăn thử mùi vị của cúc vạn thọ thì có thể thử, nhưng nhớ phải đảm bảo chất lượng vệ sinh. Và để có sức khỏe tốt thì việc ăn uống đa dạng các loại thực phẩm mới là điều cần thiết.
Theo Trần Minh/PLO