Nhanh chóng rơi vào hôn mê sau cơn khó thở
Bệnh nhân là Đ.Q.T., nam giới, 51 tuổi, quê ở Mê Linh, Hà Nội, được BV Đa khoa khu vực Phúc Yên chuyển tới Khoa Cấp cứu, BV Bạch Mai lúc 17 giờ 35 phút ngày 20/4/2017 với chẩn đoán “Hôn mê sau ngừng tuần hoàn do cơn hen phế quản nguy kịch”. Bệnh nhân có tiền sử bệnh hen phế quản.
Theo lời kể của người nhà bệnh nhân, trước khi vào viện khoảng vài ngày, bệnh nhân xuất hiện những cơn khó thở, phải tăng dần liều thuốc giãn phế quản đường hít mỗi ngày nhưng không đỡ. Khoảng 15 giờ ngày 20/4/2017, bệnh nhân xuất hiện cơn khó thở dữ dội, tím tái rất nhanh và sau đó đi vào hôn mê. Ngay lập tức, bệnh nhân được gia đình đưa vào bệnh viện cấp cứu, thời gian tới được bệnh viện mất khoảng 10 đến 15 phút.
|
Bệnh nhân T. điều trị tại BV Bạch Mai. |
Khi tới khoa Cấp cứu, BV Đa khoa khu vực Phúc Yên, các bác sĩ khám thấy bệnh nhân đã ngừng tuần hoàn (hôn mê, tím toàn thân, ngừng thở, mạch bẹn mất). Ngay lập tức ê-kíp trực cấp cứu do BS. Nguyễn Đức Tuấn phụ trách đã nhanh chóng tiến hành hồi sinh tim phổi cho bệnh nhân (bóp bóng Ambu qua mask với dòng oxy lên tới 15 lít/phút, ép tim ngoài lồng ngực, tiêm adrenalin tĩnh mạch và sốc điện tới 12 lần vì những cơn rung thất).
Sau khoảng 15 phút cấp cứu, tuần hoàn của bệnh nhân đã được tái lập (có nhịp tự thở, mạch bẹn rõ, hình ảnh điện tâm đồ trên monitor là nhịp xoang nhanh), bệnh nhân được đặt ống nội khí quản và thở máy. Khoảng 1 giờ sau khi cấp cứu thành công, tình trạng của bệnh nhân ổn định hơn, bệnh nhân được liên hệ chuyển tới Khoa Cấp cứu, BV Bạch Mai.
Hạ nhiệt độ cơ thể hồi sinh ngoạn mục cho bệnh nhân
Theo ThS.BS Lương Quốc Chính, Khoa Cấp cứu, BV Bạch Mai, bệnh nhân T. được chuyển tới khoa lúc 17 giờ 35 phút cùng ngày trong tình trạng hôn mê sâu (GCS 7 điểm), đang được bóp bong qua ống nội khí quản, mạch nhanh (120 lần/phút), huyết áp ổn định (130/90 mmHg, đang được duy trì bằng truyền adrenalin đường tĩnh mạch qua bơm tiêm điện), đồng tử hai bên giãn 4 mm nhưng còn phản xạ với ánh sáng, lồng ngực căng phồng, nghe có rất nhiều ran rít.
|
Bác sĩ BV đa khoa khu vực Phúc Yên khám cho bệnh nhân T. Sức khỏe của ông T. đã ổn định chờ ngày ra viện. |
Nhận thấy bệnh nhân có cơ hội hồi phục rất lớn nếu được điều trị một cách tích cực và áp dụng ngay kỹ thuật kiểm soát nhiệt độ theo mục tiêu, BS. Đỗ Ngọc Sơn, Phó Trưởng khoa Cấp cứu và đồng thời là trưởng tua trực đã liên hệ với BS. Nguyễn Hữu Quân và BS. Nguyễn Tuấn Đạt để khởi động dây truyền cấp cứu cũng như triển khai kỹ thuật kiểm soát nhiệt độ theo mục tiêu cho bệnh nhân ngay trong đêm. Chỉ khoảng hơn một giờ sau, bệnh nhân đã được kiểm soát nhiệt độ theo mục tiêu với đích cần đạt được cài đặt là 33 độ C.
Bằng những nỗ lực không biết mệt mỏi của tập thể các bác sĩ và điều dưỡng Khoa Cấp cứu, đến ngày điều trị thứ 6, tình trạng của bệnh nhân đã cải thiện một cách ngoạn mục, BN hoàn toàn tỉnh táo, được thôi thở máy và rút ống nội khí quản. Đến ngày điều trị thứ 8, bệnh nhân được chuyển về BV Đa khoa khu vực Phúc Yên để điều trị tiếp.
Cập nhật thông tin về tình trạng bệnh nhân T. với PV Báo Sức khỏe&Đời sống, BS. Nguyễn Đức Tuấn, Khoa Cấp cứu, BV Đa khoa khu vực Phúc Yên cho biết, sau gần một tuần điều trị tại BV, bệnh nhân T. đã tỉnh táo hoàn toàn, sức khỏe ổn định, dự kiến sẽ xuất viện vào ngày mai 5/5/2017.
Theo nhận định của các bác sĩ, ca bệnh này được cứu sống thành công nhờ sự phối hợp cấp cứu kịp thời giữa BV Đa khoa khu vực Phúc Yên và BV Bạch Mai. Thành quả này cũng như rất nhiều thành công khác là kết quả từ những nỗ lực không ngừng của các bác sĩ và điều dưỡng cấp cứu trong công tác chuyên môn, đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Theo Dương Hải/ Sức khỏe và đời sống