Anh luôn nghĩ như thế, là bởi ngay từ khi còn bé, ở trong nhà mình, anh đã thấy việc đó luôn là của mẹ. Ba Cường chỉ việc vào bếp để ăn cơm, uống nước, hay cần lấy món đồ gì đó.
Góc bếp là của đàn bà, ba luôn nói vậy với cậu con trai duy nhất. Nếp nghĩ ấy nó hằn sâu đến nỗi lớn rồi, anh cũng mặc định giống ba: góc bếp là của đàn bà. Vậy nên, vợ có nói cỡ nào, Cường cũng không phụ vợ chuyện bếp núc.
"Em có thấy kì không?", Cường nhiều lần nói vợ như vậy. Nhưng lần nào cô ấy cũng cằn nhằn: "Nấu để ăn chứ làm gì đâu mà kì? Anh có ăn mà không chịu vào bếp mới là kì đó!".
|
Hình minh hoạ |
Nhà Cường sát một chợ nhỏ. Chợ có đủ thức đồ ăn của các bà, các chị ở ngoại thành gieo trồng thu hoạch mang tới. Vợ Cường nói anh thử ra mà xem các bà, các chị ở chợ tình cảm lắm. Cường cười, nghĩ bạn bè đồng nghiệp nhìn thấy Cường xách giỏ đi chợ hẳn họ sẽ cười. Thế nên vợ có rủ gãy lưỡi, Cường cũng không đi. Đàn ông xách giỏ ra chợ mua mớ tôm, ít cá, thêm tí thịt thà… Trời, Cường thấy nó hèn hèn sao đó?
Những ngày vợ ốm, Cường sẽ mua đồ ăn sẵn, hoặc có thể tạt vào siêu thị mua những thức vợ dặn, dù siêu thị ở khá xa nhà. Đi siêu thị, vừa tiện, vừa sạch sẽ, khỏi nghe trả giá ì xèo.
Rồi vợ sinh con. Bà nội bà ngoại đều chưa nghỉ hưu, nên không thể giành toàn thời gian giúp vợ chồng anh. Thằng bé con cứ đêm là quấy khóc, vợ Cường gần như đêm nào cũng phải thức thức trông con đến mệt nhoài người. Ngày có người giúp việc tới phụ, nhưng chuyện ăn uống đi chợ không thể tuỳ tiện giao cho người ta được.
Vậy là, bất khả kháng, Cường đành xách giỏ đi chợ. Và tất nhiên giữa siêu thị xa và chợ gần nhà, anh chọn đi chợ để còn giành thời gian về đi làm cho kịp giờ.
“Này, cậu có phải chồng cô Dung không? Cô ấy sinh rồi hả?”, một bà bán rau chạy theo níu áo Cường. Anh ngạc nhiên đến độ cứ há hốc mồm. “Vợ con hay mua rau của bác, độ này không thấy, bác đoán nó sinh rồi. Nay có su su nhà sạch, con cầm về cho cô ấy…”. Bà giúi vào tay Cường túi su su xanh non mỡ màng và xua tay khi anh nói “con gởi tiền”.
|
Hình minh hoạ |
Anh ra hàng cá, hàng thịt… cứ nói "con là chồng Dung", các bà lại hỏi thăm. Cường không biết sao vợ mình lại được các bà quý như vậy. Không phải chỉ là xã giao với một người hay mua hàng, mà là một sự quan tâm chân tình. Anh thấy cảm động. Đâu có ai cười anh đâu?
Góc này, góc kia của chợ nữa, cũng có những anh, những bác trai đang mua đồ ăn cho gia đình đó thôi. Các anh, các bác cũng lựa miếng này, đặt miếng khác. Cũng nâng lên, đặt xuống, cũng chỉ trỏ đồ tươi… Có ai cười ai đâu?
Ngoài chợ có mấy ông ngồi trên xe đợi vợ đi chợ, khuôn mặt thư thái, đâu có ai nặng nề, nhăn nhó. Những người già đã về hưu, việc chở nhau đi chợ hình như còn là tình cảm, là yêu thương, là cùng đồng hành từ những việc nhỏ nhất trong những năm tháng được an nhàn.
Cường đi chợ một lần, hai lần, rồi thêm nhiều lần sau này nữa… anh mới thấy, hoá ra vợ mình nói đúng, chính anh mới là người có suy nghĩ kì quặc. Đàn ông đi chợ, đâu có xấu, cũng đâu phải là người tủn mủn, vụn vặt? Lựa những món đồ tươi ngon về cho những người thân của mình có một bữa cơm ấm cúng, đó là quan tâm, là chia sẻ cần thiết để có một gia đình bền vững.
Theo Infonet