Đang khó khăn, chồng mua quà đắt tiền tặng bố khiến vợ nổi cáu

Google News

Trong lúc vợ chồng đang phải dành dụm để chạy chữa mong có con, ông xã tự ý làm một việc tốn kém tiền bạc khiến tôi cảm thấy không được tôn trọng.

Vợ chồng tôi cưới nhau đã 4 năm, đến nay vẫn chưa có con. Mặc dù, cả hai đã đi khám sức khỏe sinh sản nhưng bác sĩ kết luận không có vấn đề gì bất thường. 

Vì thời gian cưới nhau đã lâu, bố mẹ hai bên giục chuyện có con nên chúng tôi khá áp lực. Năm nay tôi 34 tuổi, việc có con sớm sẽ tốt hơn. Thế nhưng, con đường có em bé tự nhiên khó khăn hơn vợ chồng chúng tôi nghĩ.

Thời gian gần đây, tôi bắt đầu tìm hiểu các biện pháp can thiệp. Tuy nhiên, việc này tiêu tốn một số tiền lớn. Ngoài ra, kết quả có thể không thành công ở lần đầu tiên sẽ gây chán nản. Trong khi đó, vợ chồng tôi chỉ có hơn 100 triệu đồng tiền tiết kiệm.

Mặc dù cưới nhau đã lâu, chồng tôi vẫn sống không có tư duy tiết kiệm. Với anh, chuyện hưởng thụ cuộc sống quan trọng hơn. Đồng lương của tôi vừa chi tiêu trong nhà, vừa dùng để tiết kiệm nên chẳng được đáng là bao.

Về chuyện con cái, bố mẹ chồng giục rất nhiều nhưng ông bà tuyên bố hai đứa tự lo liệu, vì bao nhiêu vốn liếng tích góp được phải dùng dưỡng già. Nghĩ đến chuyện không có tiền và quá trình chạy chữa kéo dài, tôi không khỏi chán nản.

Nếu chờ thêm vài năm để tiết kiệm thêm tiền, tôi đã ngấp nghé tuổi 40, việc mang thai sẽ không tốt cho cả mẹ và con. Dẫu biết vậy, tôi không có sự lựa chọn nào khác.

Dang kho khan, chong mua qua dat tien tang bo khien vo noi cau

Chồng tôi tự ý mua quà cho bố mà không bàn bạc giữa lúc kinh tế gia đình thiếu thốn (Ảnh minh họa: KR).

Từ khi tính chuyện có con, chồng tôi mới đưa tiền chi phí sinh hoạt hàng tháng. Tôi phải cố gắng tiết kiệm để có thêm tiền sau này nhờ bác sĩ can thiệp chuyện sinh đẻ.

Trong khi các con không có tiền, bố chồng tôi liên tục yêu cầu hai đứa phải mua sắm nhiều thứ cho nhà chồng, từ máy lọc không khí đến máy rửa bát, máy đi bộ tại nhà... Ông cho rằng, bố mẹ đã nuôi các con khôn lớn, bây giờ tuổi già, muốn có thêm máy móc phục vụ cuộc sống.

Tôi biết bố chồng có thể mua được những vật dụng đó nhưng ông luôn thích dựa dẫm vào con cái và cảm thấy hãnh diện khi được quan tâm như vậy.

Cách đây một tuần, bố chồng tôi kết thúc hơn 30 năm làm việc, nhận quyết định nghỉ hưu. Ngày ông nhận quyết định, nhà chồng mở tiệc linh đình mời các con và một số người họ hàng đến chung vui.

Trong bữa tiệc đó, chồng và em gái tặng bố một chiếc điện thoại mới giá hơn 30 triệu đồng. Tôi bị bất ngờ vì trước đó, chồng không bàn bạc chuyện mua quà cho bố. Mặc dù bên ngoài tôi tỏ vẻ bình thường, trong lòng không cảm thấy vui vẻ.

Chồng tôi nói, số tiền mua điện thoại mới do hai anh em tự trả góp hàng tháng. Chồng và em gái chỉ muốn bố vui vẻ, có quãng thời gian tuổi già an yên bên gia đình sau nhiều năm vất vả. Tôi không cho rằng mua quà cho bố là sai, nhưng việc mua một chiếc điện thoại đắt tiền trong lúc vợ chồng đang thiếu thốn là không nên.

Tùy thuộc vào hoàn cảnh của bản thân, chồng tôi có thể mua một món quà ý nghĩa, thiết thực mà không quá tốn kém. Số tiền trả góp có thể không lớn với nhiều người, nhưng với vợ chồng tôi là không nhỏ.

Tôi hỏi lý do chồng không hỏi ý kiến vợ, ông xã bảo đó là tiền của anh tự trả góp và sợ vợ phản đối nên không muốn bàn bạc. Tôi cảm thấy không được tôn trọng. Dẫu rằng số tiền đó do anh tự trả nhưng vẫn ảnh hưởng đến túi tiền chung hàng tháng, trong lúc chúng tôi đang phải tính nhiều chuyện cho tương lai.

Tôi đề nghị chồng khi làm bất cứ việc gì trong nhà phải có sự bàn bạc, tham khảo ý kiến của nhau. Chỉ có như vậy, vợ chồng mới có sự tôn trọng dành cho nhau. 

Theo PV/Dân Trí