Gia đình tôi có sáu anh chị em, xuất phát điểm trong một gia đình thuần nông ở một tỉnh miền Trung. Người khôn của khó, đến tuổi trưởng thành, chúng tôi nhoài người tính kế sinh nhai và lập nghiệp nhưng rồi "cái khó bó cái khôn", rốt cuộc vẫn chỉ dừng lại ở việc quanh quẩn lo miếng cơm manh áo.
|
Ảnh minh họa |
Thông qua một đường dây giới thiệu việc làm và xuất khẩu lao động sang Nhật, anh Minh - anh cả trong gia đình quyết tâm vay mượn và thế chấp sổ đỏ để có số tiền 700 triệu đồng nộp cho trung tâm môi giới. Anh quyết dứt áo ra đi, mong tìm vận mệnh tươi sáng hơn cho bản thân và con cái sau này.
Với nhẩm tính của anh và thông qua tiết lộ của những người cùng quê đi trước, chỉ cần năm năm tích cực cày cuốc nơi xứ người, số nợ ban đầu sẽ trả xong xuôi. Thêm vào đó, khi anh hồi hương sẽ có trong tay tiền tỉ để làm bàn đạp kinh doanh buôn bán về sau.
Xoay xở mãi vẫn chưa đủ tiền đặt cọc, các anh chị em khác, trong đó có vợ chồng tôi, còn phải gom góp số tiền ít ỏi tích lũy được, những mong hỗ trợ anh trai được đồng nào hay đồng ấy. Ngày anh đi, năm anh chị em còn lại khấp khởi dự trù cho một tương lai gần.
Anh đi trước sẽ là người mở đường và làm bàn đạp để kéo theo những anh chị em khác sang xứ người tìm vận mệnh đổi đời.
Những ngày đầu bôn ba nơi xứ người, anh gọi điện về, than thở chẳng có con đường nào nhanh kiếm tiền mà lại dễ dàng và trải hoa hồng cả. Xứ tư bản ăn thật làm thật, anh phải thức dậy từ 5 giờ sáng, mắt nhắm mắt mở lo cho kịp giờ tới nơi tập kết xe bus của công ty đợi sẵn, rồi lao vào làm việc cho kịp doanh số. Hơn nữa, anh còn phải tăng ca, làm thêm giờ.
Tuy nhiên trót đâm lao phải theo lao. Số nợ ngân hàng và tiền lãi hằng ngày nơi quê nhà vẫn treo lơ lửng, anh chỉ có cách nhắm mắt theo guồng quay công việc, tự nhủ bản thân giờ phải cố "sống để làm".
Anh đi chưa được một năm thì chị dâu ở nhà thậm thụt với một người đàn ông làng kế bên. Đã là những người trưởng thành nên chúng tôi không muốn hồ đồ, chỉ lựa lời khuyên nhủ chị dâu đâu là mục tiêu trước mắt của gia đình.
Chị bỏ qua lời khuyên nhủ của anh em trong nhà, công khai qua lại lộ liễu với gã đàn ông đó. Tiền nong anh trai vất vả nơi xứ người gủi về, chị vẫn kêu ca chẳng thấm vào đâu so với chi phí con cái học hành.
Là anh chị em ruột trong gia đình, chúng tôi không thể nhắm mắt làm ngơ, quyết tâm mai phục và bắt quả tang hai người bọn họ qua lại với nhau. Nhưng để giữ hòa khí gia đình, chúng tôi vẫn chừa cho chị cơ hội quay đầu. Sự thật được hai bên thỏa thuận giữ trong vòng bí mật, đợi anh trai hồi hương, hai vợ chồng họ sẽ ngồi lại tự thu xếp với nhau.
Ngày anh đoàn tụ, khoảng cách vợ chồng càng ngày xa cách. Mâu thuẫn tiền nong và những quan điểm sống trái ngược ngày càng khiến họ rời xa nhau. Anh thắc mắc không hiểu số tiền lên tới con số bạc tỉ anh vất vả cày cuốc nơi xứ người gửi về, chị sử dụng cho mục đích gì. Mới hay số tiền mồ hôi nước mắt của chồng, chị vợ ở nhà bị gã nhân tình bòn rút, đồng thời đổ xuống sông xuống biển trong những lần ăn chơi của bọn họ.
Quẫn trí, anh trai đưa đơn ly hôn, mong thoát khỏi người vợ bội bạc. Tuy nhiên, ngày ra tòa, chị dâu trưng ra một bản danh sách thống kê những chi phí anh phải trả bao gồm chi phí... nuôi con, làm "osin" không công trong thời gian chồng đi vắng.
Chị còn mạnh miệng đòi anh "bồi thường tuổi thanh xuân" suốt năm năm trời chị vò võ nuôi con đợi chồng về. Cực chẳng đã, anh trai phải trưng ra những lần chuyển khoản về cho vợ trong thời gian anh bôn ba nơi xứ người. Số tiền cộng lại không hề nhỏ, nhưng chị dâu ấp úng khai nhận không biết sử dụng chúng vào mục đích gì.
Mặt trái của đồng tiền và cái giá của những năm xa vợ con khiến anh trai tôi đắng đót hơn bao giờ hết. Giờ đây anh có trong tay số vốn để làm ăn, nhưng cuối cùng lại rơi vào cảnh gia đình tan đàn xẻ nghé.
Chứng kiến cảnh người anh ruột ngồi lặng một mình, chúng tôi thương nhưng chẳng biết làm gì. Ai cũng vất vả vội quay về lo cho cuộc sống riêng và kế mưu sinh của chính mình.
Theo Dân Việt