Những ngày đây, bác sĩ Nguyễn Đình Liên, chuyên khoa Ngoại - Tiết niệu (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội), liên tục tiếp nhận các ca xoắn tinh hoàn.
Chạy đua cứu "của quý"
Nam bệnh nhân N.M.H. (32 tuổi, ở Hà Nội) được đưa vào viện tối 2/12 trong tình trạng đau vùng kín. Anh chia sẻ bị đau bẹn bìu khi đá bóng suốt mấy tháng nay, nhưng khi nghỉ đá lại hết đau nên anh chủ quan không đi khám. Khi đau không thể chịu đựng, anh mới tới viện gặp bác sĩ Liên. Ngay lập tức, bác sĩ Liên cùng đồng nghiệp đã tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân. Sau 90 phút chạy đua cùng thời gian, ê-kíp đã cứu được tinh hoàn cho bệnh nhân H.
Tối 3/12, bác sĩ Liên cũng tiếp nhận một bệnh nhân trong tình trạng tương tự. Theo bác sĩ Liên, xoắn tinh hoàn là một cấp cứu niệu khoa, có thể gặp ở cả trẻ nhỏ lẫn nam giới trưởng thành. Khi gặp tình trạng này, cần phải chẩn đoán nhanh chóng và điều trị sớm do thời gian là yếu tố then chốt để bảo tồn được tinh hoàn.
Bác sĩ Liên chia sẻ từng phải cắt bỏ hoàn toàn tinh hoàn cho bệnh nhi mới 3 tuổi bởi bé được gia đình đưa tới quá muộn (3 ngày sau khi lên cơn đau tinh hoàn vào buổi đêm). Lúc này, tinh hoàn đã có dấu hiệu hoại tử, không còn khả năng cứu vãn.
“Câu chuyện này là lời cảnh báo cho các phụ huynh, nam giới cần phải tới bệnh viện khám càng sớm càng tốt nếu có dấu hiệu đau bất thường ở tinh hoàn”, bác sĩ Liên kể.
|
Bác sĩ Nguyễn Đình Liên, chuyên khoa Ngoại - Tiết niệu (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội). Ảnh: BSCC. |
Mùa cao điểm xoắn tinh hoàn
Bác sĩ Đình Liên chia sẻ mùa đông và mùa xuân luôn là thời điểm cao điểm nhất trong năm các trẻ trai, nam giới bị xoắn tinh hoàn.
Tinh hoàn - nhà máy sản xuất tinh trùng - đã được thiết kế ở vị trí lý tưởng là nằm cố định bên trong da bìu. Lớp da này được ví như chiếc máy điều hòa nhiệt độ bởi khả năng đàn hồi rất tốt của nó. Khi trời lạnh, da bìu săn lại, giúp tinh hoàn không bị lạnh. Khi trời nóng, da bìu có thể giãn rộng gấp nhiều lần để thoát mồ hôi nhanh, giải phóng nhiệt nhanh.
"Thời tiết lạnh, độ ẩm cao là yếu tố khiến da bìu co bóp mạnh, tinh hoàn dễ bị di động như đồng hồ quả lắc và xoắn lại, gây đau đớn cho bệnh nhân", bác sĩ Liên phân tích.
Xoắn tinh hoàn càng dễ gặp ở những trẻ quá hiếu động, chạy nhảy nhiều, người có nền bệnh cố định tinh hoàn kém, thoát vị bẹn. Để chẩn đoán xác định căn bệnh này, bác sĩ sẽ khám lâm sàng và chỉ định siêu âm để có thể thấy trực tiếp các vòng xoắn.
Theo chuyên gia này, khi thừng tinh bị xoắn hoàn toàn và máu không đến được, tinh hoàn sẽ nhanh chóng bị nhồi máu và mất chức năng vĩnh viễn một cách nhanh chóng. Chẩn đoán nhanh chóng tình trạng xoắn tinh hoàn đóng vai trò rất quan trọng để bảo tồn khả năng sinh con của bệnh nhân.
Tỷ lệ bảo tồn được xấp xỉ 100% trong 3 giờ đầu, 83%-90% trong 5 giờ, 75% trong 8 giờ và 50%-70% trong 10 giờ. Tỷ lệ bảo tồn được sẽ giảm xuống còn 10%-20% khi tình trạng xoắn tinh hoàn vẫn còn tồn tại cho đến trên 10 giờ. Sau 24 giờ, khả năng bảo tồn được tinh hoàn rất kém ngoại trừ trường hợp bệnh nhân bị xoắn không liên tục.
“Xoắn tinh hoàn là bệnh lý cấp cứu trong tiết niệu cả ở trẻ em và người lớn, cần được phẫu thuật tháo xoắn để hồi việc cung cấp máu cho tinh hoàn. Nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời trong vòng 6 giờ, mạch máu nuôi dưỡng bị nghẽn lại khiến tinh hoàn bị tổn thương, khả năng teo tinh hoàn hoặc phải cắt bỏ tinh hoàn là rất lớn”, bác sĩ Liên cảnh báo.
Để tránh hậu quả ảnh hưởng đến chức năng sinh sản, tự ti vì phải cắt bỏ tinh hoàn, bác sĩ Liên khuyến khích người bệnh cần được đưa đi cấp cứu càng sớm càng tốt, tốt nhất là 1-2 giờ đầu tiên sau khi xuất hiện cơn đau tinh hoàn.
“Nam giới khi chơi thể thao, vận đông mạnh mà đau bẹn bìu nhiều cần nghĩ tới xoắn tinh hoàn. Nếu được tháo xoắn trong vòng 6 giờ kể từ lúc đau, tỷ lệ cứu sống tinh hoàn là 100% và chức năng sinh sản sẽ được bảo tồn", bác sĩ Liên khẳng định.
Theo Hà Quyên/Zing News