Thời gian gần đây xảy ra nhiều vụ xâm hại trẻ em đặc biệt nghiêm trọng khiến dư luận bức xúc, phẫn nộ. Nhận diện nguy cơ để tránh những vụ xâm hại trẻ em là điều quan trọng. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia tâm lý, rất khó để có thể phát hiện những nguy cơ này vì thủ phạm có thể là bất kì ai, kể cả những người thân trong gia đình.
|
Liên tiếp xảy ra nhiều vụ lạm dụng trẻ em đặc biệt nghiêm trọng khiến dư luận bức xúc, phẫn nộ. Ảnh: Infonet |
Dấu hiệu trẻ bị xâm hại
Trả lời báo chí, Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Diệu Anh, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết một số dấu hiệu lâm sàng của trẻ bị lạm dụng gồm:
Rối loạn giấc ngủ: Thường có ác mộng, trẻ có thể bị thức giấc giữa đêm với tâm trạng hoảng sợ, la hét, khóc thét…
Rối loạn ăn uống: Nôn mửa, chán ăn hoặc ăn uống vô độ, không kiểm soát.
Chứng lo âu hoặc ám sợ: Thường xảy ra rất đa dạng, như không chịu cởi quần áo, không chịu đi vệ sinh ở trường, có xu hướng làm sạch thái quá trong cách lau chùi, sợ đàn ông, có khuynh hướng tự nhốt mình vào phòng, sợ bị đụng chạm vào người, tỏ ra hoài nghi với người khác, …
Triệu chứng trầm cảm: Biểu hiện bằng những triệu chứng như buồn bã, thiếu tự tin, thu mình, tự đánh giá thấp bản thân, khóc không rõ lý do, có ý định tự tử hoặc hành vi tự hủy hoại khác (tự làm đau mình).
Rối loạn hành vi tổng quát, tranh cãi với người lớn, tranh chấp với bạn bè, có hành vi tăng động bất thường. Hành vi trưởng thành giả tạo cũng được coi là dấu hiệu đặc biệt của việc bị lạm dụng (trẻ đảm nhận vai trò người lớn như mẹ hoặc vợ). Trẻ thỉnh thoảng thể hiện hành vi ấu trĩ.
Rối loạn thể chất: Đau bụng, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, tiểu dầm, ỉa đùn, đau hoặc ngứa, nhức đầu, choáng váng...
Khó khăn trong học tập: Triệu chứng thất bại học đường, có kết quả học giảm, mất tập trung chú ý, mất động cơ học, mất hoạt động vui chơi, sáng tạo, thái độ chống đối thầy cô, sự tự cô lập trong lớp…
Cách xử lý khi con bị xâm hại
Trả lời trên báo Điện tử Tri Thức Trực Tuyến, TS Vũ Thu Hương - Khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết, trường hợp cha mẹ phát hiện con đã bị xâm hại , cha mẹ không nên làm ầm lên, bởi như thế càng làm trẻ sợ, xấu hổ, dễ gây tổn thương hơn,
Trước tiên, cha mẹ cần bỏ nhiều thời gian và công sức để lấy lại tinh thần cho các cháu. Điều trẻ cần nhất là cảm giác được bảo vệ an toàn. Chính vì vậy, cha mẹ cần thiết phải nghỉ làm một thời gian, cho con đi chơi và luôn bên cạnh, không để con ở một mình dù chỉ một giờ.
Trong suốt thời gian đó, cha mẹ nên tìm cách nói các câu chuyện vui, rủ con chơi các trò chơi, để con quên đi cảm giác khủng khiếp đã qua. Âm nhạc, sách báo giúp trẻ lấy lại tinh thần rất tốt.
Cha mẹ nên cho con nghe những bản nhạc yêu thích, những quyển sách yêu quý. Chú ý là người lớn cần kiểm soát trước nội dung để sách vở không gợi lên nỗi đau đớn cho con.
Sau khi con khỏe lại, người lớn nên đưa con đi học như bình thường và nhờ cô giáo, bạn bè giúp đỡ để con hòa nhập với lớp. Tiếng cười của bạn bè sẽ nhanh chóng giúp trẻ lấy lại cân bằng hơn là để các bé ở nhà.
5 bước giúp trẻ tránh bị xâm hại
Theo tổ chức "How to tell your child", do Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNFPA) hướng dẫn các bậc cha mẹ cách bảo vệ trẻ em tránh bị xâm hại qua clip trích "Quy tắc quần lót":
1- Dạy con là không một ai có thể được nhìn, hay chạm vào vùng kín của trẻ (trừ bố mẹ, bác sĩ, y tá đang trong giờ khám chữa bệnh) nhưng cần có sự đồng ý của con.
2- Cơ thể con thuộc về chính con. Không ai có quyền làm bất cứ điều gì với cơ thể khiến con khó chịu. Nếu ai cố tình, con cần biết nói “không”.
3- Dạy trẻ nói “không” với những động chạm bé không thích từ bất cứ ai, kể cả các thành viên trong nhà.
4- Dạy con nói về những bí mật khiến con buồn. Cha mẹ giải thích sự khác biệt giữa những bí mật "tốt" và "xấu" (như “bí mật của riêng anh/chú/bác với cháu… khiến con cảm thấy buồn, lo lắng, sợ hãi… thường là của kẻ lạm dụng), vì thế cần nói ra với bố mẹ.
5- Dạy con khi cảm thấy buồn, lo lắng, sợ hãi, bé cần tìm người tin tưởng như bố mẹ, anh chị, cô giáo... ngay.
Việc quan tâm, để ý đến cử chỉ, lời nói, hành vi của con hàng ngày giúp sớm nhận biết được những dấu hiệu bị xâm hại để xử lý kịp thời, tránh hậu quả nghiêm trọng.
Khi phát hiện trẻ bị xâm hại, cần gọi ngay vào đường dây nóng tư vấn bảo vệ trẻ em miễn phí:
TP Hồ Chí Minh: Hội Bảo vệ Quyền Trẻ em TP Hồ Chí Minh: 18009069; Trung tâm Công tác xã hội Trẻ em TP Hồ Chí Minh: 1900545559.
Hà Nội: Cục Bảo vệ trẻ em: 18001567
Hoặc điện thoại khẩn cấp 115, 113… Hoặc gọi điện cho cha mẹ, người thân của trẻ.
Thông tin sẽ được chuyển đến cơ quan công an, các chi hội luật sư bảo vệ trẻ em để được hỗ trợ pháp lý, giúp đỡ trẻ bị hại.
Ngọc Anh (Tổng hợp)