Móng tay cùng với da, tóc thuộc lớp ngoài của cơ thể. Đôi khi sức khỏe của móng tay cũng là biểu hiện tình trạng sức khỏe bên trong của một người. Một số bệnh lý, gel sơn, mất nước, lão hóa cũng có thể dẫn đến những thay đổi về hình dáng móng tay. Thiếu hụt vitamin và khoáng chất cũng góp phần đáng kể đến sự thay đổi này.
Móng đổi màu hơi xanh hoặc nâu xám có thể do thiếu vitamin B12; không nhận đủ vitamin C gây ra tình trạng giòn, dễ gãy.
Thay đổi màu móng
Thiếu hụt vitamin B12 có thể ảnh hưởng đến màu sắc của móng tay, khiến chúng chuyển sang màu hơi xanh hoặc nâu xám. Theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH), vitamin B12 là loại vitamin thiết yếu có vai trò giữ cho các tế bào trong cơ thể khỏe mạnh và tạo ra DNA.
Thực phẩm giàu vitamin B12 bao gồm thịt bò, hải sản và các sản phẩm từ sữa nên người ăn chay và thuần chay có nguy cơ thiếu hụt cao hơn. Các triệu chứng khác do thiếu vitamin B12 bao gồm mệt mỏi, chóng mặt hoặc khó thở, nhịp tim nhanh, da nhợt nhạt hoặc vàng, tê hoặc ngứa ran ở ngón tay, ngón chân, lưỡi sưng, đau.
Những thay đổi ở móng tay biểu hiện cơ thể đang thiếu vitamin quan trọng.
Xuất hiện các vệt hoặc đường trắng
Mặc dù các đốm trắng trên móng tay có thể do nguyên nhân bên ngoài, như chấn thương hoặc phản ứng với sơn móng tay, nhưng cũng có thể là thiếu vitamin. Những đường sọc trắng này thường do thiếu kẽm, canxi hoặc vitamin B phức hợp, theo Tạp chí Trực tuyến Da liễu Ấn Độ.
Thực phẩm giàu kẽm bao gồm thịt bò, gà tây, thịt lợn, đậu phụ, đậu lăng, đậu xanh. Các sản phẩm từ sữa, một số loại đậu và hạt cũng cung cấp canxi dồi dào. Để tăng cường vitamin B phức hợp, nên ăn cá hồi, rau bina, gạo lứt và đậu lăng.
Móng tay đổi trắng hoàn toàn hoặc chủ yếu là màu trắng có thể do thiếu hụt selen. Lúc này, bạn nên tăng cường thực phẩm bổ sung chất này như các loại hạt, hải sản, thịt gà, gà tây và thịt lợn.
Ngoài thiếu dinh dưỡng, các vệt hoặc đốm trắng trên móng tay đôi khi có thể xuất phát từ nguyên nhân nhiễm nấm, bệnh vẩy nến, tiểu đường, suy tim, HIV và xơ gan.
Móng tay giòn, dễ gãy
Thiếu hụt vitamin và khoáng chất sắt, biotin, canxi có thể khiến móng tay giòn, gãy. Một trong những dấu hiệu phổ biến nhất của bệnh thiếu máu do thiếu sắt là móng tay giòn.
Tuy nhiên, theo Trường Cao đẳng Da liễu Mỹ, nếu móng tay giòn nhưng móng chân vẫn khỏe thì thủ phạm có thể là do yếu tố bên ngoài, không phải do thiếu dinh dưỡng. Các nguyên nhân khác bao gồm rửa tay hoặc khử trùng thường xuyên, lão hóa, các sản phẩm làm móng chứa axeton...
Cố gắng kết hợp nhiều thực phẩm giàu chất sắt hơn trong chế độ ăn uống như rau bina, đậu thận hoặc ngũ cốc tăng cường chất sắt.
Xước da quanh móng
Hàm lượng vitamin C và axit folic thấp có thể làm mất tính toàn vẹn của móng, dẫn đến tần suất xuất hiện vết xước ở lớp da quanh móng tăng lên. Tình trạng này đôi khi còn gọi là xước măng rô - phần da quanh móng tay hoặc móng chân bị bong thành từng sợi, gây mất thẩm mỹ và đau rát, chảy máu.
Trái cây, rau như ớt chuông đỏ, kiwi, dâu tây, bông cải xanh và ổi đều giàu vitamin C. Bông cải xanh cũng cung cấp axit folic hay folate tốt.
Xuất hiện đường vân ngang hoặc rãnh
Theo Mayo Clinic, thiếu kẽm có thể khiến các đường vân ngang nằm trên bề mặt, không phải bên trong móng tay. Ăn thực phẩm giàu kẽm như hàu, thịt bò, đậu phụ có thể khắc phục tình trạng này.
Một loại đường ngang khác, nằm song song, kéo dài trên móng tay thường là dấu hiệu của mức protein trong máu thấp. Chúng sẽ biến mất sau một thời gian khi móng tay dài ra.
Móng tay dẹt hoặc lõm hình thìa
Thiếu sắt hoặc vitamin C có thể gây ra móng tay lõm hình thìa. Ban đầu, móng có vẻ dẹt, sau một thời gian, vết lõm bắt đầu hình thành và móng có hình chiếc thìa. Điều trị tình trạng thiếu sắt hoặc ăn nhiều thực phẩm giàu chất sắt, vitamin C có thể cải thiện vấn đề ở móng tay.
ThS.BS Nguyễn Xuân Tuấn (Giảng viên trường ĐH Y Dược, Đại học quốc gia Hà Nội)
ThS.BS Nguyễn Xuân Tuấn