Đau lòng nước mắt người phụ nữ “mồ côi” chồng lúc cần nhau nhất

Google News

Trái tim Minh ngừng đập trong một đêm tháng Tư, giữa mùa Covid. Tôi chợt bùi ngùi nhận ra, những lo toan của anh ý nghĩa biết nhường nào.

Bạn khóc òa bên kia điện thoại: “Minh mất rồi Thụy ơi”. Tôi bàng hoàng suýt rớt điện thoại. Minh, người đàn ông cao mét bảy, đẹp trai, phong độ ngời ngời ở tuổi 46 sao mà mất được?
Nhưng không phải, tối hôm qua, Minh đã mất rồi, bỏ Phương bạn tôi, cùng con hai đứa con nhỏ dại phải mồ côi.
Dau long nuoc mat nguoi phu nu “mo coi” chong luc can nhau nhat
 
Tôi không đi viếng Minh được, bởi đang là kỳ giãn cách xã hội, hai bạn đang ở tận Cờ Đỏ, tỉnh Cần Thơ. Như mọi người, tôi chỉ có thể gửi đến anh một vòng hoa tang trên facebook dưới dòng trạng thái Phương chia sẻ cùng tấm cáo phó về tang lễ của chồng. Ba ngày qua, hàng ngàn lời chia buồn gửi đến Phương, nhưng cũng không làm sao để bạn tôi vơi bớt nỗi buồn.
Phương học chung với tôi ở lớp luyện thi học sinh giỏi văn thành phố để chuẩn bị dự kỳ thi toàn quốc năm 1989. Còn Minh ở đội tuyển toán cấp thành. Thời đó chúng tôi mới 15 tuổi, đứa nào cũng ngây ngô, trong trẻo. Phương là con gái đất ruộng Cần Thơ, vì tương lai các con, ba mẹ gửi hai chị em lên thành phố ở trọ để được học cao hơn.
Dù không hộ khẩu thành phố, nhưng Phương đã tranh được một trong 15 suất vào đội tuyển văn, và học tập trung cùng tôi hơn hai tháng tại một trường tiểu học trên đường Trần Quốc Toản, Q.3. Giống như tôi và nhiều bạn trong đội tuyển, Phương học lệch, chỉ giỏi các môn xã hội, còn toán, lý, hóa, thì cô nàng mù tịt.
Bên kia, lớp toán, tình hình tương tự vậy, các anh chàng cứ vò đầu, bứt tóc những giờ tập làm văn. Cho nên, hai bên đã cử “sứ giả” qua bàn cách giúp nhau vượt khó. Phía đội tuyển văn, chúng tôi cử Phương, bên kia, cử Minh để bàn bạc…
Hai tháng tập trung luyện thi quốc gia là hai tháng chúng tôi đỡ đần nhau các môn học còn lại. Sau đợt luyện thi, hai đội tuyển rã đàn, ai về trường nấy. Nào ngờ, sự gắn kết tình cờ đó làm nên duyên phận của Phương và Minh.
Khi chúng tôi hối hả tiếp tục học, thi lên cấp III, vào đại học, đã vô tình không biết chuyện cha của Phương bị tai nạn giao thông phải bỏ mình giữa phố. Dở dang đại học, Phương và chị gái lại dắt nhau về Cần Thơ làm ruộng.
Trong lúc khó khăn nhất đó, Phương chỉ gửi cho tôi lá thư với vài dòng tạm biệt. Còn Minh, khi được tin nhắn của tôi, anh bỏ hai ngày học, đưa bạn về Cần Thơ. Nhìn cô nữ sinh bàn tay búp măng trắng nõn cấy lúa, anh thắt lòng. Từ đó, hễ được nghỉ học, Minh chạy xe gắn máy, vượt mấy trăm cây số về thăm Phương.
Tốt nghiệp Bách khoa, Minh cầm tấm bằng kỹ sư về Thốt Nốt đầu quân... làm ruộng. Ngày tôi đến thăm Phương sinh đứa con đầu lòng, nhìn Minh không ra. Anh chàng thư sinh trắng trẻo năm nào giờ da ngăm đen, cao to, rắn rỏi, lúi húi pha sữa cho con, gấp áo quần cho vợ...
Từ đó, câu chuyện Minh làm chỗ dựa cho Phương, nhận hết việc ruộng đồng, nhà xưởng để cô vợ tuổi 38 trở lại giảng đường đại học tiếp tục thực hiện giấc mơ làm cô giáo được bạn bè trong nhóm truyền nhau như huyền thoại.
Năm Phương nhận bằng đại học, cả nhóm tôi lại kéo về Cần Thơ chia vui cùng bạn. Bạn bè ai cũng khen Minh giỏi. Nghe cha được khen, cậu con trai lớn của Minh chạy tung tăng: “Ba minh lờ đờ nhờ thờ”. Hỏi con, sao nói vậy, cu cậu cười nhe hàm răng sún: “Là ba Minh làm được nhiều thứ đó!”.
Quả thật, Minh làm được biết bao nhiêu là thứ, từ ruộng vườn, nhà cửa, tất cả đều tự tay anh chăm sóc. Phương chỉ căn nhà vườn xinh xắn, tiện nghi và mát rượi của mình, tự hào kể: “Hồi cất nhà, mấy ông thợ làm theo bản vẽ của Minh, còn hỏi sao ông nông dân mà thiết kế, trang trí nhà hay vậy?”.
Từ hai bàn tay trắng lúc về đây, giờ vợ chồng Phương có một khoản tiền kha khá gửi ngân hàng, cả nhà còn được anh lo bảo hiểm nhân thọ đầy đủ. Không làm cơ quan nhà nước, nhưng Minh mua bảo hiểm xã hội tự nguyện cho hai vợ chồng từ lâu.
Lúc đó chúng tôi hỏi đùa: “Sao phải đa đoan, toan tính chi xa xôi vậy?”- Minh cười: “Tại hồi trước lỡ hứa nuôi Phương rồi. Hứa xong phải làm, nên cái gì cũng học để làm được nhiều thứ mới yên tâm. Tôi mà có đi đâu, cô ấy cũng dễ dàng lo cuộc sống”. Cả nhóm cười vang: “Ông bị chôn chặt chỗ này chứ đi đâu được nữa!”.
Hôm nay, người làm được nhiều thứ ấy vĩnh viễn ra đi. Trái tim Minh ngừng đập trong một đêm tháng Tư giữa mùa Covid. Chợt bùi ngùi nhận ra, những lo toan anh đã từng trở nên ý nghĩa biết nhường nào. Ở lại, buồn đau, nhưng rồi hãy vững tin hơn Phương nhé!
Theo Nguyễn Thụy/Phụ nữ online