Sau 2 năm yêu đương, vào tháng 10 vừa qua, chúng tôi cưới nhau. Chồng tôi ở Hà Nội, là con trong một gia đình khá giả, vậy nên ai cũng bảo một cô gái tỉnh lẻ như tôi thực “chuột sa chĩnh gạo”. Đương nhiên, ai nghe câu ấy cũng chẳng hề hài lòng, tôi cũng vậy thôi. Bằng chứng là tôi cũng là con nhà gia giáo, có công ăn việc làm đàng hoàng, thu nhập cũng ở mức nhiều chị em mơ ước.
Cưới nhau xong, vợ chồng tôi tích góp được một khoản định bụng sẽ vay mượn thêm mua căn hộ chung cư ở riêng. Thế nhưng, bố mẹ chồng tôi bảo mới cưới nhau ở chung với bố mẹ một năm cho nhà đỡ vắng vẻ. Tôi suy đi tính lại, bố mẹ chồng cũng chỉ có mình chồng tôi là con trai hơn nữa Tết lại sắp tới gần, nếu ra ở riêng sợ ông bà sẽ buồn.
Chuyện làm dâu của tôi khá thoải mái, bởi mẹ chồng tôi là người thẳng tính, bà không vừa lòng điều gì, sẽ nói cho tôi biết để sửa đổi, chứ không hề để bụng con dâu. Biết vợ chồng tôi về muộn, bà thường cơm nước sẵn sàng đợi chúng tôi về ăn. Vậy nên, nhiều người nói tôi quả thực có “số hưởng” khi vớ được gia đình nhà chồng hoàn hảo như vậy.
|
Góp Tết 10 triệu, tôi vẫn bị mẹ chồng chê ít. |
Tết Nguyên đán cận kề, lại là cái Tết đầu tiên làm dâu, tôi không khỏi bỡ ngỡ. Tôi tham khảo mẹ chồng tôi từ chuyện mua quà biếu Tết, sắm sửa ra sao tới chuyện lì xì đầu năm thế nào. Tính sơ sơ, cái Tết của vợ chồng son tốn không dưới 20 triệu đồng. Đấy là khoản tiêu riêng của chúng tôi, còn chuyện Tết bên nội, bên ngoại tôi định bụng sẽ biếu nhà chồng, nhà đẻ mỗi bên 10 triệu. Vị chi, Tết này vợ chồng tôi sẽ chi chừng 40 triệu đồng.
Lên dự toán chi tiêu xong, tối hôm qua, tôi bỏ 10 triệu trong phong bao lì xì. Ăn cơm xong, cả nhà ngồi uống nước tôi thưa chuyện: “Bố mẹ, vợ chồng chúng con có chút ít tiền biếu bố mẹ để bố mẹ sắm Tết”.
Mẹ chồng tôi cười: “Con dâu chu đáo quá, thực ra, Tết mẹ cũng muốn làm cho đơn giản, ngặt nỗi bố con là trưởng họ, rồi sau này tới thằng Hoàng là cháu đích tôn. Nhà mình phải chỉn chu, mâm cao cỗ đầy vì còn anh em, họ hàng tới chúc Tết nữa con ạ”.
Tôi vâng dạ xem chừng đã hiểu chuyện. Mẹ chồng tôi mở phong bao lì xì đếm khoản tiền tôi vừa biếu. Tức thì, nét mặt mà biến sắc, bà cau mày hỏi tôi: “10 triệu sao đủ tiêu Tết hả con? Tết năm ngoái, thằng Hoàng chưa lập gia đình, mẹ đã tiêu tới hơn 30 triệu tiền sắm đồ đạc. Năm nay, vợ chồng con là dâu mới, rể mới, mẹ dự tính phải sắm sửa tới hơn 50 triệu. Con đưa 10 triệu sao đủ tiêu? Còn bao nhiêu thứ chưa mua. Hơn hết, giờ thực phẩm bẩn lắm, đã mua, phải vào siêu thị mua hàng nhập ngoại, không ăn linh tinh vớ vẩn được”.
Tôi điếng người! Quả thực tôi chưa từng nghĩ một cái Tết mẹ chồng tôi có thể tiêu pha tốn kém đến như vậy. Bà liệu kê ra nào biếu người này, người kia bao nhiêu, sắm cây gì, mua cái gì… thứ gì cũng phải là hàng xịn, hàng chuẩn, riêng hàng chợ mẹ chồng tôi không bao giờ sờ tay tới.
Tôi ấp úng vài giây, chẳng biết nên nói lời nào. Chồng tôi đỡ lời: “Có mấy ngày Tết mẹ chi tiêu tốn kém thế làm gì, năm nào nhà mình chẳng thừa thãi đồ ăn, lại phải đem đi cho khắp nơi”.
Mẹ tôi đáp: “Anh thì biết gì chuyện chi tiêu, đến ăn còn không xong nữa là tham gia chuyện hậu cần ngày Tết. Bao nhiêu năm qua tôi sắm Tết bố anh có chê điều gì? Hay anh chị chê tôi không biết mua bán, vung tay quá trán? Thế thì năm nay anh lấy vợ rồi, anh chị làm tròn bổn phận con cái đi. Tôi không tham gia nữa…”.
Chồng tôi im thin thít sau câu nói khiến mẹ chồng tôi tức giận. Bà bỏ vào phòng đi nằm sớm, lát sau bố chồng tôi cũng vào theo. Phòng khách rộng thênh thang chỉ còn 2 vợ chồng tôi ngán ngẩm nhìn nhau thở dài “Tết ơi, là Tết!”.
Theo Thu Hoài/Dân Việt