Theo thống kê, tính đến 14h chiều ngày 25/3, Việt Nam đã ghi nhận 134 bệnh nhân Covid-19 (trong đó có 17 trường hợp đã được điều trị khỏi). Hiện 21/63 tỉnh, thành phố đã ghi nhận bệnh nhân mắc Covid-19. Trong đó, tại Hà Nội ghi nhận nhiều nhất (44) trường hợp, TP.HCM (34) trường hợp, Vĩnh Phúc (11) trường hợp...
Tính đến 14h ngày 25/3/2020, có 117 bệnh nhân (85 người Việt Nam và 32 người nước ngoài) đang được điều trị tại 16 cơ sở khám, chữa bệnh. Trong đó, 3 bệnh nhân trong tình trạng rất nặng, đang được điều trị tích cực tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương; 26 bệnh nhân xét nghiệm âm tính lần 1; 7 bệnh nhân xét nghiệm âm tính lần 2.
|
Ảnh minh họa. |
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 46.933 người, trong đó có 412 người cách ly tập trung tại bệnh viện, 20.386 người cách ly tập trung tại cơ sở khác và 26.135 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú.
Trên thế giới cập nhật mới nhất đến 12h ngày 25/3, ghi nhận 422.829 trường hợp mắc Covid-19 tại 198 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó 7 quốc gia có trên 10.000 trường hợp mắc, 20 quốc gia có số mắc trong khoảng từ trên 1.000 đến dưới 10.000 trường hợp mắc; 171 quốc gia/vùng lãnh thổ có dưới 1.000 trường hợp mắc.
Thế giới cũng ghi nhận 18.907 trường hợp tử vong, trong đó 5 quốc gia có trên 1.000 trường hợp tử vong (Ý: 6.820, Trung Quốc: 3.281, Tây Ban Nha: 2.991, Iran: 1.934, Pháp: 1.100).
Ở một diễn biến khác, chiều 24/3, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn cho rằng 2 tuần tới có ý nghĩa rất lớn với Việt Nam, là giai đoạn vàng để khống chế dịch Covid-19.
"15 ngày tới là khoảng thời gian để những trường hợp đang ủ bệnh sẽ phát bệnh. Do đó giai đoạn này phải tổ chức phân lọc thật tốt, kiểm soát được tất cả những người nhập cảnh vào Việt Nam, xét nghiệm nhanh để phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh", Thứ trưởng Sơn nói.
Sau 2 tuần, nếu Việt Nam không triển khai các biện pháp cách ly quyết liệt, không kiểm soát tốt người nhập cảnh, khả năng lây nhiễm chéo, lây nhiễm trong cộng đồng rất cao.
Mời quý vị theo dõi video: "Việt Nam có ca mắc Covid-19 thứ 46 và 47". Nguồn: VTC Now.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh, để khống chế dịch thành công, việc quan trọng nhất là phải tổ chức cách ly thật tốt, cách ly đúng quy trình. Phải phát hiện sớm các trường hợp nhiễm và nghi nhiễm để xét nghiệm sớm và dập dịch triệt để.
Hiện Việt Nam đã dừng nhập cảnh đối với người nước ngoài qua đường hàng không, chỉ nhập cảnh đối với người quốc tịch Việt Nam, khách quốc tế có hộ chiếu công vụ. Tất cả người nhập cảnh đều phải cách ly tập trung 14 ngày.
Bộ Y tế hướng dẫn việc cách ly y tế tại nhà
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, cách ly y tế, bao gồm: cách ly tại cơ sở y tế, cách ly tại cơ sở cách ly tập trung và cách ly tại nhà, nơi lưu trú.
Việc cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú được áp dụng đối với những người đã tiếp xúc với người có tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân được xác định nhiễm virus SARS-CoV-2 (đối tượng F2), những người tiếp xúc gián tiếp (đối tượng F3, F4). Thời gian cách ly được quy định là 14 ngày kể từ khi tiếp xúc với nguồn nghi ngờ truyền nhiễm.
Người được cách ly cần thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh cá nhân sau đây:
- Thường xuyên đeo khẩu trang; thu gom khẩu trang, khăn, giấy lau mũi, miệng đã qua sử dụng vào túi đựng rác thải riêng có nắp đậy và mang đi xử lý hàng ngày.
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng với nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn chứa ít nhất 60% cồn.
- Không dùng chung các đồ dùng vật dụng cá nhân như bát, đũa, thìa, cốc, bàn chải đánh răng, khăn mặt... Không ăn chung cùng với những người khác trong gia đình, nơi ở, nơi lưu trú.
- Đảm bảo ăn uống đủ chất dinh dưỡng, uống đủ nước, vận động cơ thể, tập thể dục nhẹ nhàng tại chỗ. Việc người dân nâng cao ý thức cộng đồng, thực hiện tốt các quy định cách ly, vệ sinh phòng dịch là góp phần chiến thắng giặc dịch Covid-19.
Thảo Nguyên