Dịch đau mắt đỏ lây nhanh trong trường: Phòng bệnh thế nào?

Google News

Dịch đau mắt đỏ đang lây lan nhanh trong trường học, số ca mắc bệnh tăng cao. Chính vì vậy, việc phòng bệnh là hết sức cần thiết.

Dịch đau mắt đỏ lây lan trong trường
Bệnh đau mắt đỏ đang có xu hướng gia tăng tại một số tỉnh, thành. Đáng chú ý, dịch lây nhanh trong trường, số ca mắc bệnh tăng cao, nhất là trẻ mầm non và tiểu học.
Tại Quảng Ngãi, bệnh đau mắt đỏ lây lan nhanh trong trường học khiến nhiều học sinh phải nghỉ học. Báo Tiền Phong dẫn thống kê của Trung tâm Y tế huyện Sơn Tịnh (tỉnh Quảng Ngãi) cho biết, trong 20 ngày đầu tháng 9, trên địa bàn huyện đã ghi nhận hơn 1.500 ca đau mắt đỏ.
Tại lớp 5C, Trường tiểu học Tịnh Hiệp (huyện Sơn Tịnh) có 35 học sinh, nhưng có đến 19 học sinh vắng vì mắc bệnh đau mắt đỏ.
Không chỉ tại huyện Sơn Tịnh mà các địa phương khác như TP Quảng Ngãi, huyện Tư Nghĩa, Nghĩa Hành…cũng có hàng trăm trường hợp bị đau mắt đỏ mỗi ngày.
Dich dau mat do lay nhanh trong truong: Phong benh the nao?
 Bác sĩ khám cho trẻ em bị đau mắt đỏ. Ảnh: Báo Tiền Phong.
Còn ở tỉnh Tây Ninh, theo TTXVN, tính đến trưa 18/9, trên địa bàn tỉnh có hơn 140 cán bộ, giáo viên và hơn 6.200 trẻ em, học sinh, sinh viên ở các cấp học bị đau mắt đỏ.
Tại khu vực Tây Nguyên, dịch đau mắt đỏ cũng bùng phát mạnh, nhất là ở Đắk Lắk, Gia Lai. Ngày 18/9, theo thống kê của Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đắk Lắk, đến nay, tỉnh này có hơn 10.500 trường hợp mắc bệnh đau mắt đỏ, trong đó có hơn 9.800 ca tại trường học.
Tại Gia Lai, chỉ trong vòng một tháng trở lại đây, ước tính có hơn 1.600 ca đau mắt đỏ. Tại Bệnh viện Mắt Quốc tế Sài Gòn - Gia Lai, trung bình một ngày bệnh viện khám hơn 100 bệnh nhân mắc các bệnh lý về mắt, trong đó hơn 50% bệnh đau mắt đỏ.
Tại Bến Tre, theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ ngày 11 - 16/9, toàn tỉnh ghi nhận 1.870 ca mắc đau mắt đỏ tại 146 cơ sở giáo dục thuộc 9 huyện, thành phố trên địa bàn.
Dich dau mat do lay nhanh trong truong: Phong benh the nao?-Hinh-2
 Ảnh minh họa: HC. 
Trước đó, chuyên gia y tế đã nhận định, nguy cơ dịch bệnh đau mắt đỏ có thể sẽ gia tăng khi học sinh quay trở lại trường học từ đầu tháng 9.
"Thời tiết với độ ẩm cao thường là điều kiện thuận lợi cho các loại virus, vi trùng sinh sôi phát triển nhanh hơn nên bệnh đau mắt đỏ cũng thường xảy ra trong thời gian này, nhất là trong thời điểm giao mùa hè - thu. Khi bị đau mắt đỏ, một số người không tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ hoặc tự ý điều trị khiến bệnh tiến triển nặng và phức tạp hơn, gây ra một số biến chứng nguy hiểm”, bác sĩ CKII Nguyễn Thị Bạch Tuyết, Bệnh viện Nhi đồng 2, khuyến cáo.
Cách phòng bệnh đau mắt đỏ
Theo Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), đau mắt đỏ là tình trạng nhiễm trùng mắt, thường do vi khuẩn hoặc virus gây ra hoặc do phản ứng dị ứng, với triệu chứng đặc trưng là đỏ mắt.
Bệnh thường khởi phát đột ngột, lúc đầu ở một mắt sau lan sang mắt còn lại. Bệnh đau mắt đỏ rất dễ mắc, dễ lây lan trong cộng đồng và gây thành dịch. Cho đến nay, chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và những người bị đau mắt đỏ rồi vẫn có thể bị nhiễm lại chỉ sau vài tháng khỏi bệnh.
Đau mắt đỏ tuy là một bệnh cấp tính, triệu chứng rầm rộ, dễ lây nhưng thường lành tính, ít để lại di chứng, tuy nhiên, bệnh thường gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, học tập và lao động, và có không ít trường hợp bệnh kéo dài, gây biến chứng ảnh hưởng đến thị lực sau này.
Dich dau mat do lay nhanh trong truong: Phong benh the nao?-Hinh-3
 Các thầy cô hướng dẫn học sinh rửa tay phòng tránh dịch đau mắt. Ảnh: Báo Tiền Phong.
Để phòng tránh bệnh, các bác sĩ khuyến cáo, hàng ngày người dân nên nhỏ nước muối sinh lý (Natri Clorid 0,9%) để rửa mắt sau khi đi ngoài đường hoặc đi bơi về; hạn chế dụi tay vào mắt, mũi, miệng; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và dung dịch sát khuẩn tay.
Tại trường học, cơ quan, gia đình..., cần tránh tiếp xúc trực tiếp, gần gũi với người bệnh, giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ, nhất là hai bàn tay; cách ly người bệnh, dùng riêng các dụng cụ như khăn, chậu rửa, kính mắt, vỏ gối…
Người có các dấu hiệu đau mắt đỏ cần đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế để tránh biến chứng nặng.
>>> Mời độc giả xem thêm video: Hàng loạt quốc gia khẩn trương điều tra bệnh "viêm gan" bí ẩn ở trẻ em

Nguồn video: THĐT

P.V (Tổng hợp)