Gần đây nhất, WHO phát hiện một số loại siro ho và hỗn dịch nhiễm độc ở Châu Mỹ, Đông Địa Trung Hải, Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương.
Theo Reuters, các sản phẩm này do Pharmix ở Pakistan sản xuất và được xác định bị nhiễm độc lần đầu tiên ở Maldives và Pakistan. Một số sản phẩm cũng được phát hiện ở Belize, Fiji và Lào. Pharmix chưa đưa ra phản hồi ngay lập tức.
WHO cho biết, tổng cộng 23 lô siro Alergo, hỗn dịch Emidone, siro Mucorid, hỗn dịch Ulcofin và siro Zincell bị ảnh hưởng. Cho đến nay, chỉ Alergo được phát hiện bên ngoài Pakistan. Những loại thuốc này được sử dụng để điều trị ho, dị ứng và các vấn đề sức khỏe khác.
|
Ảnh minh họa: Getty. |
Theo WHO, giới hạn chấp nhận được đối với ethylene glycol là không quá 0,1%, nhưng hàm lượng chất gây hại này trong các loại thuốc trên dao động trong khoảng 0,62-0,82%.
“Các sản phẩm kém chất lượng được đề cập trong cảnh báo này là không an toàn và việc sử dụng chúng, đặc biệt là ở trẻ em, có thể dẫn đến vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hoặc tử vong”, WHO cảnh báo.
Hiện, WHO chưa ghi nhận trường hợp nào bị tác dụng phụ do các loại thuốc nói trên. Tuy nhiên, WHO kêu gọi các nước cần tăng cường cảnh giác và kiểm tra sản phẩm do Pharmix Laboratories sản xuất trong giai đoạn từ tháng 12/2021-12/2022.
Trước đó, vào tháng 8/2023, WHO cũng cảnh báo lô siro điều trị cảm lạnh Cold Out được bán tại Iraq có chứa hàm lượng chất độc hại cực cao.
Được biết, loại siro Cold Out này do Fourrts của Ấn Độ sản xuất cho hãng dược Dabilife Pharma. Lô hàng này chứa 0,25% diethylene glycol và 2,1% ethylene glycol, trong khi ngưỡng an toàn được chấp thuận ở cả hai là 0,1%.
Chưa hết, tháng 7/2023, WHO cho biết một lô siro ho và cảm lạnh nhãn hiệu Naturcold được bán ở Cameroon chứa hàm lượng thành phần độc hại rất cao.
|
Siro ho Naturcold có chứa hàm lượng chất độc hại diethylene glycol. Ảnh: Naturcold. |
Theo thông tin trên bao bì, lô siro trên do một công ty có tên Fraken International (Anh) sản xuất. Tuy nhiên, cơ quan quản lý y tế của Anh khẳng định không có công ty tên như vậy tồn tại ở nước này.
Theo WHO, hàm lượng chất gây hại diethylene glycol trong loại siro Naturcold lên tới 28,6%.
Vào tháng 10/2022, WHO cũng phát đi cảnh báo về 4 loại siro trị ho, cảm lạnh sản xuất tại Ấn Độ có thể liên quan đến vụ 66 trẻ em ở Gambia tử vong do tổn thương thận cấp.
4 sản phẩm này gồm Promethazine Oral Solution, Kofexmalin Baby Cough Syrup, Makoff Baby Cough Syrup và Magrip N Cold Syrup, do công ty Maiden Pharmaceuticals Ltd. có trụ sở tại New Delhi sản xuất.
Kết quả phân tích trong phòng thí nghiệm cho thấy, lượng diethylene glycol và ethylene glycol trong 4 sản phẩm trên đều ở mức "không thể chấp nhận được".
>>> Mời độc giả xem thêm video: Bê bối thuốc giảm cân tại Pháp
An An (Theo Reuters, T.H)