Suy buồng trứng khi tuổi còn quá trẻ
Chị Nguyễn Ánh Dương (30 tuổi, Giám đốc kinh doanh tại Hà Nội) chia sẻ, sau khi lập gia đình, chị và chồng xác định sẽ tập trung cho sự nghiệp ổn định rồi mới tính chuyện sinh con. Cuối cùng sau 5 năm kết hôn, khi kinh tế dư dả, công việc thuận lợi, anh chị nghĩ mới đến việc “thả” để sinh con đầu lòng.
Nhưng một ngày chị Dương nhận thấy mình không còn kinh nguyệt nữa. Lúc đầu chị nghĩ rằng mình đã mang thai nên vui mừng ra mặt. Nhưng khi kiểm tra chị phát hiện ra rằng mình bị suy buồng trứng và khó có thể làm mẹ.
Chia sẻ về trường hợp của chị Dương, Ths.BS Phan Chí Thành - Chánh văn phòng Trung tâm đào tạo và Chỉ đạo tuyến - Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, bệnh nhân bị suy giảm buồng trứng sớm tuổi đôi mươi, gần như không còn khả năng làm mẹ. Kết quả xét nghiệm nồng độ AMH và siêu âm đếm số nang noãn thứ cấp trên 2 buồng trứng gần như không còn.
|
Ảnh minh họa. |
Suy giảm dự trữ buồng trứng cũng như chất lượng trứng là nguyên nhân vô sinh thường gặp ở phụ nữ sau 35 tuổi, đặc biệt thường gặp ở độ tuổi 40-50. Ngày nay, nhiều phụ nữ tuổi 30, thậm chí mới hơn 20 đã bị suy buồng trứng chưa rõ nguyên nhân.
Trên thế giới, khoảng 9 - 24% phụ nữ bị suy giảm buồng trứng trong số trường hợp cần hỗ trợ sinh sản. Ở Việt Nam, hiện không có thống kê tỷ lệ người bị suy giảm buồng trứng. Tuy nhiên gần đây bệnh viện tiếp nhận nhiều bệnh nhân hơn so với những năm trước.
"Đa phần họ đến bệnh viện khám vì rối loạn kinh nguyệt, kết hôn lâu không có con, hoặc đã có một con muốn sinh con thứ hai nhưng không thể thụ thai", bác sĩ Thành nói.
Phụ nữ suy buồng trứng thường bị vô kinh hoặc ra máu không đều, rối loạn kỳ kinh, thường xuyên mệt mỏi, chóng mặt, buồn nôn, mất ngủ, dễ kích động, khó tập trung tư tưởng, đau khi quan hệ tình dục, âm đạo khô. Nhiều trường hợp giảm ham muốn tình dục, luôn né tránh chuyện giường chiếu, mất khả năng sinh sản, rối loạn tiết niệu...
Nguyên nhân, cách khắc phục
Nguyên nhân suy giảm buồng trứng có thể do gene, tốc độ thoái hóa các nang trứng diễn ra rất nhanh, bệnh phụ khoa, đặc biệt là ung thư phụ khoa phải điều trị hóa chất xạ trị. Tuổi của người phụ nữ càng cao thì dự trữ buồng trứng càng thấp.
Lối sống không lành mạnh, uống nhiều rượu bia, hút thuốc lá, sử dụng các chất kích thích, thường xuyên thức khuya, gặp nhiều căng thẳng, stress, giảm cân quá mức cũng là yếu tố nguy cơ.
"Không có cách nào phục hồi hoạt động bình thường của buồng trứng. Để có con, rất nhiều phụ nữ đã phải đi xin trứng. Do đó lựa chọn phòng sẽ hơn chống, chị em phụ nữ sau 30 có thể cần phải cân nhắc trữ đông trứng để tránh suy buồng trứng sau này", bác sĩ nói.
Qua trường hợp của bệnh nhân trên, bác sĩ Thành khuyên những cặp đôi đã lấy nhau nếu trì hoãn việc sinh con vì bất cứ lý do nào đó cũng nên đi khám sức khỏe sinh sản trước quyết định quan trọng. Bác sĩ hỗ trợ sinh sản sẽ tư vấn quyết định sinh sản mang thai hay trì hoãn việc sinh sản.
Đối với các trường hợp có nguy cơ suy buồng trứng sớm, các bác sĩ sẽ tư vấn bệnh nhân mang thai hoặc trữ đông trứng sớm nhất có thể. Bên cạnh đó nếu bệnh nhân bị mãn kinh sớm trước tuổi 45 bắt buộc phải điều trị nội tiết tố thay thế để thể không bị lão hoá sớm.
Hiện nay, xu hướng phụ nữ lập gia đình rất muộn từ 35 tuổi trở đi. Bác sĩ Thành khuyên nếu chị em có ý định này nên đi khám phụ khoa để xem chất lượng trứng của mình còn tốt hay không. Với những phụ nữ có kinh tế muốn bảo tồn khả năng sinh sản có thể chọn phương án trữ trứng.
Theo Kim Ngân/Gia đình Việt Nam