Ca nặng, nguy kịch tăng cao
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đánh giá dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều biến chủng mới. Trong khi tốc độ tiêm chủng COVID-19 mũi 3, 4 thời gian qua có tăng nhưng chưa đạt mục tiêu. Một số địa phương có tỉ lệ tiêm thấp, đặc biệt ở nhóm trẻ 5-11 tuổi. Thứ trưởng yêu cầu các địa phương đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng, đặc biệt là liều cơ bản cho trẻ từ 5-11 tuổi trong tháng 8 và 9, tiêm nhắc cho nhóm 12-17 tuổi hoàn thành trong quý III, ngay khi trẻ quay lại trường.
Thực tế ghi nhận tại một số bệnh viện, rất nhiều ca COVID-19 nặng, nguy kịch chưa được tiêm vắc xin. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương hiện có hơn 130 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, trong đó khoảng 40 bệnh nhân đang thở máy, 40 ca thở ô xy, có 7 ca là trẻ em.
Bác sĩ Phạm Văn Phúc, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương), cho hay thời gian gần đây mỗi ngày tiếp nhận thêm 5-6 bệnh nhân nặng, nguy kịch chuyển từ tuyến dưới. Các bệnh nhân hầu hết là người cao tuổi, có nhiều bệnh nền. Đáng nói, dù đa số bệnh nhân đã tiêm 2-3 mũi vắc xin COVID-19, nhưng có khoảng 20% bệnh nhân chưa tiêm mũi nào. Nhiều bệnh nhân đã tiêm mũi 3 nhưng cách đây 8-9 tháng nên hiệu lực vắc xin, nồng độ kháng thể xuống thấp. Đây là nguyên nhân khiến bệnh nhân dễ tái nhiễm và trở nặng.
|
Chuyên gia dịch tễ khuyến cáo cần tiêm đủ liều vắc xin cho trẻ trước năm học mới
|
Khoa Virus - Kí sinh trùng (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương) hiện có 80 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, tăng cao so với tháng 5 và 6. Trong số này, một số bệnh nhân chưa tiêm bất kì mũi vắc xin nào.
Bác sĩ Phạm Văn Phúc nhấn mạnh, trong tình hình dịch căng thẳng, người dân cần tiêm phòng đầy đủ vắc xin COVID-19. Đặc biệt, với những người cao tuổi, có bệnh nền, việc tiêm mũi 4 vắc xin COVID-19 rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe và tính mạng.
Việt Nam đang có làn sóng dịch mới
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, số bệnh nhân COVID-19 trên cả nước đã liên tiếp lập đỉnh so với ba tháng trước. Ngày 24/8, số ca mắc lên tới hơn 3.591 ca. Sau một thời gian số ca tử vong do COVID-19 gần như bằng 0 thì tới nay, mỗi ngày đều có 1-2 trường hợp.
Nhận định về tình hình này, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng Đại học Y Dược TPHCM cho hay: “Trước đây, khi dịch tạm lắng, số ca nhiễm giảm mạnh, theo nhiều dự báo, không riêng gì tại Việt Nam, sau khoảng 4-5 tháng có thể có một làn sóng dịch nhưng nhỏ dần nếu quần thể dân cư được tiêm chủng đầy đủ. Việt Nam đang có làn sóng dịch mới. Số ca mắc sẽ tăng lên, giống như nhiều quốc gia khác đang ghi nhận tương tự do sự xuất hiện của các biến chủng mới. Nhưng tôi nghĩ, làn sóng này sẽ không gây ra bùng phát trên diện rộng”.
Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, nguy cơ mắc bệnh, chuyển nặng trong làn sóng dịch mới rất dễ rơi vào nhóm trường hợp không tiêm đủ mũi 3, mũi 4. Ông cho rằng người dân không cần phải quá lo ngại nhưng với điều kiện đã tiêm chủng đủ, đã có miễn dịch. Người dân vẫn có thể tiếp tục sinh hoạt bình thường, tham gia phương tiện giao thông công cộng, đi giảng dạy, học tập…
“Điều quan trọng nhất là những người chưa tiêm chủng đủ, cần sớm thực hiện theo khuyến cáo của ngành y tế. Bên cạnh đó, cần theo dõi, rà soát dịch bệnh một cách chặt chẽ. Có thể phải khởi động lại một số biện pháp đã từng triển khai như bệnh viện dã chiến, khi số ca mắc tăng cao, nhiều ca tử vong hơn”, TS. Dũng nói.
“Chúng ta cần phải giám sát chặt chẽ sự xuất hiện, lưu hành của các biến chủng mới để đánh giá kịp thời, không thể chủ quan. Về vấn đề vắc xin, nếu người dân tiêm phòng đầy đủ, dù có đối mặt với biến chủng mới, cơ thể vẫn kịp tạo đủ kháng thể để bệnh không chuyển nặng, giảm thiểu tử vong”, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng Đại học Y Dược TPHCM, cho biết.
Theo các chuyên gia dịch tễ, sự xuất hiện biến chủng mới của virus là hiện tượng tự nhiên. “Biến chủng mới luôn có đặc tính là lây lan nhiều hơn, nhờn vắc xin hơn, có hiện tượng lẩn tránh miễn dịch nhiều hơn. Tuy nhiên, biến chủng mới có “hiền” hơn không thì chưa chắc. Do đó, chúng ta cần phải giám sát chặt chẽ sự xuất hiện, lưu hành của các biến chủng mới để đánh giá kịp thời, không thể chủ quan”, PGS.TS Đỗ Văn Dũng khuyến cáo.
Tiêm đủ liều vắc xin cho trẻ trước năm học mới
Về trường hợp trẻ đã 2 lần mắc COVID-19 có phải tiêm vắc xin hay không, PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, theo hướng dẫn của Bộ Y tế, những trẻ trong độ tuổi từ 5 đến dưới 12 tuổi chưa hoàn thành liều cơ bản mà đã mắc COVID-19 thì thực hiện tiêm chủng ngay sau khi khỏi bệnh 3 tháng.
“Việc thử test kháng thể sau khi mắc COVID-19 là không cần thiết vì nồng độ kháng thể giảm dần theo thời gian nên kết quả chỉ có giá trị tại thời điểm xét nghiệm. Trẻ em cũng như người lớn nếu chưa có miễn dịch bảo vệ thì có nguy cơ cao mắc bệnh COVID-19, đặc biệt nhóm trẻ mắc bệnh lí nền, bệnh mạn tính, béo phì... Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nguy cơ xuất hiện các biến thể mới vẫn hiện hữu, các bậc phụ huynh cần đưa con mình đi tiêm chủng vắc xin COVID-19 trước khi năm học mới bắt đầu”, PGS Hồng nói.
PGS.TS Dương Thị Hồng khuyến cáo, trường hợp trẻ chưa tiêm chủng đủ liều thì vẫn có nguy cơ mắc bệnh, vì vậy các bậc cha mẹ cần đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ 2 liều vắc xin cơ bản với nhóm trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi; với trẻ từ 12 đến 17 tuổi cần đưa trẻ đi tiêm nhắc mũi 3 sau 2 mũi tiêm cơ bản trước đó để bảo vệ các cháu và không trở thành nguồn lây cho bạn bè và những người xung quanh.
Bình Dương gia tăng ca nặng và nguy kịch
Ngày 28/8, TS Nguyễn Hồng Chương - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết, những ngày qua địa phương liên tục ghi nhận ca mắc COVID-19 với số lượng cao nhất từ đầu năm đến nay (trung bình mỗi ngày hơn 100 ca mắc). Số bệnh nhân nhập viện, chuyển nặng, nguy kịch tăng lên.
Bình Dương hiện có 514 bệnh nhân đang điều trị COVID-19. Trong số những bệnh nhân đang điều trị có nhiều trường hợp là trẻ em chưa tiêm vắc xin. Theo ông Chương, ngành y tế đang đánh giá lại nhân lực, thiết bị, vật tư hóa chất; chuẩn bị mô hình “4 tại chỗ” để ứng phó với dịch bệnh. “Ngành y tế đã chuẩn bị sẵn sàng phương án ứng phó với biến thể mới, phương án thu dung điều trị ca mắc COVID-19, bố trí phương tiện, vật tư y tế, thuốc men để có thể đáp ứng tình huống dịch bệnh, đặc biệt các bệnh nhân nặng tại tầng 2, tầng 3”, ông Chương cho hay.
Hương Chi
Theo Hà Minh/Tiền Phong