"Xét cho cùng thì chồng bà không ham rượu chè, cờ bạc, không ngoại tình. Ông sống có trách nhiệm với gia đình. Bà nên suy xét lại để hạnh phúc không đổ vỡ, tránh cho các con sự thiệt thòi".
"Thưa Tòa, ai cũng bảo tôi làm “vợ quan” ăn sung mặc sướng, có chồng sống nghiêm túc không bồ bịch, chí thú làm ăn. Ông ấy cũng chẳng bao giờ để cho mẹ con tôi phải khổ. Nhưng cuộc sống của mẹ con tôi ngột ngạt vô cùng. Bao năm qua tôi đã dằn lòng chịu đựng để các con học hành đến nơi đến chốn. Nay cả hai cháu đã trưởng thành, chúng sẽ hiểu và tha thứ cho tôi khi quyết định ly hôn. Tôi vẫn khẳng định không thể kéo dài cuộc sống ấy nữa và không thay đổi. Xin Tòa chấp nhận cho chúng tôi được ly hôn".
Ảnh minh họa
Lần thuyết phục cuối cùng của Tòa không có kết quả khi người vợ vẫn khăng khăng xin được ly hôn. Bên kia, người chồng trầm lặng nghe Toà phán quyết. Sau khi Tòa tuyên bố cho họ ly hôn, ông bảo sẽ làm đơn kháng cáo để vợ chồng đoàn tụ.
Nhờ người bạn chỉ dẫn, người chồng đó gọi điện đến văn phòng tư vấn, tha thiết nhờ chuyên gia hãy nói chuyện với người vợ, đả thông tư tưởng cho bà. Bởi với địa vị của ông bây giờ, gia đình này không thể đổ vỡ.
Người vợ khi nhận được điện thoại từ văn phòng tư vấn đã đến gặp chuyện gia. Vì bà cũng muốn chuyên gia tháo gỡ vấn đề của họ cho người chồng hiểu mà buông tay cuộc hôn nhân vốn dĩ đã không còn hạnh phúc này.
"Vợ chồng sống ai chẳng có những mâu thuẫn, mỗi người nhịn đi một tí, chấp nhận khiếm khuyết của nhau để dung hoà là được. Sao chị cứ kiên quyết phải ly hôn làm gì. Nói là các con đã lớn nhưng chúng cũng bắt đầu lấy vợ lấy chồng rồi, nhìn vào gia đình bố mẹ ly hôn chúng cũng thiệt thòi chứ” – chuyên gia tư vấn mở lời.
"Chị biết không, hơn hai mươi năm chung sống với nhau đây là lần đầu tiên ông ấy chấp nhận yêu cầu tôi đưa ra đấy. Có chung sống với một ông chồng gia trưởng, nghiêm khắc và kỹ tính thì chị mới hiểu được nó địa ngục đến chừng nào"- bà bộc bạch.
Cưới nhau xong, ông ấy bắt tôi phải nghỉ việc ở nhà nội trợ, chăm sóc con cái. Ông ấy lo cho cho mẹ con tôi chẳng thiếu thứ gì trong cuộc sống hàng ngày. Nhưng tính gia trưởng, áp đặt, nghiêm khắc đã khiến cho mẹ con tôi lúc nào cũng trong trạng thái căng thẳng mệt mỏi. Ngay từ lúc còn nhỏ hai đứa con học giỏi thì chẳng sao nhưng học kém một chút thì lập tức ông ấy mắng chửi. Với ông ấy chuyện con cái học giỏi, vợ chu toàn là điều đương nhiên. Ông ấy không hề biết rằng, để làm được điều đó thì cả tôi và con đều phải cố gắng hết mình. Ở đời ai chẳng muốn được khen thưởng, được động viên. Hai đứa con tôi học giỏi, đi thi được giải này giải nọ, xã hội khen thưởng hết lần này đến lần khác. Vậy mà về nhà, bố cứ thản nhiên không một lời động viên.
Thử nghĩ có người chồng nào mà đi làm về đến nhà thấy một đôi dép vứt lộn xộn là ông ấy bắt đầu la rầy hết mẹ đến con. Hễ mấy mẹ con nô đùa một chút lập tức ông cau có bảo rằng cả ngày làm việc mệt mỏi về đến nhà cũng không được yên thân. Nói thật lần nào ông ấy đi công tác là mẹ con tôi ở nhà thở phào nhẹ nhõm, tha hồ đùa giỡn. Lúc ông ấy về là y như rằng cả nhà im ắng, chẳng ai dám nói, dám cười cả.
Ông ấy sống nghiêm túc, nguyên tắc, chuyện gia đình thỉnh thoảng đi đổi gió đây đó hầu như không bao giờ có. Cuộc sống mẹ con tôi cũng phải gồng mình theo ý thích kỳ quặc đó nên cứ nhìn gia đình người ta vui vẻ dã ngoại, nghỉ mát đâu đó với nhau mà thèm.
Ảnh minh họa
Một mình tôi không thể quán xuyến được vừa chăm hai đứa con vừa nội trợ, lo cho hai bên nội ngoại. Nhiều lần, tôi thuê giúp việc, trả lương cao hẳn hoi nhưng cuối cùng chẳng ai muốn ở lại nhà tôi làm việc. Họ xin thôi việc với lý do giống nhau "ông chủ khó tính quá". Thành thử một mình tôi phải quán xuyến tất cả. Nhiều lần tôi góp ý với chồng nhưng cứ bắt đầu đề cập đến là ông ấy gạt phăng, mắng té tát vợ con; rằng làm việc lớn cũng không được việc nhỏ cũng không xong; mẹ con tôi chỉ làm khổ ông ấy mà thôi...
Với tôi cũng vậy, chưa bao giờ ông ấy khen ngợi hay động viên vợ một lời. Tôi cũng biết ông làm “sếp”, công việc nhiều, áp lực cao, nên cố gắng làm thế nào để chồng cảm thấy dễ chịu mỗi khi trở về nhà. Hàng ngày, ông cần cái gì thì nói, không cần thì im lặng. Dần dần tôi cảm thấy xa cách với chồng mình.
Các con lớn dần. Con gái đầu đi lấy chồng thỉnh thoảng có hờn giận chồng bế con về là lập tức ông mắng chửi thậm tệ, gọi con rể đến bắt phải làm lành rồi bồng bế nhau về. Một hai lần như thế, con gái buồn khổ gì về nhà cũng chẳng được thể hiện ra.
Con trai của chúng tôi học ở đâu, thi vào ngành gì cũng đều phải nghe theo sự chỉ đạo của bố. Không ít lần nó tâm sự với mẹ rằng nó đang sống cho bố chứ chẳng phải sống cho mình. Làm gì, đi đâu bố cũng đưa cái chuẩn mực ra để con cái phải theo. Cái gì cũng nhất nhất không được làm ảnh hưởng đến uy tín và công việc của bố. Thương con nhưng chẳng thể nào nói được ông ấy nên tôi cũng đành chấp nhận an ủi, động viên con cố gắng sau này tự lập được sẽ khác hơn. Cứ như thế, cuộc sống của chúng tôi an toàn, đầy đủ nhưng chẳng có tiếng cười. Làm sao một con người có thể kéo dài cuộc sống như thế hết cả cuộc đời? Giờ các con đã lớn, tôi muốn sống cho mình thay vì phải chịu bất hạnh cả đời.
Trong câu chuyện này, hóa ra người cần tư vấn lại là người chồng chứ không phải người vợ. Tác phong gia trưởng là tự coi mình hơn tất cả mọi thành viên khác trong nhà, để áp đặt mọi quyết định của mình, không quan tâm đến ý kiến, nguyện vọng của người khác. Ngày nay, vợ chồng bình đẳng, người phụ nữ đã có vị trí trong gia đình lẫn ngoài xã hội. Do đó, khi chồng hay vợ vẫn giữ tác phong gia trưởng, sống giáo điều, áp đặt cho người khác thì sẽ gây sóng gió cho chính hạnh phúc của mình. Một số người người đứng đầu có vị trí xã hội nhưng tự cho mình cái quyền tối thượng trong nhà để quyết định tất cả. Họ biến gia đình thành trại lính, bắt mọi người không được bàn cãi phải răm rắp phục tùng mệnh lệnh của mình. Họ quyết định cả việc vợ con có đi làm hay ở nhà nội trợ, việc dựng vợ gả chồng cho con theo ý mình, bất luận chúng có tình yêu hay không. Khách đến nhà vợ con đang nói ông lừ mắt một cái phải im, chỉ một cái phẩy tay phải đi ra chỗ khác. Những gia đình như thế luôn ngự trị bầu không khí nghẹt thở. Cuộc sống vật chất tuy đầy đủ nhưng không không hề hạnh phúc.
Nếu trong gia đình không có tình yêu thương mà chỉ có cảm giác sợ hãi, lệ thuộc thì gia đình đó trong thời hiện đại không chỉ rạn nứt mà còn có nguy cơ tan vỡ. Theo thống kê 70% số gia đình ly hôn trong thời gian gần đây có nguyên nhân từ sự áp chế trong gia đình mà đối tượng chung sống không chấp nhận. Phải chăng đây là hồi chuông cảnh tỉnh cho những ai đang sống ở thời hiện đại mới nhưng đem theo tác phong gia trưởng của thời phong kiến xa xưa áp đặt trong gia đình.
Theo TÂM GIAO/Baophunuthudo