Những người chỉ trích chẳng ai hiểu khó khăn tôi đang đối mặt. Chồng tôi là con một nên chuyện chăm sóc bố mẹ già tất nhiên là trách nhiệm của vợ chồng tôi.
Ngay từ khi cưới, nhiều người đã bảo tôi “chuột sa chĩnh gạo”, gái quê mà gặp may vì lấy được chồng Hà Nội, lại có nhà cửa đề huề, bố mẹ chồng đều là người có học thức, tốt tính. Tôi chẳng phủ nhận những điều ấy, trái lại, còn luôn cảm tạ trời đất vì đã cho mình cơ hội trở thành nàng dâu của một gia đình hạnh phúc như thế này.
|
(Ảnh: Phụ Nữ Việt Nam). |
Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, chỉ hơn 2 năm sau khi kết hôn, tôi bụng mang dạ chửa chờ tới ngày sinh thì bố chồng bị tai biến, nằm liệt giường tới giờ. Chồng tôi là dân xây dựng, cứ đi theo công trình triền miên nên tôi khệ nệ vác bụng bầu 8 tháng cùng mẹ chồng ra vào bệnh viện để chăm sóc bố.
Tôi chẳng ngại ngần việc gì, kể cả việc thay bỉm, vệ sinh cho ông hàng ngày cho tới tận ngày sinh con. Ông bà không thích có người lạ trong nhà nên tôi không dám thuê giúp việc mà cứ vừa xoay sở trông con vừa lo việc nhà và tranh thủ giúp bà chăm ông.
Sau đó một thời gian, ông xã tôi xin về làm trong nội thành nên chuyện gia đình cũng ổn định hơn. Cứ tưởng thế là ổn, cho tới ngày chúng tôi phát hiện mẹ chồng cứ lẫn dần. Bà lúc nhớ lúc quên, có khi chuyện sinh hoạt cá nhân cũng chẳng tự chủ được. Dù công việc bận rộn nhưng trưa nào vợ chồng tôi cũng tranh thủ tạt nhanh về nhà để lo cơm nước cho ông bà.
Thực sự, tới thời điểm này, tôi thấy mình hoàn toàn cạn kiệt sức lực. Bận rộn ở cơ quan 9-10 tiếng đồng hồ, về tới nhà lại bận rộn đủ thứ chuyện, nào là thuốc thang của ông bà, nào cơm nước, nào con cái… - nhất là khi một đứa mới chập chững vào lớp 1. Chuyện thức tới 1-2h sáng để lau nhà, giặt quần áo là “cơm bữa” đối với tôi. Tôi từng nhiều lần đề nghị chồng thuyết phục bố mẹ để thuê giúp việc nhưng anh ấy gạt phăng. Anh cho rằng tự tay chăm sóc cha mẹ mới là báo hiếu, ông bà cũng chẳng còn ở bên con cháu được bao lâu nữa.
Tôi biết rõ mình không thể chu toàn chuyện chăm sóc sức khoẻ, đời sống cho bố mẹ chồng nếu cứ phải gồng mình thế này. Chồng tôi nói bố mẹ của anh cũng chẳng sống được bao lâu, nhưng bao lâu thì ai biết? 5 năm, 10 năm, tôi có đủ sức để gồng lên nữa không?
Tôi nghĩ chuyện đưa bố mẹ vào nhà dưỡng lão là rất bình thường. Ở đó, y tá, điều dưỡng… có chuyên môn và biết rõ làm gì là tốt nhất cho ông bà. Tôi cũng có nhiều thời gian để chăm sóc con cái - là cháu đích tôn của ông bà hơn. Cuối tuần, tôi sẽ đưa các con vào thăm ông bà. Hoặc khi thu xếp được công việc, tôi lại đón ông bà về thăm các cháu. Như thế chẳng quá hợp lý hay sao?
Nhưng chỉ vừa mới nói ra, ông xã lại đập bàn và quát tôi là “con dâu bất hiếu” và đòi ly hôn nếu tôi còn giữ ý kiến này. Các cô chú bên chồng cũng liên tục nhắn tin, gọi điện chỉ trích tôi “quá đáng”, “ích kỷ”, “chỉ biết nghĩ cho mình”, “bất hiếu với những người đã sinh ra và nuôi nấng chồng nên người”… Sao không ai nghĩ rằng, tôi lựa chọn nhà dưỡng lão tốt cho bố mẹ cũng là cách báo hiếu thật tâm? Xin mọi người hãy cho tôi lời khuyên!
Theo Vietnamnet