Trẻ bị bố mẹ la mắng và trẻ không bị mắng lớn lên có sự khác biệt rõ ràng: Bạo lực ngôn ngữ rất khủng khiếp, bố mẹ phải thay đổi cách dạy con ngay.
Trẻ hay bị la mắng thường hay cáu kỉnh, lớn tiếng cãi lại bố mẹ
Khi trẻ bị bố mẹ giáo dục theo kiểu bạo lực lời nói như thế này trong thời gian dài, chúng sẽ dần hình thành tính cách cáu kỉnh.
Trẻ sẽ tin rằng, cách giải quyết vấn đề chính là cách mà bố mẹ đang đối xử với mình. Điều này sẽ khiến trẻ khó hòa đồng với người khác và gặp khó khăn trong việc tương tác với mọi người sau này.
Khi trẻ bị bố mẹ giáo dục theo kiểu bạo lực lời nói như thế này trong thời gian dài, chúng sẽ dần hình thành tính cách cáu kỉnh. Ảnh minh hoạ
Trẻ thường xuyên bị cha mẹ la mắng hay cảm thấy bất an
Đối với con cái, cha mẹ là những người thân thiết nhất. Mỗi đứa trẻ dù lớn đến đâu cũng muốn nhận được sự khẳng định từ cha mẹ. Những lời mắng mỏ, khiển trách nặng nề của cha mẹ luôn có tác động tiêu cực đến con trẻ.
Một hai lần thì sẽ không gây ra hệ quả gì lớn, nhưng khi não bộ của trẻ tiếp nhận chúng trong thời gian dài, sức mạnh tinh thần của trẻ sẽ dần suy yếu. Có những lúc cha mẹ la mắng để trút bỏ nỗi lo trong lòng, quả thật họ rất lo lắng cho con, nhưng những gì họ nói không phải là lời khuyên dạy mà là "nhát dao" khiến trẻ thêm tổn thương.
Ban đầu lý do bị la mắng có thể là do trẻ mắc lỗi, khi này có thể trẻ sẽ sợ và không dám tái phạm. Tuy nhiên nếu hành động la mắng lặp lại nhiều lần, trẻ sẽ không những không thể sửa chữa mà còn cảm thấy đặc biệt kém cỏi.
Lâu dần sẽ hình thành một phản xạ: khi bị cha mẹ la mắng, trẻ sẽ tự hỏi liệu mình đã làm gì sai điều gì hay mình chưa ngoan nên mới bị mắng. Những đứa trẻ như vậy luôn cảm thấy bất an, không dám lên tiếng, nói ra nhu cầu của mình. Chúng sẽ ngày càng thiếu tự tin, ngại bày tỏ, ngại phản bác và âm thầm chịu đựng những bất bình.
Theo Giáo sư Stapen của Hiệp hội Giáo dục Anh quốc, quát mắng trẻ, đặc biệt là khiển trách lặp đi lặp lại, trẻ sẽ bị tổn thương nghiêm trọng hơn là bị đánh đòn.
Những đứa trẻ trưởng thành trong sự quát nạt của gia đình sẽ không tin tưởng vào người khác và không đề cao bản thân mình. Nếu sự việc cứ tiếp diễn như vậy, trẻ sẽ gặp các vấn đề tâm lý, nghiêm trọng hơn có thể dẫn tới tự kỷ.
Trẻ hay bị la mắng sẽ có lòng tự trọng thấp, hèn nhát, hay bỏ cuộc vì sợ khó, sợ khổ
Năm 1967, nhà tâm lý học người Mỹ Martin Seligman đã đề xuất một thuyết tâm lý về sự bất lực. Nếu một người thường phải chịu đòn roi, la mắng trong quá khứ thì sau này sẽ dễ xuất hiện trạng thái tâm lý tuyệt vọng, bất lực.
Ví dụ, những đứa trẻ thường hay bị bố mẹ la mắng lâu ngày sẽ dần trở nên tự ti, không muốn bày tỏ ý kiến của mình, dần dần trở nên hèn nhát. Đặc biệt, trong tiềm thức của chúng sẽ chọn cách trốn tránh khó khăn hay những xung đột trong quan hệ tương tác với mọi người.
Những đứa trẻ thường hay bị bố mẹ la mắng lâu ngày sẽ dần trở nên tự ti, không muốn bày tỏ ý kiến của mình. Ảnh minh hoạ
Trẻ bị cha mẹ mắng thường xuyên sẽ dễ phạm sai lầm hơn khi lớn lên
Trong hầu hết các trường hợp, cha mẹ la mắng con vì con cái thực sự đã phạm sai lầm. Lúc này, mục đích của cha mẹ là làm cho con nhận ra lỗi và ngừng tái phạm.
Song khi tần suất mắng mỏ, chỉ trích càng tăng thì tần suất phạm lỗi của trẻ cũng vậy. Bởi vì khi cha mẹ mắng con bằng những lời lẽ tiêu cực, thậm chí xấu xa, tâm trí của đứa trẻ sẽ không sửa chữa lỗi lầm, mà chỉ cảm thấy buồn tủi, thất vọng.
Về cơ bản, những cảm xúc này sẽ khiến lòng tự trọng của trẻ bị tổn thương, từ đó sinh ra tâm lí phản nghịch, bất mãn. Trẻ sẽ càng không hiểu lý do tại sao mình bị la mắng và không nhận sai. Hệ quả của điều này có thể vô cùng khi đứa trẻ lớn lên.
Trẻ hay bị la mắng sẽ thích nịnh nọt, không dám làm mất lòng người khác
Bố mẹ thường xuyên la mắng con cái sẽ khiến chúng trở nên sợ hãi với mọi thứ. Một số đứa trẻ vì để làm hài lòng bố mẹ mà chọn cách im lặng chịu đựng sự la mắng vô lý. Điều này sẽ khiến trẻ hình thành tâm lý quá quan tâm tới thái độ của người khác, không dám từ chối.
Tính cách này thực chất là do trẻ có lòng tự trọng thấp, nó sẽ khiến trẻ sau này rất mệt mỏi khi suốt ngày phải quan tâm tới việc người ta đánh giá về mình.
Trẻ hay bị la mắng sẽ thiếu tự tin, hay sợ hãi
Bạn có để ý rằng, mỗi khi la mắng trẻ, cơ thể của chúng sẽ co lại, điều đó có nghĩa là trẻ đang rất sợ hãi. Việc la mắng thường xuyên sẽ khiến trẻ dần dần trở nên sợ hãi bố mẹ, kém tự tin, không dám giao tiếp với mọi người.
Theo Tường Vy/Gia Đình Xã Hội