Bật điều hòa ở nhiệt độ quá thấp
Nhiều người có thói quen bật điều hòa ở nhiệt độ quá thấp (dưới 26 độ C) mà không biết điều này không chỉ tiêu tốn lượng lớn điện năng mà còn thể gây ra nhiều vấn đề cho sức khỏe. Sự chênh lệch nhiệt độ lớn giữa trong và ngoài phòng khiến cơ thể không kịp thích nghi, dẫn đến sốc nhiệt, cảm lạnh, đau đầu, chóng mặt.
Điều hòa ở nhiệt độ thấp làm giảm độ ẩm không khí, gây khô da, khô mắt, khô mũi, họng, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp. Người mắc bệnh hen suyễn, viêm xoang, viêm khớp có thể thấy các triệu chứng trở nên trầm trọng hơn trong môi trường quá lạnh. Nhiệt độ lý tưởng để sử dụng điều hòa là từ 25°C đến 28°C.
Thói quen bật điều hòa ở nhiệt độ quá thấp có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe tiềm ẩn. Ảnh: Getty Images
Sử dụng điều hòa liên tục
Sử dụng điều hòa liên tục trong thời gian dài có thể khiến da bị khô, ngứa, bong tróc, dễ nổi mụn. Ngoài ra, việc ở trong môi trường kín với điều hòa quá lâu cũng có thể ảnh hưởng đến hệ miễn dịch, khiến bạn dễ mắc bệnh hơn. Nên tắt điều hòa khi không sử dụng và mở cửa sổ để thông gió cho phòng.
Sử dụng điều hòa khi vừa đi ngoài trời nắng nóng về
Khi ở ngoài trời nắng nóng, cơ thể đã quen với nhiệt độ cao và các mạch máu giãn nở để tỏa nhiệt. Nếu đột ngột bước vào phòng điều hòa lạnh, cơ thể không kịp thích ứng với sự thay đổi nhiệt độ đột ngột này. Hệ thần kinh tự chủ bị rối loạn, không điều chỉnh kịp thời việc co mạch máu để giữ nhiệt, dẫn đến sốc nhiệt.
Sự thay đổi nhiệt độ đột ngột làm suy yếu hệ miễn dịch, khiến cơ thể dễ bị nhiễm lạnh và mắc các bệnh như cảm lạnh, cảm cúm. Khi vừa đi ngoài trời năng về, bạn nên lau khô mồ hôi, thay quần áo thoáng mát và nghỉ ngơi ở nơi thoáng máy khoảng 15-20 phút cho cơ thể hạ nhiệt trước khi sử dụng điều hòa.
Hướng gió điều hòa trực tiếp vào người
Gió điều hòa lạnh và khô làm mất đi độ ẩm tự nhiên của da và niêm mạc, gây khô da, nứt nẻ, ngứa ngáy, khô mắt, khô mũi, khô họng. Tình trạng này có thể dẫn đến viêm da, viêm kết mạc, viêm mũi, viêm họng. Đối với người bị viêm xoang, gió lạnh có thể kích thích niêm mạc xoang, làm tăng tiết dịch nhầy, gây nghẹt mũi, đau nhức vùng trán, má.
Không nên hướng gió điều hòa trực tiếp vào người. Ảnh: Shutter Stock
Gió lạnh từ điều hòa thổi trực tiếp vào cơ thể, đặc biệt là vùng cổ, vai gáy, có thể gây co cứng cơ, giảm lưu thông máu, dẫn đến đau nhức, tê bì. Người già, người có tiền sử bệnh xương khớp sẽ dễ bị ảnh hưởng hơn. Vì vậy, khi sử dụng điều hòa nên hướng gió lên cao hoặc sang hai bên, tránh thổi trực tiếp vào người.
Sử dụng điều hòa trong phòng kín
Phòng kín không có sự lưu thông không khí khiến lượng oxy giảm dần, trong khi đó khí CO2 do con người thở ra lại tăng lên. Vì vậy sử dụng điều hòa trong phòng kín dễ gây cảm giác ngột ngạt, khó thở, mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt.
Ngoài ra, phòng kín là môi trường lý tưởng cho vi khuẩn, virus và các tác nhân gây bệnh khác sinh sôi và lây lan. Khi sử dụng điều hòa, không khí được tuần hoàn liên tục trong phòng, khiến các tác nhân gây bệnh dễ dàng lây lan từ người này sang người khác. Khi sử dụng điều hòa, nên mở cửa sổ một khe nhỏ để tạo sự lưu thông không khí trong phòng.
Không vệ sinh điều hòa định kỳ
Điều hòa không được vệ sinh thường xuyên sẽ là nơi tích tụ bụi bẩn, nấm mốc, vi khuẩn. Khi hoạt động, điều hòa sẽ thổi các tác nhân gây hại này vào không khí, gây ra các bệnh về đường hô hấp như viêm mũi dị ứng, hen suyễn, viêm phế quản.
Bụi bẩn, lông động vật bám trên dàn lạnh điều hòa có thể gây dị ứng cho người nhạy cảm, đặc biệt là trẻ em và người già. Vì vậy, bạn nên vệ sinh lưới lọc bụi của điều hòa 2 tuần/lần hoặc 1 tháng/lần tùy vào mức độ sử dụng và môi trường. Nên thực hiện bảo dưỡng toàn bộ 6 tháng/lần hoặc 1 năm/lần bởi kỹ thuật viên chuyên nghiệp.
Theo CTV Thu Phương/VOV