Các bác sĩ Bệnh Viện Sản Nhi Tỉnh Phú Thọ cho biết, sốc nhiệt có thể gây tổn thương đến hệ thần kinh trung ương và các mô khác của cơ thể, đây là một tình trạng cấp cứu cần xử trí nhanh và kịp thời nếu không có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.
Dấu hiệu nhận biết trẻ bị sốc nhiệt
- Triệu chứng sốc nhiệt thường gặp là nhức đầu, vã nhiều mồ hôi, mặt đỏ gay, lừ đừ, mệt, khó thở, có khi chuột rút, đau bụng, nôn mửa, người bứt rứt.
- Nếu không được cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tình trạng hoa mắt, chóng mặt, sốt cao 40 độ C đến 41 độ C, mạch nhanh, sắc mặt chuyển qua tái nhợt.
- Khi bị nặng sẽ rơi vào ngất xỉu, mê sảng, co giật, hôn mê, trụy mạch và dễ tử vong.
Nắng nóng, cẩn trọng nguy cơ sốc nhiệt khi dùng điều hòa ở trẻ nhỏ
Cần làm gì khi trẻ bị sốc nhiệt?
- Đưa trẻ nằm nghỉ ở nơi thoáng mát.
- Nới rộng quần áo hoặc cởi bỏ bớt, quạt cho trẻ.
- Dùng khăn tẩm nước mát lạnh, đắp vùng trán, gáy, nách, lau khắp người để làm hạ thân nhiệt, có thể kèm quạt mát để thoát nhiệt, tản nhiệt dễ dàng hơn. Theo dõi cho đến khi thân nhiệt hạ xuống dưới 38 độ C.
- Cho uống nhiều nước để bù các chất điện giải, như: nước chín, nước lọc, nước Oresol.
Tránh nguy cơ sốc nhiệt ở trẻ khi dùng điều hòa các gia đình nên:
- Duy trì nhiệt độ phòng hợp lý, các bậc phụ huynh chú ý nhiệt độ phòng không nên quá chênh lệch so với nhiệt độ bên ngoài. Nhiệt độ lý tưởng trong phòng cho trẻ thường là 26-32 độ C.
- Điều hòa cũng nên được bố trí ở vị trí cao, điều chỉnh luồng gió đều, không để chế độ chạy thẳng một góc trực tiếp hướng về phía của trẻ..
- Các bậc phụ huynh nên mở cửa trước đó 3 phút (hoặc tắt máy lạnh), cho con vui chơi ở gần đó và quen dần với luồng không khí nóng bên ngoài mới để con ra hẳn khỏi phòng.
- Khi trẻ mới ở ngoài về, cha mẹ nên lau sạch mồ hôi và để trẻ nghỉ ngơi khoảng 3 phút ở nhiệt độ phòng trước khi bật điều hòa.
Thúy Nga