Dùng tiêu sợi huyết cứu bệnh nhân kẹt van tim nhân tạo

Google News

Kẹt van tim nhân tạo cơ học do huyết khối là một biến chứng nguy hiểm sau phẫu thuật thay van tim, có tỷ lệ tử vong 50%.

Ca bệnh chưa có tiền lệ, hiếm gặp
Mới đây, các bác sĩ khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh lần đầu tiên ứng dụng thành công phương pháp tiêu sợi huyết liều thấp cho bệnh nhân từng mổ thay van tim, bị huyết khối gây kẹt van nhân tạo cơ học, giúp sửa chữa lại lá van bị tắc nghẽn, hồi sinh lại nhịp đập khỏe mạnh cho trái tim.
Bệnh nhân là bà Trần Thị O. (63 tuổi) ở phường Hà Lầm, TP Hạ Long. Theo gia đình cho biết, bà O. từng mắc bệnh lý van tim và được phẫu thuật thay van nhân tạo cơ học từ năm 2019.
Sức khỏe của bà hồi phục tốt sau thay van tim, tuy nhiên trước vào viện vài ngày, bà O. ở nhà đột ngột khó thở nhiều, tím môi, phù hai chân dưới, được đưa vào cấp cứu. Qua khai thác tiền sử, người bệnh cho biết khoảng một năm nay không tái khám định kỳ, thuốc chống đông sử dụng không thường xuyên.
Các bác sĩ thăm khám nghe tiếng van cơ học mờ, kết quả xét nghiệm liều chống đông không đạt, siêu âm tim cấp cứu phát hiện cánh van hai lá cơ học di động kém. Bệnh nhân được chẩn đoán kẹt cấp van hai lá cơ học trên nền bệnh nhân phẫu thuật thay van tim.
Dung tieu soi huyet cuu benh nhan ket van tim nhan tao
Van hai lá cơ học qua hình ảnh mô phỏng.
Đây là ca bệnh hiếm gặp ngay cả với tuyến trung ương, các bác sĩ khoa Tim mạch đã hội chẩn kỹ lưỡng để cân nhắc phương án điều trị tối ưu cho người bệnh. Đánh giá việc phẫu thuật cấp cứu không khả thi do tuổi cao sức yếu, bệnh nhân mới mổ tim hơn 4 năm, xương ức yếu, các nguy cơ trong cuộc mổ rất cao.
Trước tình trạng kẹt van tim cấp tính phải xử trí gấp, các bác sĩ quyết định lần đầu tiên sử dụng phác đồ tiêu sợi huyết liều thấp. Sau truyền thuốc tiêu sợi huyết 6 giờ, tình trạng lâm sàng bệnh nhân cải thiện tích cực, người bệnh đỡ khó thở, dần tự thở không cần máy trợ thở. Siêu âm tim kiểm tra thấy van hoạt động bình thường trở lại. Sau 1 tuần điều trị, kết quả xét nghiệm đạt liều chống đông, bệnh nhân ổn định được ra viện.
ThS.BS Ngô Văn Tuấn, Phó phụ trách khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Đây là ca đầu tiên bệnh viện áp dụng phương pháp tiêu sợi huyết để cứu bệnh nhân kẹt van tim. Dù chưa từng gặp trường hợp nào trước đó, song với những kiến thức chuyên môn đã được tiếp thu, trau dồi từ các đợt đào tạo, chuyển giao kỹ thuật tim mạch tuyến trung ương, chúng tôi đã nghĩ ngay đến bệnh nhân O. bị huyết khối gây kẹt van tim nhân tạo cơ học.
Từ bệnh cảnh lâm sàng của bệnh nhân không thăm khám định kỳ trong gần một năm, cùng với đó là việc dùng thuốc chống đông không đều đặn, liều dùng không đạt đích điều trị nên nguy cơ hình hình huyết khối cao. Một ca bệnh chưa từng có tiền lệ trước đó nên chúng tôi hội chẩn kỹ lưỡng, cẩn trọng tính toán liều tiêu sợi huyết an toàn, hạn chế cho người bệnh, giúp bệnh nhân hồi phục tốt, đặc biệt là tránh được cuộc mổ lại nặng nề, giảm bớt gánh nặng chi phí điều trị cho người bệnh”.
Nở nụ cười trên giường bệnh, bà O. tâm sự: “Vì chủ quan lâu nay không đi khám, uống thuốc lại không đều nên mới lâm vào tình cảnh nguy kịch. May mắn được các bác sĩ khoa Tim mạch của Bệnh viện tỉnh cứu chữa kịp thời bằng phương pháp nhẹ nhàng ngay tại chỗ không phải đi xa, chứ nếu phải phẫu thuật lần nữa thì có lẽ tôi đành buông xuôi số phận, một phần vì sức khỏe yếu, hơn nữa gia đình tôi cũng rất khó khăn”.
Dung tieu soi huyet cuu benh nhan ket van tim nhan tao-Hinh-2
Bác sĩ Ngô Văn Tuấn, Phó phụ trách khoa Tim mạch thăm khám lại cho bệnh nhân bị kẹt van tim nhân tạo do huyết khối.
50% ca tử vong do kẹt van cơ học khi xét nghiệm tử thi
ThS.BS Ngô Văn Tuấn cảnh báo, trong những năm gần đây, mổ thay van tim là kỹ thuật phổ biến và hiệu quả nhất để sửa chữa những lá van bị hỏng, giúp cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống của nhiều người bệnh. Nhờ những tiến bộ về kỹ thuật mổ cũng như theo dõi, hồi sức trong và sau mổ đã giúp các cuộc phẫu thuật thay van tim ngày càng trở nên thường quy và an toàn hơn với người bệnh.
Tuy nhiên vẫn có những bệnh nhân gặp phải biến cố muộn sau phẫu thuật, trong đó huyết khối van tim nhân tạo là một trong những biến chứng nặng nề và nguy cơ tử vong cận kề nếu không được cấp cứu kịp thời. Nguyên nhân phần lớn của tình trạng này việc không tuân thủ sử dụng thuốc đông và tái khám định kỳ.
Tắc nghẽn van tim cơ học do cục máu đông là mối hiểm họa lớn nhất cho các bệnh nhân phải thay van tim nhân tạo. Bệnh nhân có thể tử vong nhanh chóng nếu như cục máu đông bít tắc hoàn toàn khiến máu không lưu thông được.
Trước đây, khi chưa phát triển kỹ thuật chẩn đoán, có tới 50% ca tử vong do kẹt van cơ học chỉ được phát hiện nguyên nhân khi xét nghiệm tử thi. Do vậy, việc phát hiện sớm kẹt van tim và điều trị chuẩn xác có ý nghĩa sống còn với người bệnh.

Ca bệnh của bệnh nhân O. được điều trị thành công đã khẳng định trình độ chuyên môn vững vàng, năng lực nhạy bén của đội ngũ bác sĩ khoa Tim mạch của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh trong việc xử trí các biến cố tim mạch nguy hiểm, sẵn sàng cứu chữa những ca bệnh nặng nhất trong lĩnh vực tim mạch.


Thúy Nga