Đó là những chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Sinh Hiền, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội khi nói về phẫu thuật tim hở ít xâm lấn. Tại Bệnh viện Tim Hà Nội, số ca mổ tim ít xâm lấn chiếm khoảng 30%. Đến nay, gần như tất cả loại bệnh đều có thể mổ ít xâm lấn, từ trẻ con đến người lớn.
"Phẫu thuật tim ít xâm lấn là xu thế tất yếu của thế giới. Vì thế, vì lợi ích của người bệnh, cập nhật với các trung tâm phẫu thuật hiện đại trên thế giới cũng như vì tương lai không bị thất nghiệp (không mổ ít xâm lấn thì không có bệnh nhân đến), trong nhiều năm qua, bệnh viện đã áp dụng kỹ thuật này cho nhiều bệnh lý", PGS Hiền cười nói.
"Từ 10 năm trước, tóc tôi đã bạc cả đầu, mới đầu tôi còn chịu khó nhuộm đen nhưng sau thì kệ. Vào viện rồi mới thấy bạc, xấu, đẹp, công danh, sự nghiệp, tiền tài chả là gì", chị Xuân (Hà Nội, tên nhân vật đã được thay đổi) tâm sự.
Ở tuổi 54, chị được chỉ định thay van tim gấp vì suy tim nặng. Năm 30 tuổi, chị bị hẹp van tim nhẹ đã được mổ nong van tim. Sau một thời gian uống thuốc, bệnh ổn định nên dần dần, chị cũng quên mất bản thân có tiền sử mắc bệnh tim cho đến những ngày giáp Tết vừa qua thấy người rất mệt.
Đi khám ở 2 bệnh viện lớn trên địa bàn Hà Nội, chị bất ngờ khi được chẩn đoán bị suy tim nặng, phải mổ thay van tim gấp, trong tim có nhiều cục máu đông.
Tại Bệnh viện Tim Hà Nội, chị được chỉ định nhập viện, làm các xét nghiệm cần thiết để chuẩn bị mổ. Thế nhưng, ca mổ của chị bị hoãn đến 2 lần vì chị bị viêm nhiễm, nếu mổ sẽ nguy hiểm. Thậm chí, ngay cả khi đã xếp được lịch mổ, ca mổ của chị vẫn không thể diễn ra như dự tính chỉ vì một ngày trước mổ chị tự uống thuốc chống đông.
Cũng vì thế, chị bỗng dưng nổi tiếng toàn bệnh viện, một "bà" tóc bạc tự uống thuốc chống đông trước khi mổ. Dù quyết tâm mổ là thế nhưng chị vẫn sợ mình có thể không tỉnh lại nên viết sẵn di chúc để lại. Cuối cùng, ca phẫu thuật diễn ra tốt đẹp, chị được đẩy lên phòng mổ lúc 12h10 đến 19h thì tỉnh. Sau đó hơn một tuần, chị được ra viện kịp đón Tết bên người thân.
"Mùng 6 Tết, cơ quan tổ chức buổi gặp mặt đầu năm, con trai cũng chở tôi đến chơi. Nhìn thấy tôi, mọi người đều rất bất ngờ, không ai nghĩ tôi hồi phục nhanh thế. Khi biết tôi viết di chúc để lại, cả cơ quan ai cũng hoảng", chị Xuân cười kể lại.
PGS.TS Nguyễn Sinh Hiền cho biết, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng suy tim, hẹp hở van 2 lá nặng, cần phải mổ gấp. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ quyết định thay van 2 lá và sửa van 3 lá. Bệnh nhân được mổ nội soi thay 1 van tim và sửa 1 van tim, phẫu thuật tim ít xâm lấn.
"Trong mổ, chúng tôi phát hiện rất nhiều cục máu đông cũ và mới tại nhĩ trái. Van tim vôi hóa nhiều, hẹp và hở nặng. Trường hợp này rất dễ bị tai biến do cục máu đông có thể bung ra, theo dòng máu gây bít tắc các mạch não, mạch vành, mạch tạng, chi có thể gây nguy hiểm tính mạng", PGS Hiền phân tích.
Các bác sĩ đã lấy hết cục máu đông, cắt van tim hỏng thay bằng van tim nhân tạo, sửa kín van 3 lá bị hở. Toàn bộ quá trình này được tiến hành dưới màn hình nội soi 3D.
Phẫu thuật tim ít xâm lấn được định nghĩa là tất cả các phẫu thuật tim hở thông qua các đường mở nhỏ không phải cưa toàn bộ xương ức. Phẫu thuật tim ít xâm lấn được chia thành nhiều cấp độ, trong đó gồm phẫu thuật không sử dụng nội soi, nội soi hỗ trợ hoặc nội soi toàn bộ. Tuần hoàn ngoài cơ thể có thể được thiết lập trung tâm ở ngực hoặc ngoại biên hoặc không sử dụng.
Theo PGS Hiền, phương pháp mổ tim ít xâm lấn là xu hướng phát triển của y khoa trên thế giới cũng như tại nước ta. Trước đây, trong phương pháp mổ mở, mổ kinh điển, bác sĩ phải xẻ dọc xương ức với một đường mổ lớn, đôi khi để lại hậu quả nặng nề như biến dạng lồng ngực, viêm xương ức dẫn đến tử vong.
"Ngày nay rất nhiều bệnh tim có thể phẫu thuật ít xâm lấn nhờ nội soi. Chúng tôi có thể phẫu thuật thay van tim, 2 lá, van động mạch chủ, sửa các van tim, đốt rung nhĩ. Rất nhiều bệnh lý tim bẩm sinh cũng có thể mổ nội soi, phẫu thuật ít xâm lấn, không cần chẻ xương ức của bệnh nhân mà đi qua khoang liên sườn", PGS Hiền nói.
Kỹ thuật này có rất nhiều ưu điểm như đường mổ nhỏ, đảm bảo thẩm mỹ, giảm đau đớn, giảm biến chứng cho bệnh nhân, đặc biệt tránh được tổn thương xương ức, nhất là với người già. Ở người già, xương ức bị mất chất vôi, rất mềm, khi bị tổn thương sẽ khó liền, dễ bị viêm, nhiễm trùng, phải điều trị dài ngày, thậm chí tăng tỷ lệ tử vong cho người bệnh.
Sau mổ, bệnh nhân hồi phục nhanh, sau một tuần có thể xuất viện. Với phương pháp mổ cũ, bệnh nhân cần nằm viện 2-3 tuần.
"Khi phẫu thuật tim ít xâm lấn, bác sĩ phải mổ rất cẩn thận, không được sai sót, không được có động tác thừa vì sai sót nhỏ mà lớn thì có thể trả giá bằng cả tính mạng người bệnh. Các kỹ thuật này của Việt Nam đạt trình độ ngang tầm thế giới, chúng ta không thua kém bất kỳ nước nào trong lĩnh vực phẫu thuật tim ít xâm lấn", PGS Hiền nhấn mạnh.
Với công nghệ mổ ít xâm lấn, ở các nước phát triển chi phí cho một ca điều trị rất cao. Công nghệ đó phải dùng những dụng cụ đặc biệt. Tuy nhiên, ở Việt Nam, do điều kiện không cho phép về kinh phí của người bệnh nên chúng tôi đã có những cải tiến, dùng các dụng cụ tự chế.
Những dụng cụ này vừa với kích thước người Việt Nam, vừa theo đúng tính năng sử dụng lại không tốn kém như những thiết bị nhập từ nước ngoài.
Bên cạnh đó, Bệnh viện Tim Hà Nội cũng đã nghiên cứu một số phương pháp sửa chữa van tim cho người bệnh, không phải thay van tim tối ưu việc bảo toàn van tim cho người bệnh. Khi van tim sửa chữa tốt, sau mổ người bệnh sẽ không phải dùng thuốc chống đông, nhờ đó tăng chất lượng cuộc sống, giảm nguy cơ biến chứng khi mổ.
"Mới đầu, ai đi ô tô cũng thấy ngại, sợ sai làn, sai tốc độ… nhưng khi đã đi được ô tô thì chỉ thích đi ô tô. Mổ tim ít xâm lấn cũng thế lâu dần cũng thấy "nghiện", bệnh nhân cũng đỡ đau rất nhiều, sẹo mổ đẹp, nguy cơ biến chứng ít.
Vì lợi ích của người bệnh, cập nhật với các trung tâm phẫu thuật hiện đại trên thế giới, nếu không mổ ít xâm lấn thì người bệnh không đến với mình nên trong nhiều năm qua chúng tôi đã từng bước áp dụng phẫu thuật tim ít xâm lấn", PGS Hiền chia sẻ.
Theo ông, trên thế giới, kỹ thuật mổ tim ít xâm lấn xuất phát từ châu Âu, Mỹ nhưng không phải tất cả các trung tâm đều mổ tim ít xâm lấn. Ngược lại, Bệnh viện Tim Hà Nội tiếp nhận nhiều đoàn nước ngoài, thậm chí từ cả các nước châu Âu như Pháp, Đức… sang giao lưu học hỏi.
Ông luôn tâm niệm người bệnh cũng chính là người thầy của mình vì việc chữa trị bệnh nhân giúp bác sĩ đúc rút kinh nghiệm và giỏi nghề. Có rất nhiều điều trong sách vở, trong lý thuyết không có mà chúng tôi phải học qua người bệnh.
Mỗi người chỉ có 1
quả tim, khi quả tim ngừng đập thì cơ thể sẽ chết. Vì thế, phẫu thuật tim rất đặc thù, bác sĩ phải tranh thủ tối đa thời gian nếu không bệnh nhân sẽ nhanh chóng tử vong.
"Trong khi phẫu thuật các bộ phận khác, bác sĩ có thể ngừng lại hội chuẩn với đồng nghiệp 5-10 phút, nhưng đối với tim mạch, khi dùng thuốc cho tim ngừng đập để thao tác thì cần tận dụng từng phút từng giây và thao tác đòi hỏi độ chính xác cao vì khi làm sai thì không có cơ hội sửa chữa", PGS Hiền nói.
PGS Hiền cho biết thêm, ông thấy hạnh phúc khi chữa lành các trái tim tổn thương. Vì thế, còn khỏe mạnh thì ông còn cống hiến để tiếp tục hành trình "vá" những trái tim bị lỗi nhịp.
Theo Nam Phương/Dân trí