Những ngày cao điểm dịch sốt xuất huyết như hiện nay, chỉ cần phát hiện có nốt đỏ do muỗi cắn trên da, bất cứ ai cũng lo ngay ngáy. Nhiều người để bớt lo lắng đã dùng xà phòng rửa lên vết muỗi đốt hoặc thoa dầu gió lên trên da nhằm đề phòng virus đi vào cơ thể.
Mấy hôm trước, khi phát hiện cháu nội xuất hiện nốt đỏ nghi do muỗi cắn ở cổ tay, cô Hồng Liên (Hà Nội) đã giục con gái rửa xà phòng lên vết cắn để phòng mắc sốt xuất huyền. “Sốt xuất huyết người lớn còn mệt không chịu được. Làm đủ mọi cách, chỉ mong cháu không mắc phải bệnh này”, cô Liên chia sẻ.
Cô Liên hi vọng việc dùng xà phòng sẽ có hiệu quả và khi có ai trong gia đình bị muỗi cắn, cô Liên cũng làm như vậy.
|
Ai cũng lo lắng khi phát hiện mình bị muỗi đốt. Ảnh minh họa. |
Không chỉ thoa kem, nhiều mẹ còn mách nhau bôi dầu tràm, thậm chí rửa nốt đỏ bằng sữa tắm ngay khi phát hiện con bị muỗi đốt.
Chị Nguyễn Thị Hương (Khu đô thị Trung Hòa, Nhân Chính, Hà Nội) đã chi hàng trăm ngàn đồng mua nhiều loại kem, xà phòng dành riêng cho trẻ em nhằm “trị muỗi cắn”.
“Thấy chủ shop online nói kem xuất xứ Mỹ, có thể trị muỗi cắn rất tốt nên tôi mua ngay. Thời điểm này, tôi không tiếc chi tiền mua các sản phẩm trị muỗi cho cả nhà”, chị Hương cho biết.
Để tránh bị muỗi đốt, chị Hương không dám sang hàng xóm chơi. Theo chị, muỗi rất thích cắn người “lạ hơi” đến chơi. Chẳng may con muỗi đó có vi rút sốt xuất huyết thì sẽ mắc bệnh một cách “họa vô đơn chí”.
Rửa bằng xà phòng không có tác dụng
Mặc dù mọi người tìm cách xử lý sau khi muỗi đốt nhưng thực tế là một vết đốt của muỗi có thể khiến người đó bị mắc bệnh sốt xuất huyết nếu như muỗi mang virus gây bệnh.
TS. Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai khẳng định việc bôi kem, dầu hay rửa bằng xà phòng lên nốt muỗi đốt không có tác dụng ngăn chặn vi rút sốt xuất huyết vào người. "Nếu muốn ngăn chặn muỗi đốt thì phải bôi từ trước đó", TS. Cường khẳng định
Tiến sĩ Nguyễn Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai cũng khẳng định:“Khi đốt người bị bệnh, vi rút Dengue sẽ đi vào cơ thể. Trong thời gian ủ bệnh từ 8-10 ngày, vi rút nhân lên trong cơ thể muỗi và khi đã đạt được đủ số lượng vi rút, chúng có khả năng truyền sang rất nhiều người khác trong cộng đồng thông qua việc đốt họ. Khi đó, vi rút Dengue sẽ truyền qua tuyến nước bọt của muỗi vào máu của người bị đốt. Muỗi gây bệnh sốt xuất huyết thường đốt người vào sáng sớm và chiều tối”.
Theo khuyến cáo của các chuyên gia, sốt xuất huyết hiện chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu. Vì thế, cách phòng bệnh sốt xuất huyết tận gốc, hữu hiệu nhất là phòng bị muỗi đốt và không tạo môi trường cho muỗi Aedes đẻ trứng, phát triển thành bọ gậy, nở thành đàn muỗi và bay đi khắp nơi gây bệnh.
Theo Cục Y tế dự phòng, muỗi Aegypti – vật trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết thường sống trong nhà gần người, thường trú đậu nơi có ánh sáng yếu, những nơi đậu ưa thích là mặt dưới của đồ gỗ, quần áo treo, rèm cửa trong phòng ngủ, nhà vệ sinh, phòng tắm và bếp, ít khi đậu trên tường.
Muỗi Aegypti trưởng thành có khả năng bay xung quanh khoảng 50 mét, nhưng cũng có thể bay xa tối đa 200 - 300 mét. Cho nên, muỗi mắc bệnh sốt xuất huyết có thể bay từ nhà nọ sang nhà kia để “bám đuổi con mồi”, hút đến no máu và gây bệnh.
Con muỗi cái trưởng thành tiến hành hút máu lần đầu vào khoảng 48 giờ sau khi nở. Sau khi hút máu người có chứa vi rút sốt xuất huyết, thời kỳ ủ bệnh ở trong muỗi khoảng 10-12 ngày.
“Đây là khoảng thời gian để vi rút nhân lên trong tuyến nước bọt của muỗi. Sau thời kỳ này, muỗi nhiễm vi rút sốt xuất huyết và có thể truyền vi rút cho những người khác khi muỗi đốt.
Mặt khác muỗi Aedes còn có thể truyền vi rút trực tiếp từ người này sang người khác bằng sự thay đổi vật chủ khi bữa ăn máu bị gián đoạn. Chính sự hút máu nhiều lần của muỗi có thể giải thích tính bùng nổ của dịch bệnh”, đại diện Cục Y tế Dự phòng nhấn mạnh.
Theo Thu Hà/Em Đẹp