Theo trang WHO.int, các đánh giá về tác động sức khỏe của chất tạo ngọt nhân tạo aspartame được Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Ủy ban chuyên gia về Phụ gia Thực phẩm (JECFA) của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO) công bố.
Trích dẫn “bằng chứng hạn chế” về khả năng gây ung thư ở người, IARC đã phân loại aspartame là chất có thể gây ung thư cho người thuộc nhóm 2B, trong khi JECFA tái khẳng định lượng tiêu thụ (aspartame) hàng ngày có thể chấp nhận được là 40 mg trên mỗi kg trọng lượng cơ thể.
|
Ảnh minh họa: iStock. |
Được biết, aspartame là một chất làm ngọt (hóa học) nhân tạo được sử dụng rộng rãi trong một số sản phẩm thực phẩm và đồ uống khác nhau từ những năm 1980, bao gồm đồ uống dành cho người ăn kiêng, kẹo cao su, gelatin, kem, các sản phẩm từ sữa như sữa chua, ngũ cốc ăn sáng, kem đánh răng và thuốc ho, kẹo nhai cung cấp vitamin.
"Ung thư là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn cầu. Giới khoa học đang tiếp tục mở rộng để đánh giá các yếu tố khởi phát hoặc tạo điều kiện cho bệnh ung thư, với hy vọng giảm thiểu số người tử vong vì ung thư", Tiến sĩ Francesco Branca, Giám đốc Ban Dinh dưỡng và An toàn Thực phẩm, WHO, cho biết.
“Các đánh giá về aspartame đã chỉ ra rằng, mặc dù tính an toàn không phải là mối quan tâm chính ở liều lượng thường được sử dụng, nhưng các tác động tiềm tàng đã được mô tả cần được điều tra bằng nhiều nghiên cứu hơn", Tiến sĩ nói tiếp.
Hai cơ quan đã tiến hành đánh giá độc lập nhưng bổ sung cho nhau để đánh giá nguy cơ gây ung thư tiềm ẩn và các rủi ro sức khỏe khác liên quan đến việc tiêu thụ aspartame.
IARC phân loại aspartame là chất có thể gây ung thư cho người (Nhóm 2B) trên cơ sở bằng chứng hạn chế về ung thư ở người (cụ thể là ung thư biểu mô tế bào gan, một loại ung thư gan). Cũng có bằng chứng hạn chế về ung thư ở động vật thí nghiệm và bằng chứng hạn chế liên quan đến các cơ chế có thể gây ung thư.
JECFA kết luận rằng dữ liệu được đánh giá cho thấy không có đủ lý do để thay đổi lượng tiêu thụ hàng ngày có thể chấp nhận được (ADI) đã thiết lập trước đó là 0 - 40 mg trên mỗi kg trọng lượng cơ thể đối với aspartame. Do đó, cơ quan tái khẳng định rằng một người tiêu thụ trong giới hạn này mỗi ngày là an toàn.
Phân loại của IARC phản ánh sức mạnh của bằng chứng khoa học về việc liệu một tác nhân có thể gây ung thư ở người hay không, nhưng chúng không phản ánh nguy cơ phát triển ung thư ở mức phơi nhiễm nhất định.
Tiến sĩ Mary Schubauer cho biết: “Những phát hiện về bằng chứng hạn chế về khả năng gây ung thư ở người và động vật, và bằng chứng cơ học hạn chế về cách thức gây ung thư có thể xảy ra, nhấn mạnh sự cần thiết phải nghiên cứu thêm để điều chỉnh hiểu biết của chúng ta về việc liệu việc tiêu thụ aspartame có dẫn tới nguy cơ gây ung thư hay không”, Tiến sĩ Mary Schubauer cho biết.
Các đánh giá của IARC và JECFA về tác động của aspartame dựa trên dữ liệu khoa học được thu thập từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm các bài báo được bình duyệt, các báo cáo của chính phủ và các nghiên cứu được thực hiện cho mục đích quản lý. Các nghiên cứu đã được xem xét bởi các chuyên gia độc lập và cả hai cơ quan đã thực hiện các bước để đảm bảo tính độc lập và độ tin cậy của các đánh giá của họ.
IARC và JECFA sẽ tiếp tục theo dõi bằng chứng mới và khuyến khích các nhóm nghiên cứu độc lập phát triển các nghiên cứu sâu hơn về mối liên hệ tiềm tàng giữa phơi nhiễm aspartame và ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng.
>>> Mời độc giả xem thêm video: 70% bệnh nhân ung thư gan được phát hiện muộn
An An (Theo WHO.int)