Mỗi tối Liang Xuemeng, 29 tuổi, một nhân viên văn phòng ở Bắc Kinh, đều lên mạng để đọc các bài viết mới đăng của Ayawawa, một trong những chuyên gia tư vấn hẹn hò được yêu thích nhất ở Trung Quốc.
"Tôi đã học được rất nhiều từ Ayawawa", Liang nói. "Tôi ước tôi đã theo dõi bài viết của cô ấy trước khi cuộc hôn nhân đầu tiên của tôi thất bại".
Ayawawa là tên trên mạng xã hội của Yang Bingyang, một trong những chuyên gia tư vấn trực tuyến nổi tiếng với việc khai thác những lo lắng của phụ nữ thành thị muốn tìm một người đàn ông để kết hôn.
Quân sư tình yêu thời mạng xã hội
Từng làm người mẫu, Yang là tác giả của 9 quyển sách và là một trong những người Trung Quốc đầu tiên gia nhập cộng đồng Mensa, cộng đồng của những người có chỉ số IQ cao trên thế giới. Cô có 2,8 triệu người theo dõi trên Weibo, mạng xã hội tương tự Twitter, và 1,3 triệu trên WeChat, ứng dụng nhắn tin nơi cô trả lời câu hỏi của độc giả.
"Từ khi còn rất nhỏ, thậm chí trước khi có mối quan hệ đầu tiên, tôi đã có nhiều lời khuyên hữu ích cho những người xung quanh về mối quan hệ của họ", cô Yang nói trong một cuộc phỏng vấn.
|
Ayawawa (giữa) cùng người hâm mộ tại một sự kiện ở Quảng Châu, Trung Quốc năm ngoái. Ảnh: NYT. |
Dù hiện nay ở Trung Quốc, nữ giới ở độ tuổi 20 ít hơn rất nhiều so với nam giới cùng độ tuổi do kết quả của chính sách "một con" và văn hóa trọng nam khinh nữ, nữ giới vẫn phải đối mặt với áp lực rất lớn trong việc lập gia đình. Những phụ nữ tuổi từ 27 trở lên mà chưa có chồng thường bị gọi là "gái ế" với "giá trị" giảm dần trên "thị trường" hẹn hò.
Căng thẳng xung quanh việc tìm kiếm đối tượng phù hợp để kết hôn làm gia tăng đáng kể các sự kiện mai mối cộng đồng, các chương trình hẹn hò có rating cao ngút trên truyền hình và những chuyên gia tư vấn như Ayawawa, những người có thể tư vấn về nghệ thuật hẹn hò và đi đến kết hôn với một người đàn ông.
Những người làm công việc như Ayawaya thường bị chỉ trích là khuyến khích phân biệt giới tính, nhưng họ luôn phản bác lại rằng họ chỉ đơn giản thừa nhận thực tế.
"Thế giới của chúng ta đang bị cướp đi bởi lối suy nghĩ nói sao cho vừa lòng nhau. Tôi bị chỉ trích vì đã nói lên sự thật về sự khác nhau giữa nam và nữ", cô nói.
Ayawawa so sánh quản lý một mối quan hệ giống như làm bài kiểm tra. "Nếu có gì đó không ổn trong kỳ thi, việc của tôi không phải là thay đổi cách thức thi mà là nói cho những người đang theo dõi tôi biết làm thế nào để làm bài thi và đạt điểm số cao trong hoàn cảnh đó".
Phụ nữ không nên chủ động
Liang Xuemeng ước rằng cô ấy đã lưu tâm đến vấn đề này sớm hơn. "Giờ đây tôi đã hiểu được tầm quan trọng của GTCĐP và KCMLC ở một phụ nữ", cô nói. Theo trang WeChat của Ayawawa, "GTCĐP" là chữ viết tắt của "giá trị của đối phương" và "KCMLC" dùng để chỉ "không chắc mình là cha".
Ayawaya giải thích thêm: "GTCĐP ở một người đàn ông được xác định bởi tuổi tác, chiều cao, vẻ ngoài, sự giàu có, chỉ số thông minh, chỉ số cảm xúc, khả năng tình dục và mức độ sẵn sàng bước vào mối quan hệ lâu dài". Trong khi đó, 8 yếu tố cần có GTCĐP ở một phụ nữ là "tuổi tác, vẻ ngoài, chiều cao, kích thước của áo ngực, cân nặng, trình độ học vấn, tính cách và gia cảnh".
|
Tại Trung Quốc, những phụ nữ tuổi từ 27 trở lên mà chưa có chồng thường bị gọi là "gái ế" với "giá trị" giảm dần trên "thị trường" hẹn hò. Ảnh: Ayawaya. |
Đối với thuật ngữ KCMLC, Ayawawa cho biết: "Trong lịch sử tiến hóa của con người, mối lo ngại lớn nhất của một người đàn ông là anh ta không chắc con của bạn đời là con của anh ta". Vì vậy, cô khuyên các độc giả nữ: "Đừng ăn mặc hở hang. Không thường xuyên đăng hình ảnh đang uống bia rượu trong một quán bar. Hãy là một quý cô, ăn nói nhẹ nhàng và khiêm tốn".
Những gợi ý của cô với phụ nữ bao gồm việc để người đàn ông dẫn dắt mối quan hệ. Đừng chủ động gọi điện trong những lần hẹn đầu tiên. Không quan hệ tình dục trong vài tháng đầu mới quen. Trả lời cho một cô gái trẻ xin lời khuyên về người nên nhận lời cầu hôn, Ayawawa khuyên: "Hãy kiềm chế. Hãy khiến anh ta đầu tư nhiều hơn vào bạn. Cả thời gian và tiền bạc".
Cô Liang cho biết lời khuyên của Ayawawa đã giúp cô cứu vãn đời sống tình cảm của mình. Liang đã tìm được "một nửa", đính hôn và chuẩn bị kết hôn.
Nhiều người hâm mộ Ayawawa coi cô là khuôn mẫu của sự thành công mà họ khao khát: hấp dẫn, kết hôn với một người mà theo cô mô tả là người chồng thương vợ, là mẹ của hai con.
Dạy cách đối phó với 'tiểu tam'
Ngược lại, Lu Qi, chuyên gia tư vấn trực tuyến nổi tiếng về quan hệ nam nữ với 26 triệu người theo dõi trên Weibo, rất được tín nhiệm đơn giản vì anh là một người đàn ông độc thân ở độ tuổi 30, người có lẽ biết ngay những gì đàn ông thực sự nghĩ về phụ nữ.
Anh nói rằng những lời khuyên của anh dựa trên những nghiên cứu sâu rộng về khoa học xã hội và tâm lý học. "Trường học ở Trung Quốc không dạy đúng mức về tình yêu và các mối quan hệ", anh Lu nói trong một cuộc phỏng vấn. "Mọi người học hỏi về chuyện đó chủ yếu qua các bộ phim truyền hình".
Khi được hỏi liệu anh thực sự tin rằng có quy tắc trong tình yêu, anh nói: "Tất nhiên, bạn không thể đo lường tình yêu, nhưng có một số quy tắc áp dụng cho mọi mối quan hệ và tương tác xã hội".
Anh đã trích dẫn một số bài giảng được ghi âm mà anh bán trên mạng, về các chủ đề như "dạy cho phụ nữ giải quyết các vấn đề nảy sinh trong một mối quan hệ một cách khoa học; vượt qua cảm xúc còn rơi rớt lại từ một mối quan hệ cũ; chiến đấu với 'tiểu tam'" - cụm từ dùng để chỉ người thứ ba xen vào một mối quan hệ ở Trung Quốc.
|
Lu Qi đang dạy "Phân tích và Thực hành Yêu" tại studio của anh ở Hàng Châu hồi tháng 4. Ảnh: Lu Qi. |
"Đối với phụ nữ mà nói, càng ở lâu bên một người đàn ông thì càng yêu người đàn ông ấy sâu đậm hơn. Nhưng với một người đàn ông, càng ở lâu bên một người phụ nữ, anh ta càng yêu cô ấy ít đi", Lu viết trên Weibo tháng này.
Anh nói anh muốn trao quyền cho phụ nữ bằng cách dạy họ trở thành những người thực tế về những gì họ muốn từ nam giới. "Trong xã hội Trung Quốc truyền thống, phụ nữ có cuộc sống dễ dàng hơn", anh nói.
"Họ không cần phải làm việc chăm chỉ và có sự nghiệp riêng, và tất nhiên, họ thiếu một số quyền cơ bản. Chủ nghĩa nam nữ bình quyền đã khiến cuộc sống phụ nữ trở nên khó khăn hơn chứ không hề dễ dàng hơn. Tôi đang dạy phụ nữ làm thế nào để tiến lên phía trước".
Ý kiến trái chiều
Lu Pin, người sáng lập Feminist Voices, một trang mạng chuyên về các vấn đề phụ nữ, cho biết những lời khuyên mà hai chuyên gia tư vấn trực tuyến nói trên đưa ra cho thấy rõ ràng cách xã hội Trung Quốc thay đổi.
"Cả hai đều khuyên phụ nữ phải vận động nam giới để đạt được những mong muốn vật chất", bà Lu còn nói. "Câu hỏi đặt ra là: Tại sao ở Trung Quốc phụ nữ lại là người lên kế hoạch để tiến đến hôn nhân? Tại sao khi nói đến hôn nhân, phụ nữ luôn là người bán và đàn ông luôn là kẻ mua? Đó là vì phụ nữ không có đủ môi trường để phát triển bản thân".
Bà nói rằng tiến bộ về kinh tế ở Trung Quốc không đi kèm với tiến bộ về quan hệ giới. "Thật đáng buồn khi nền kinh tế ngày càng tạo ra nhiều cơ hội việc làm thì ngày càng có nhiều phụ nữ tin rằng kết hôn vẫn tốt hơn là làm việc chăm chỉ và có một sự nghiệp thành công", bà nói.
Cô Liang nhún vai xem thường những chỉ trích đối với những lời khuyên mà cô cho là đã giúp cô tìm được người chồng mới. Đôi khi người hâm mộ Ayawawa gặp nhau vào cuối tuần để thảo luận cách cải thiện GTCĐP của họ. Chẳng hạn Liang đang cố gắng giảm cân, cải thiện kỹ năng trang điểm và tập làm bánh.
Đối với những cáo buộc cho rằng các chuyên gia tư vấn trực tuyến đang đẩy lùi tiến trình bình đẳng giới, cô nói: "Những khác biệt giữa đàn ông và phụ nữ là bẩm sinh. Tôi nhìn nhận điều này một cách nghiêm túc vì tôi muốn có một cuộc sống tốt đẹp hơn cho bản thân mình chứ không phải tôi muốn biến thế giới trở nên tốt hơn cho phụ nữ".
Theo Quyên Quyên - Đông Phong/Zing/New York Times