Chị Vũ Hải Yến nhân viên văn phòng tại Thanh Xuân, Hà Nội, là một minh chứng cho tác hại của Facebook. Chị Yến cho biết, cơ quan chị ai cũng nghiền facebook. Bản thân chị Yến cũng đắm chìm với nó. Hàng ngày, chị Yến đến cơ quan mở máy tính là phải vào facebook đầu tiên xem có tin nhắn gì không rồi sau đó chị chìm trong nó hàng tiếng đồng hồ không thoát ra được. Giờ làm việc chị ẩn trang facebook nhưng có thông báo mới là chị lại vào xem. Rồi có khi chị tiếp tục chìm đắm trong đó hàng giờ không thoát ra khỏi câu chuyện đang tám.
|
Ảnh minh họa. |
Không chỉ ở cơ quan, buổi tối về nhà vợ chồng chị Yến mỗi người một điện thoại để vào facebook và đến khuya mới đi ngủ được. Không chỉ chìm trong các câu chuyện tám trên hội này hội kia, chị Yến còn nghiền vào facebook để mua sắm trên đó. Vì thế chị thừa nhận mỗi ngày chị dành cho facebook đến 5 tiếng đồng hồ và công việc thực sự không hiệu quả. Chỉ khi nào bị ép nhiều quá chị đành cố tập trung cho công việc nhưng chỉ miễn cưỡng.
Cùng với tâm lý của chị Yến, chị Bùi Oanh nhân viên truyền thông ở Cầu Giấy, Hà Nội cũng tương tự. Chị Oanh kể, cứ bật máy tính, trang web cần đến đó là đăng nhập facebook cá nhân. Buổi tối về nhà bận bịu con cái không xem thông báo nào nên buổi sáng chị phải vào đó xem có ai nhắn tin, thông báo gì không. Sau đó, chị trả lời lại cũng mất hai giờ đầu mỗi buổi sáng.
Chị Oanh thừa nhận việc sử dụng facebook tốn nhiều thời gian làm việc của chị và công việc thực sự không hiệu quả. Có những hôm cuối giờ chiều chị vẫn chưa làm xong việc vì không thể thoát khỏi trang cá nhân của mình. Mỗi khi mất mạng hay bận bịu việc gì, chị Oanh có cảm giác nhớ facebook ghê gớm.
Anh Nguyễn Văn Tùng – Giám đốc Công ty đầu tư Tầm Nhìn có trụ sở tại Cầu Giấy, Hà Nội cho biết để tránh nhân viên co cụm vào facebook mà quên công việc, anh chặn facebook trên máy tính cơ quan. Tuy nhiên, họ vẫn lách đủ kiểu. “Bức tường lửa” ngăn facebook hầu như không có tác dụng khi nhân viên check in bằng điện thoại…
Theo bác sĩ Nguyễn Khắc Dũng – Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương, tại Việt Nam chưa có nghiên cứu về các mạng xã hội ảnh hưởng vào cuộc sống nhưng ở Thái Lan họ nghiên cứu nhiều. Tại Thái Lan việc sử dụng điện thoại di động tràn ngập, phổ cập hơn.
Ứng dụng họ dùng nhiều là Line, một trong những ứng dụng mạng xã hội, và việc này nó như ảnh hưởng của các mạng khác vì các thông tin mở. Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng mạng với các thông tin mở tác hại như truyền thông internet, không có định hướng lâu dần nó sẽ có những lệch lạc vì một cái ảnh hay một tin đồn sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến cộng đồng. Với sự lan truyền của cộng đồng mạng đủ sức gây hệ lụy về tinh thần, ảnh hưởng âm lý cho đối tượng cả trong cuộc và ngoài cuộc.
Một bà mẹ đến tư vấn về tình trạng trầm cảm của con gái tại Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương.
Ở Việt Nam các nghiên cứu về mạng xã hội mọi người mới chỉ tập trung nghiên cứu ảnh hưởng của nó ở phân độ giáo dục. Với việc sử dụng mạng xã hội thời gian dài nó dẫn đến các hành vi xao lãng học tập, xa lánh bạn bè chứ chưa có nghiên cứu về tác hại đến tâm lý, trầm cảm.
"Tuy nhiên, thực tế hiện nay rõ ràng bên cạnh áp lực học hành thì người ta đang bị áp lực liên quan đến mạng xã hội" – bác sĩ Dũng cho biết.
Rất nhiều người đã gọi điện tư vấn các bác sĩ với các triệu chứng đau đầu, mất ngủ kéo dài 3 ngày đến 1 tuần. Triệu chứng này có thể dẫn đến rối loạn tâm thần, rối loạn lo âu, rối loạn tâm thần và rất nhiều người họ thừa nhận ,mất ngủ vì facebook và có thể suy sụp chỉ vì một bình luận trên facebook.
Để khẳng định facebook có thể gây rối loạn tâm thần hay không cần kiểm tra và chẩn đoán nghiện. Nghiện facebook cũng như nghiện ma túy nghiện game, gây cơ chế thèm nhớ trong não.
Bác sĩ Dũng cho biết có những người liên tục uup ảnh từ nhà vệ sinh đến vườn hoa công cộng, có những người họ không thể tập trung làm việc và mất cả buổi sáng vào facebook, họ cảm giác bứt rứt khó chịu khi mất mạng hay để quên điện thoại ở nhà thì đó là chứng nghiện facebook. Thời gian một ngày họ sử dụng facebook từ 2 tiếng trở lên điều đó cảnh báo nguy cơ họ bị nghiện rất cao.
Nghiện facebook trong thời gian dài gây ra các hệ lụy, họ đắm chìm trong facebook họ quên đi các mối quan hệ giao tiếp xã hội, mất ăn, mất ngủ nên cơ thể hay bị ốm, hệ miễn dịch không được tốt.
Khi quá đắm chìm trong cái đó họ cảm thấy lo sợ khi 1 tin của mình không được like, ảnh của mình không được chú ý dẫn đến cảm giác bi quan chán nản hay những câu bình luận ác ý trên mạng có thể khiến họ không muốn ăn uống, làm đẹp, làm việc.
Có những người họ rất quan tâm đến lượt like và bình luận trên mạng nên họ đau đáu làm thế nào để có thể được mọi người chú ý, mọi người like với những “triệu chứng” đó bác sĩ Dũng cảnh báo họ đã nghiện facebook.
Theo Ph. Thúy/Infonet