Vẫn nhớ ngày M. đang điều trị ung thư giai đoạn cuối, tôi đến thăm, M nói với tôi một câu: “Mày hạnh phúc hơn tao gấp ngàn lần vì mày có một gia đình hạnh phúc”. Tôi chứng kiến nỗi đau của M. sau khi tốt nghiệp tiểu học.
Ngày ấy, ba má M. cũng như bao gia đình khác làm nông, thu nhập đủ sống. Rồi ba M. lanh lẹ bắt mối làm ăn – nghề buôn gỗ những năm 90 là nghề hái ra tiền. Tôi chỉ nhớ sau một thời gian ngắn nhà M. phất lên rất nhanh nhờ buôn gỗ. Nhưng bi kịch gia đình M. cũng bắt đầu từ đó. Ba M. trong những cuộc giao dịch làm ăn bắt đầu quen mùi đàn bà bán phấn buôn son rồi dần dà không rút chân ra được. Khi ông giàu, rất nhiều người phụ nữ vây quanh, má M. ghen tuông đến mức gần như phát điên.
|
Những hờn ghen bực tức về người chồng trăng hoa bà đổ hết lên đầu những đứa con. Ảnh minh họa |
Không riêng gì tôi mà cả xóm nhỏ vẫn nhớ những trận chửi con của bà kinh hãi đến mức nào. Rồi bà đi tu. Hằng đêm bà gõ mõ đọc kinh nhưng hễ không vừa ý việc gì thì bà chửi. Tiếng chửi đay nghiến những đứa con đến ai cũng phải ái ngại. Nhưng ba M. vẫn không quan tâm, ông tiếp tục những cuộc truy hoan với những người đàn bà khác và quên cả lối về. Má M. không chịu nổi người chồng ong bướm trăng hoa, dọn nhà ra ở riêng ở một miếng đất rất xa khu dân cư.
Nhớ lần M. dẫn tôi đến thăm bà khi tôi đang học lớp 8. M. vừa bước vào cửa nói vài câu thì đã nghe bà chửi xối xả. Gần như tất cả những hờn ghen bực tức về người chồng trăng hoa bà đổ hết lên đầu những đứa con.
Nhà M. có bốn anh em – hai trai hai gái, M. học giỏi nhất và là đứa nhạy cảm nhất nhưng cuộc đời cũng bi kịch nhất. Sau vì ba mãi đi theo những cuộc tình trăng gió, mẹ không thèm quan tâm đến con cái nên M. nghỉ học giữa chừng vào năm lớp 11. Lúc đó tôi ra thị xã trọ học và không thường xuyên gặp M. Về nghe M. nghỉ học thật sự rất buồn. M. tâm sự buồn tủi: “Tiền đâu đi học hả mày. Giờ phải kiếm ăn từng tháng. Có ai nuôi đâu”.
Thế rồi M. nghỉ học và vào Sài Gòn mưu sinh nhưng thỉnh thoảng gặp mẹ - bà vẫn chửi M. không thương tiếc. Có lần M. gặp tôi giữa Sài Gòn đô hội và khóc, gia đình bạn trai điều tra biết ba tao trăng hoa, ba má tao mỗi người sống một nơi nên cấm anh ấy quen tao. Sau tôi biết M. lặng lẽ rút lui và cắt đứt mối duyên với người con trai ấy.
Rồi M. bị bệnh ung thư khi tôi học năm ba đại học. Má tôi gọi điện báo tin, bởi ngày ấy sinh viên không có điện thoại cầm tay. Tôi xuống thăm, hỡi ôi! Cô bạn ngày xưa xinh đẹp giờ gầy nhom, hốc hác, nhìn thảm thương không thể diễn tả nổi. Gặp nhau, M. mừng lắm và nói mày hãy sống hạnh phúc nhé, tao không sống lâu được đâu.
Hôm đó, má M. từ quê vào chăm nom, vừa gặp tôi bà tiếp tục chửi M. “Mày thấy đó con Th. giờ như thế này mà mày vậy đó”. M. nhìn tôi ngậm ngùi mà không hề oán trách mẹ. Cũng thời điểm đó ba M. bị đột quỵ nặng. Sau bao nhiêu năm theo bao cuộc tình trăng gió đến khi bị bệnh ông trắng tay chẳng còn gì. Gia đình M. tan nát. Tôi nhớ ông mất trước M. vài tháng. Ngày M. mất trời mưa như trút nước. Cơn mưa như khóc cho một người con gái xinh đẹp nhưng có cuộc đời là những năm tháng bi kịch. Má M. mới mất cách đây vài năm sau khi trải qua một cơn bạo bệnh đau đớn.
Rồi cũng xong một kiếp người, nhưng giá như ngày ấy má M. không ghen tuông mù quáng, không đổ bao nhiêu sự đau khổ, ức uất lên những đứa con vô tội thì các chị em M. không đến nỗi cơ cực và cuộc đời M. không dang dở như vậy.
Xã hội hiện đại giờ đây ngoại tình nhiều và li hôn cũng lắm, nhất là ở các đô thị. Và trong các cuộc đàn ông ăn phở, ăn nem quên cơm nhà thì đa phần vợ con chịu nhiều thiệt thòi, vất vả. Có những người phụ nữ đành gạt nước mắt mà tập trung lo cho con cái và quên đi người chồng bội bạc. Nhưng cũng có những người phụ nữ cũng rũ bỏ luôn đứa con của mình để trả thù chồng. Và khi cả cha lẫn mẹ chỉ vì cái tôi ích kỷ, lo cho hạnh phúc riêng thì sẽ có những đứa con bơ vơ lạc lõng giữa dòng đời.
Nguyệt Anh