“Giận chồng có bồ nhí, vợ nhảy cầu Đồng Nai tự tử”. “Giận chồng, vợ lẳng lặng vào phòng ngủ treo cổ tự tử”. “Giận chồng, vợ dẫn hai con nhảy sông tự tử”… Những cái “tít” trên báo bắt đầu bằng chữ “giận chồng” và kết thúc bằng chữ “tự tử” dường như xuất hiện ngày càng dày thì phải.
Từ Bắc chí Nam đều có, chỉ khác phương thức tìm đến cái chết, và số lượng có hoặc không mấy đứa trẻ tội nghiệp phải kết thúc vội vàng kiếp người ngắn ngủi của chúng vì mâu thuẫn của cha mẹ…
|
Ảnh: Internet |
Mấy cái tin ấy thường xuyên đến độ người ta dường như không còn cảm giác quá bàng hoàng, ngay cả nỗi xôn xao vừa thương vừa giận cũng chẳng ầm ĩ đầy tranh cãi như trước nữa. Điều ấy mới thực sự khủng khiếp. Khi lựa chọn dại dột và ngu xuẩn của chị vợ đã không còn là điều cá biệt, và chuyện những đứa trẻ vô tội phải tức tưởi lìa đời đã không còn là bài học cảnh tỉnh cho người khác, thì xã hội chắc đã tới mức vô cảm, loạn lạc mất rồi…
Vì đâu đàn bà chọn giải pháp “tự tử” sau một trận cãi vã, một trận đòn, một cú sốc do chồng gây ra? No mất ngon, giận mất khôn ư? Trầm cảm kéo dài, không có chỗ nương tựa chia sẻ? Cùng quẫn bế tắc tới bước đường cùng? Một cách đơn giản để trả thù chồng, khiến cho chồng phải sống trong hối hận dằn vặt suốt quãng đời còn lại?
Ý định trả thù kiểu ấy có trong suy nghĩ nhiều người đàn bà. Người ở lại, trong đó có ông chồng, hẳn sẽ đau đớn lắm. Sẽ phải đối diện với phán xét của pháp luật, phải chịu đựng bản án của lương tâm. Nhưng đàn ông chóng quên, dễ vượt qua và thay đổi. Họ có thể khóc tu tu vì hoảng loạn mất mát, nhưng nửa năm, hai năm, vài năm, họ vẫn có thể yêu và kết hôn lần nữa.
Nếu vợ chết cùng con, nói ra có phần ác miệng, nhưng họ cũng sẽ rảnh rang tìm hạnh phúc mới. Nếu vợ “đi” một mình, những đứa con sẽ ở cùng bố, hoặc ông bà nội ngoại cô dì nào đấy. Nói chung là có chăm sóc tốt cỡ nào thì cũng không bằng mẹ. “Mồ côi mẹ, lót lá mà nằm”, câu ấy chẳng sai đâu. Vì sợ con khổ nên những người mẹ cố dắt đứa trẻ theo xuống âm phủ cho yên tâm ư? Xin các bà mẹ làm ơn bỏ cái suy nghĩ bệnh hoạn, tàn ác ấy đi. Con trẻ không có tội. Chúng ta không có quyền định đoạt sinh mạng của chúng.
Tôi từng có giai đoạn uất ức chồng hay nhậu nhẹt, thờ ơ với vợ con, lại ích kỷ đòi hỏi chuyện gối chăn. Có lần giữa khuya chồng say xỉn về kiếm chuyện, giơ tay dọa đánh vợ, tôi thấy sức chịu đựng của mình đã tới đỉnh điểm. Chán ngán, bế tắc, căm hận. Manh nha trong tôi là ý định ôm con bỏ đi cho thỏa cơn giận của mình. Đi đâu? Tất nhiên là ra khách sạn ngủ.
Nằm trong căn phòng xa lạ với đứa trẻ ngây thơ, tôi bỗng nghĩ tới cái chết. Điều ấy sao mà hấp dẫn kỳ lạ, rất nên thực hiện. Hẳn khi chồng tỉnh cơn say, sẽ phải hối tiếc trong muộn màng, vĩnh viễn chừa tật bia bọt, vũ phu, vô trách nhiệm. Sẽ sống trong sự nguyền rủa của miệng đời. Tôi tưởng tượng ra hình ảnh ấy, thấy mình chết cũng đáng lắm chứ! Tôi quay qua nhìn con, đầu lảng vảng ý nghĩ: sẽ mang nó theo, đương nhiên rồi…
May mắn thay, ma quỷ dẫn đường, nhưng tôi vẫn còn chút lý trí để suy xét. Nhất là khi nhìn khuôn mặt thiên thần của con lúc ngủ. Con tôi có quyền được sống. Với ai? Là với mẹ. Nếu hôn nhân không ổn, thì ta buông bỏ, để sống tiếp với con. Hà cớ gì phải tự hủy hoại mình, phải chết tức chết tưởi? Chết rồi có thay đổi được gì không, hay chỉ thiệt thân một cách lãng xẹt?
Trên đời này, khó có cái gì là mãi mãi bất biến. Các rắc rối khổ sở của chúng ta cũng vậy. Mọi sai lầm đều có cơ hội sửa chữa, ngoại trừ cái chết. Nên đừng mang sinh mạng quý giá và duy nhất của mình ra để đổi rẻ vì một người đàn ông. Bạn muốn hắn phải ăn năn day dứt? Muốn hắn phải sống trong ám ảnh cả đời? Muốn hắn không bao giờ được ngủ yên giấc bình an? Bạn lầm! Chỉ có con cái bạn, cha mẹ bạn, anh chị em người thân của bạn là đau xót mà nhớ về bạn mãi thôi. Bạn cứ đinh ninh chết là hết, nhưng tiếng đời chê cười sẽ khiến cho sai lầm của bạn sẽ còn được nhắc tới.
Đừng quên, nếu cuộc đời mà chỉ toàn u buồn, thì làm sao cây táo nở hoa. Trong vô vàn phương án giải quyết, đừng bao giờ vì giận chồng mà chọn kiểu trốn chạy dương gian theo cách tiêu cực ấy…
Theo An Nhiên/Báo Phụ Nữ