Viêm tủy răng gây đau đầu mất ngủ dai dẳng, điều trị thế nào?

Google News

Bệnh lý viêm tủy răng trong giai đoạn đầu có thể không có bất kỳ dấu hiệu cụ thể nào, nếu không kịp thời phát hiện sẽ gây nhiễm trùng, đau nhức và sưng tấy, một số trường hợp còn có thể bị áp xe...

Ngày 7/1, Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết, bệnh viện vừa điều trị thành công cho bệnh nhân bị viêm tủy răng không hồi phục bằng kỹ thuật hiện đại, máy nội nha Endo Mate .
Theo đó, bệnh nhân nữ T. T. D (50 tuổi, Nam Định) đến thăm khám trong tình trạng: 1 tháng gần đây đau răng dữ dội từng cơn kèm theo đau đầu, bệnh nhân đau nhiều về đêm gây mất ngủ kéo dài. Người bệnh đã thăm khám và điều trị nhiều lần tại phòng khám tư nhân nhưng tình trạng bệnh không thuyên giảm.
Sau khi tìm hiểu và biết đến Liên Khoa Mắt – Tai Mũi Họng – Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Nội tiết Trung ương, người bệnh D. đã đến thăm khám và được các bác sĩ chẩn đoán bị viêm tủy răng không hồi phục. Do đó, bác sĩ đã tư vấn cho người bệnh thực hiện phương pháp điều trị tủy răng bằng máy nội nha, sử dụng công nghệ hiện đại với hệ thống các thiết bị thông minh giúp điều trị triệt để, nhanh chóng và chính xác nhất.
Phương pháp này sẽ giúp bệnh nhân bảo tồn mô răng tối đa tránh các tổn thương thêm, hạn chế tình trạng tái phát viêm và rút ngắn thời gian điều trị.
Sau khi điều trị, người bệnh D. vui mừng cho biết: “Giờ đây, tôi đã hết đau hoàn toàn, ăn uống sinh hoạt bình thường và không còn bị ê buốt nữa. Tôi xin gửi lời cảm ơn đến các bác sĩ của bệnh viện đã điều trị cho tôi, các bác sĩ thực hiện thủ thuật không cảm giác đau đớn, thời gian điều trị mỗi đợt nhanh chóng chỉ khoảng 30 phút.
Nếu biết đến Bệnh viện Nội tiết Trung ương sớm hơn thì tôi đã không phải chịu các cơn đau kéo dài và mất nhiều chi phí điều trị ở cơ sở tư nhân bên ngoài như thế”.
BSCKI. Phùng Thu Hà, Liên Khoa Mắt – Tai Mũi Họng – Răng Hàm Mặt cho biết: Bệnh lý Viêm tủy răng trong giai đoạn đầu có thể không có bất kỳ dấu hiệu cụ thể nào, nếu không kịp thời phát hiện sẽ gây nhiễm trùng, đau nhức và sưng tấy, một số trường hợp còn có thể bị áp xe.
Dưới đây là một số biểu hiện cụ thể:
– Răng đau dữ dội khi cắn lại, sờ hoặc ấn vào.
– Nhạy cảm với nhiệt, đặc biệt đồ ăn lạnh.
– Răng đổi màu, có đau hoặc không đau.
– Lỗ rò mủ ở lợi vị trí tương ứng răng viêm nhiễm.
– Răng bị lung lay, có vết nứt, gãy mẻ…..
Viem tuy rang gay dau dau mat ngu dai dang, dieu tri the nao?
Ảnh minh họa. 
Càng để lâu bệnh càng nghiêm trọng
BSCKI Nguyễn Thị Châu Bản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho biết, viêm tủy răng là tình trạng tủy răng bị viêm khiến vi khuẩn xâm nhập vào răng qua lỗ sâu hoặc vết nứt. Viêm tủy răng khi điều trị sớm có thể hồi phục, càng để lâu tình trạng này sẽ nghiêm trọng hơn.
Răng có 3 lớp: lớp men bên ngoài, ngà nâng đỡ men răng và tủy răng ở phần trong cùng. Tủy răng được tạo thành từ mô liên kết, dây thần kinh và mạch máu, đây là thành phần quan trọng trong cấu trúc của răng. Tủy có thể bị viêm do sâu răng hoặc các vấn đề răng miệng khác.
Khi tình trạng viêm tích tụ trong răng kéo dài quá lâu, tủy răng có thể hoại tử. Điều này thường xảy ra với tình trạng viêm tủy không hồi phục. Lúc này, người bệnh sẽ không còn nhạy cảm với nóng hoặc lạnh nhưng vẫn có thể đau khi nha sĩ gõ nhẹ vào răng.
Nguyên nhân gây viêm tủy răng
Men răng giúp bảo vệ tủy răng. Men răng tổn thương có thể dẫn đến viêm tủy. Có rất nhiều nguyên nhân gây viêm tủy răng, gồm:
Sâu răng: vi khuẩn trong miệng sản sinh axit có thể ăn mòn men răng và tạo ra các lỗ thủng (sâu răng). Sâu răng thường do đánh răng không đúng cách hoặc tiêu thụ quá nhiều chất bột đường. Sâu răng có thể lan sâu vào răng, ảnh hưởng đến tủy và chân răng.
Vết nứt: những vết nứt nhỏ có thể xảy ra do nhai thức ăn cứng hoặc chấn thương ở miệng hoặc răng. Vết nứt trên răng có thể làm lộ ngà và tủy răng dẫn đến viêm tủy và đau.
Thủ tục nha khoa: người bệnh có thể bị viêm tủy sau khi trám răng, bọc răng hoặc thực hiện các thủ thuật nha khoa khác. Răng không được trám đúng cách có thể khiến lớp trám rò rỉ gây viêm tủy.
Men răng bị mòn: nghiến răng hoặc đánh răng quá mạnh có thể làm mòn men răng dễ gây viêm hơn.
Bệnh nha chu: viêm nha chu là tình trạng nhiễm trùng nướu. Không điều trị sớm, viêm nha chu có thể làm mất xương, dẫn đến nhiễm trùng ngược dòng qua lỗ chóp chân răng gây viêm tủy.
Các yếu tố rủi ro làm tăng nguy cơ phát triển bệnh viêm tủy răng: Các bệnh làm suy giảm hệ thống miễn dịch, chẳng hạn như tiểu đường; Chấn thương răng từ tập luyện thể thao cũng có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào tủy răng; Chế độ ăn uống tiêu thụ sản phẩm có lượng đường và carbohydrate tinh chế cao sẽ gây tích tụ mảng bám, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển gây mòn men răng, làm hư hỏng ngà răng, dễ dẫn đến viêm tủy; Chế độ chăm sóc sức khỏe răng miệng không đầy đủ cũng có thể gây sâu răng và viêm tủy.
Viêm tủy cấp: người bệnh xuất hiện các cơn đau kéo dài, kể cả khi nghỉ ngơi. Cơn đau sẽ dữ dội hơn khi người bệnh ăn những món quá lạnh hoặc quá nóng và thức ăn rơi vào vùng răng viêm.
Cơn đau có thể liên tục hoặc theo từng đợt. Trường hợp viêm tủy sinh mủ, cơn đau thường nghiêm trọng hơn. Tình trạng này khiến người bệnh thấy khó chịu, mệt mỏi, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Viêm tủy mạn tính: với viêm tủy mạn tính, cơn đau thường kéo dài nhiều giờ. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, người bệnh sẽ chỉ thấy đau nhẹ khi nhai.
Nếu không được điều trị, viêm tủy răng có thể lan rộng dẫn đến nhiễm trùng hoặc áp xe. Tình trạng này gây: Đau; Sốt; Sưng các tuyến ở cổ; Nhiễm trùng có thể lan đến xương hàm (viêm tủy xương) và các mô mềm ở đầu, cổ, ngực. Nếu không được điều trị, nhiễm trùng có thể đe dọa tính mạng.
Ngoài ra, viêm tủy răng có thể gây các biến chứng như: Viêm quanh chóp; Áp xe quanh chóp; Viêm mô tế bào và đôi khi gây viêm tủy xương hàm (hiếm gặp); Nhiễm trùng lây lan từ răng hàm trên có thể gây viêm xoang có mủ, viêm màng não, áp xe não, viêm mô tế bào hốc mắt và huyết khối xoang hang.
Nhiễm trùng lây lan từ răng hàm dưới có thể gây đau thắt ngực Ludwig, áp xe cạnh họng, viêm trung thất, viêm màng ngoài tim, viêm màng phổi và viêm tĩnh mạch cổ.
Biện pháp điều trị viêm tủy răng
Viêm tủy răng không thể tự khỏi mà cần có sự can thiệp từ bác sĩ chuyên khoa răng hàm mặt. Tình trạng viêm nếu không được điều trị, nhiễm khuẩn lan rộng sẽ tiến triển thành các ổ viêm ở chân răng. Điều trị viêm ở giai đoạn này thường tiên lượng kém. Do đó, ngay khi xuất hiện những dấu hiệu cho thấy viêm tủy, người bệnh cần nhanh chóng đến gặp bác sĩ răng hàm mặt để khám, điều trị kịp thời, hạn chế các biến chứng không mong muốn.
Điều trị viêm tủy răng thường tùy thuộc vào loại và nguyên nhân gây bệnh. Với viêm tủy có thể hồi phục, nha sĩ sẽ cố gắng loại bỏ nguyên nhân, thường là sâu răng và điều trị bằng cách trám răng.
Với viêm tủy không hồi phục, tình trạng này cần điều trị chuyên sâu hơn để loại bỏ mô tủy. Các lựa chọn điều trị gồm:
Điều trị tủy: Nếu tổn thương quá rộng, bác sĩ sẽ điều trị tủy bằng cách loại bỏ, làm sạch phần nhiễm trùng, sau đó trám răng. Người bệnh sẽ tái khám với bác sĩ vài tuần sau đó để phục hình nha khoa thẩm mỹ (mão răng).
Nhổ răng: nếu tổn thương vượt quá ống tủy, người bệnh có thể phải nhổ răng. Bác sĩ răng hàm mặt sẽ trao đổi về các lựa chọn thay thế răng, bao gồm cấy ghép răng hoặc làm cầu răng.
Thuốc kháng sinh: đây không phải phương pháp điều trị viêm tủy nhưng có thể giúp ngăn tiến triển thành nhiễm trùng trong trường hợp chậm trễ điều trị. Có thể kiểm soát cơn đau bằng thuốc giảm đau, thuốc chống viêm không steroid hoặc gel đánh răng. Tuy nhiên, viêm tủy thường gây đau dữ dội, vì vậy người bệnh nên điều trị càng sớm càng tốt.
Cách trị viêm tủy răng tại nhà
Một số phương pháp giúp giảm đau tại nhà, người bệnh có thể tham khảo như:
Thuốc giảm đau không kê đơn: khi dùng với liều bình thường, thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như ibuprofen hoặc thuốc giảm đau không opioid như acetaminophen có thể kiểm soát cơn đau do viêm tủy.
Thuốc gây tê tại chỗ: dạng lỏng hoặc gel, thuốc được bôi trực tiếp lên răng đau. Sử dụng các thành phần như benzocaine hoặc lidocain giúp làm giảm cơn đau tạm thời do viêm tủy.
Chườm lạnh: có thể giảm đau và sưng tấy.
Nước muối ấm: cung cấp một số đặc tính khử khuẩn tự nhiên. Súc miệng bằng nước muối ấm có thể giúp làm sạch vùng nhiễm trùng và xoa dịu cơn đau.
Tinh dầu đinh hương: chấm 1 ít tinh dầu đinh hương trực tiếp lên răng và nướu xung quanh. Chất này có tác dụng gây tê tương tự thuốc benzocain.
Tỏi: thành phần allicin trong tỏi có tác dụng giảm đau, viêm. Người bệnh có thể nhai hoặc chà xát rồi nhỏ nước cốt tỏi lên răng đau.
Nước cốt từ lá chuối: tinh chất trong lá chuối chứa các hoạt chất giúp ngừa viêm, giảm đau. Người bệnh nên chọn phần lá non, sau đó nghiền lấy phần nước cốt. Dùng miếng gạc sạch nhúng vào nước cốt, sau đó đắp lên vùng sưng trong 3 phút và súc miệng lại bằng nước.
Nước trà xanh: người bệnh có thể làm dịu cơn đau bằng cách dùng nước trà xanh súc miệng mỗi ngày 2-3/lần.
Lưu ý: điều trị tại nhà chỉ giúp làm giảm cơn đau trong thời gian ngắn, mang tính tham khảo và không giải quyết triệt để bệnh viêm tủy răng. Vì vậy, người bệnh nên đến gặp bác sĩ răng hàm mặt để thăm khám, điều trị viêm tủy răng.
Cách phòng ngừa viêm tủy răng
Vệ sinh răng miệng tốt là cách tốt nhất để ngừa viêm tủy. Các biện pháp chăm sóc và bảo vệ răng miệng gồm:
Đánh răng 2 lần/ngày.
Làm sạch thức ăn bám trên răng bằng chỉ nha khoa mỗi ngày.
Kiểm tra răng định kỳ 6 tháng/lần
Đeo miếng bảo vệ nếu bạn nghiến răng vào ban đêm.
Hạn chế thực phẩm chứa nhiều chất bột đường.

Thúy Nga/ VietnamDaily