Giật mình với cách dạy con của một người mẹ trẻ

Google News

Sự việc xảy ra cách đây không lâu nhưng cũng đủ ám ảnh tôi về cách dạy con của một người mẹ trẻ. Đến bây giờ, hình ảnh cậu bé khoảng 6 tuổi vẫn hiện lên trong tôi rõ nét.  

Vào một chiều thứ hai - đúng vào ngày nghỉ lễ của dịp 30/4 vừa qua, vợ chồng tôi dẫn con gái nhỏ đến dự tiệc sinh nhật của một người bạn nhỏ. Để tiện việc vui chơi cho trẻ con, người mẹ trẻ đã rất tâm lý đã thuê gọn tầng hai của khu vui chơi khá rộng dành cho thiếu nhi ở một nơi thoáng đãng, sạch sẽ và rất phù hợp với tuổi nhỏ.
Khu vui chơi Slight Up nằm ở trục đường Nguyễn Thị Minh Khai - TP Huế, quán có hai tầng, vừa có khu vui chơi dành cho trẻ em vừa có thức uống giải khát dành cho người lớn. Thuận lợi như thế, nên ở đây lúc nào cũng đông khách.
 
Như thỏa thuận ban đầu, chiều hôm đó, toàn bộ tầng hai dành cho buổi tiệc sinh nhật. Đa phần các em nhỏ đều vui chơi thỏa thích, chạy nhảy vì hầu hết các em cùng trang lứa (chỉ từ 2 - 4 tuổi). Những người lớn như chúng tôi cũng thấy an tâm khi để con tự chạy nhảy và làm những việc, chơi những trò chơi mà các con yêu thích. Không khí buổi sinh nhật rất tự nhiên và ấm áp.
Đa phần các bậc cha mẹ đều dõi theo những bước chân của con và dạy con cách chơi những trò chơi mới.
Câu chuyện không có gì đáng kể cho đến khi có sự xuất hiện của một “vị khách không mời mà đến”.
Cậu bé tự nhiên bước vào, mọi người lớn như chúng tôi - ai cũng nghĩ em là con của một trong những vị khách được mời hôm nay. Thằng bé để lại sự thiện cảm với vẻ ngoài mập mạp, đầy đặn, da trắng hồng như con gái, khuôn mặt bầu bĩnh. Ở cổ có đeo một chiếc vòng bạc sáng lấp lánh đủ để biết rằng em thuộc con một gia đình khá giả.
Rồi cậu bé rất tự nhiên, đến cầm một ly nước trên bàn rồi đưa lên miệng uống trước sự ngạc nhiên của mọi người, nhưng em cũng chỉ là trẻ con nên không ai chấp trách.
Sự việc không dừng lại ở đó, cậu bé tiếp tục chạy nhảy làm đổ những thức uống trên bàn, rồi la hét inh ỏi. Cậu bé tìm và ôm những quả bóng to rồi ném về phía chúng tôi.
Lúc này, chúng tôi hỏi nhau và biết cậu bé từ tầng dưới lên, nên ai nấy đều chạy đến bế những đứa nhỏ đang chơi lên tay, vì sợ cậu bé sẽ làm đau các em.
Một người đàn ông trong nhóm chúng tôi liền bước đến bên cậu bé và bảo: “Con đừng chạy và la hét nữa, các em nhỏ sợ lắm”.
Chưa dứt hết câu, thằng bé vừa hét vừa lao đến đánh mạnh vào người bạn của tôi. Chúng tôi sững người trước hành động của cậu bé. Thấy tình hình không ổn, nên những người bố còn lại ra ngăn em và dùng lời nói ngọt để khuyên… nhưng vô nghĩa.
Càng khuyên, em càng nổi giận và khóc to hơn. Lúc này tình hình trở nên căng thẳng. Tôi sợ rằng, nếu bố hoặc mẹ của thằng bé bất ngờ lên tầng hai và thấy con mình khóc như thế, thì e mọi chuyện sẽ tệ hơn “lúc đầu là chuyện con nít nhưng sau đó sẽ là chuyện của người lớn”. Vì qua cách ứng xử của em đủ thấy rằng, cậu bé này đã được nuông chiều quá mức. Nhưng thật may, mẹ cậu bé này không thấy xuất hiện.
Tiếp tục sau đó, cậu bé phá tất cả những đồ chơi có trong tầng hai này với sự tức giận cao độ. Lúc này, chị em chúng tôi đến ôm cậu bé và dùng những lời nói ngọt để dỗ cháu. Được biết mẹ cháu đang ở tầng dưới và riêng tôi nhận được một yêu cầu rất đặc biệt từ cậu bé: “Cô hãy đến đánh tất cả các chú đó cho cháu, cháu mới thôi khóc”. Tôi như “chết sững” trước lời đề nghị kì lạ kia và ra sức thuyết phục: “Các chú ấy có lỗi gì đâu con, sao phải đánh?” - “Nhưng con không thích các chú ấy”. Rồi thằng bé lao đến đánh mạnh và liên tiếp vào bộ điều khiển chiếc máy điều hòa đang đặt ở cổng ra vào. Chiếc máy ngưng hoạt động và chúng tôi phải nhờ đến sự can thiệp của một anh nhân viên của quán.
Ai cũng mong thằng bé nhanh xuống tầng 1 với mẹ nhưng vô vọng. Nó theo chúng tôi cả buổi chiều. Buổi tiệc vì thế cũng mất vui.
Chúng tôi rời tầng 2 sớm hơn dự định vì những trò quá nghịch ngợm và khó bảo của cậu bé không quen biết kia.
Tôi xuống tầng dưới và mong gặp mẹ cậu bé. Đó là một người phụ nữ trẻ khoảng 30 tuổi ăn mặc rất trẻ trung, tóc nhuộm vàng. Chị ta xun xoe mải chạy theo đứa con gái nhỏ và chụp ảnh cho con bé liên tục mà không để ý gì đến cậu con trai kia, mặc cậu bé làm gì thì làm, chơi gì thì chơi. Ham chơi nhưng thỉnh thoảng cậu bé lúc này chạy đến ôm mẹ thì chị này lại hất ra và quát một câu gì đó.
Tôi tìm hiểu và được biết rằng, bà mẹ này yêu thương, quan tâm, chăm sóc đứa con gái nhiều hơn vì nghĩ rằng: Đến thế hệ con thứ hai còn bé bỏng nên được cưng chiều hơn con trai. Có lẽ từ sự cưng chiều quá mức ấy mà cậu bé này như thấy mình bị bỏ rơi, dần trở nên bướng bỉnh, ương ngạnh, khó bảo như bây giờ. Đúng là trong giáo dục, ngay cả giáo dục con cái cũng vậy: “Sai một li, đi cả một dặm”. Phải chăng sự suy nghĩ sai lầm của những người mẹ trẻ kia đã làm hỏng cả một nhân cách của con trẻ.
Thiết nghĩ, trẻ em như tờ giấy trắng, người lớn thích vẽ gì lên đó thì vẽ. Những trẻ em may mắn gặp được cha mẹ vẽ lên mình những điều tốt đẹp, còn lại những trẻ không may thì ngược lại. Nhớ lại những hành động của em bé kia, tôi càng thấy thương cậu bé nhiều hơn.
Theo Tiêu Nhi/ GD&TĐ