|
Mẹ tác giả đang làm việc nhà. |
Hồi trẻ, mẹ tôi là người mau nước mắt, hay tủi thân, rất dễ khóc, động chút là khóc. Đi làm ở cơ quan hay đi chợ bán hàng, cứ hễ bị người ta bắt nạt vài câu là rơm rớm tủi thân ngay. Nhưng càng già, nước mắt mẹ càng sắt lại theo năm tháng. Bởi cuộc sống với những lo toan, vất vả đã làm tâm hồn mẹ chai sạn dần, không còn dễ rơi nước mắt như ngày xưa nữa. Và nhất là vì nỗi buồn có một đứa con ốm đau, bệnh tật triền miên suốt bao năm như tôi khiến một khối khổ đau sâu sắc đè nặng trong lòng mẹ, chẳng nước mắt nào cho đủ.
Vậy mà cách đây ít lâu, mẹ đã khóc!
Đó là buổi tối trước ngày mẹ đi mổ u tuyến giáp hai hôm.
Từ năm ngoái, đi khám bệnh, bác sĩ đã bảo mẹ bị bướu cổ phải phẫu thuật mới khỏi. Nhưng vì bệnh chưa cấp bách lắm nên mẹ cứ lần lữa không muốn mổ. Mãi đến vừa rồi, thấy khó ăn, khi nuốt hơi vướng ở cổ và nhìn bằng mắt thường cũng thấy một bên cổ phình to hơn nên mẹ mới không thể chần chừ thêm được nữa.
Giống như bao lần nằm viện khác, lần này mẹ cũng phải xác định chỉ có một thân một mình. Tôi là đứa con duy nhất của mẹ nhưng lại đau yếu, khuyết tật không giúp gì được. Còn chồng tôi là con rể thì hơi bất tiện trong việc trông nom, chăm sóc. Vì thế, mỗi lần đi nằm viện mẹ chẳng khác nào người không có con cái.
Năm ngoái mẹ mổ áp xe ngực, bác sĩ, y tá ở đó khoa đó cứ thắc mắc sao bà già ngoài 70 tuổi mà chẳng thấy con cháu nào đi kèm chăm sóc. Năm nay, mẹ lại mổ u tuyến giáp. Tuy đó là một căn bệnh thường gặp trong xã hội hiện nay nhưng với người đã cao tuổi như mẹ thì vẫn có thể xảy ra bất trắc. Tôi dẫu nơm nớp lo cho mẹ, thương xót mẹ cũng không thể làm gì khác, hoàn cảnh vậy thì đành phải chấp nhận vậy thôi.
Có ngờ đâu, lần này mẹ lại khóc. Hai mẹ con đang nói chuyện về lịch mổ, nước mắt mẹ bỗng nhiên trào ra, giọng nghẹn ngào: “Người ta đi mổ thì bao nhiêu người lo lắng vây quanh, còn mình đi mổ thì chẳng có ai”.
Chao ôi, nghe mẹ nói, lòng tôi mới đau đớn làm sao, là con mà không thể lo cho mẹ lúc đau ốm, là con mà ngay cả việc ở bên mẹ lúc mẹ cần mình nhất cũng không thể. Trong khi đó chẳng lần nào tôi đi viện mà lại thiếu mẹ, chẳng lần nào tôi phải phẫu thuật mà mẹ lại không ở gần bên, xúc cơm, xúc cháo cho ăn, rót nước cho uống, rồi vất vả chạy ngược chạy xuôi từ lúc bắt đầu cho đến khi kết thúc. Có đứa con nào thừa thãi, vô tích sự như tôi không? Có đứa con nào bất hiếu, ích kỷ, kém cỏi như tôi không?
Chắc hẳn mẹ phải tủi thân nhiều lắm, khổ tâm nhiều lắm mới bật thốt lên những lời cay đắng ấy!
Bao lâu nay, tôi vô tâm quá, cứ tưởng mẹ đã bằng lòng, an yên với hoàn cảnh nên không chủ động an ủi tinh thần mẹ từ trước. Bao lâu nay, tôi đã quen hưởng đặc quyền đặc lợi được mẹ chăm sóc, xót thương lúc ốm đau nên chẳng biết nghĩ cũng có lúc mẹ cần tôi phải làm điều ngược lại.
Bao lâu nay, tôi luôn nghĩ mẹ là người mạnh mẽ, vững vàng, tự chủ trong mọi việc mà không biết rằng khi đối mặt với việc mổ xẻ, dao kéo mẹ cũng sợ hãi, lo âu về những dự cảm chẳng lành. Và hơn hết mẹ cũng như bao bà mẹ khác thèm có con cái bên mình dù biết rằng chẳng phải vì thế mà đỡ đau, đỡ bệnh hơn, đơn giản chỉ là cần một điểm tựa tinh thần, một nguồn động viên an ủi đặc biệt mà thôi.
Những giọt nước mắt mẹ hôm ấy như được kết lại, vắt ra từ tận cùng nỗi khổ tâm của một người cả đời chưa hưởng ngày nào sự báo hiếu của con. Những giọt nước mắt từ trẻ đến già khóc vì con, chỉ một lần dám khóc cho riêng mình!
Theo Dư Phương Liên/ Vietnamnet