|
Da nhiễm khuẩn khiến trẻ khó chiu, thậm chí tử vong. Ảnh: Raising Children.
|
Theo ThS.BS Lê Thị Hoài Thu, Bệnh viện Da liễu Trung ương, bệnh da nhiễm khuẩn ở trẻ em có thể do vi khuẩn, virus, nấm hoặc ký sinh trùng. Mức độ bệnh có thể tự nhẹ đến nặng, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng.
Nguyên nhân và triệu chứng
Bác sĩ Hoài Thu cho biết trong trường hợp nhiễm trùng da do vi khuẩn, nguyên nhân thường gặp là tụ cầu, liên cầu da… Biểu hiện là các bệnh lý chốc, viêm quầng, viêm mô bào, viêm nang lông, nhọt…
Với nhiễm trùng da do virus, nguyên nhân thường gặp là do virus herpes simplex, varicella zoster, pox virus, các chủng enterovirus… Triệu chứng là các bệnh lý như mụn rộp, thủy đậu, u mềm lây, tay chân miệng…
Trẻ nhiễm trùng da do nấm có nguyên nhân thường gặp là nấm sợi dermatophyte, chủ yếu lây từ chó mèo, môi trường đất nước nhiễm bẩn, nấm men…. Biểu hiện các bệnh lý như nấm da đầu gây rụng tóc, nặng là nấm tầng tổ ong Kerion de celse, nấm Candida vùng tã lót, nấm thân, nấm mặt…
Nhiễm trùng da do ký sinh trùng có nguyên nhân thường gặp như chấy, rận mu, ghẻ, giun sán… Phụ huynh có thể phát hiện qua các bệnh lý như ngứa ngáy gây viêm nang lông, sẩn ngứa, bệnh da do ấu trùng di chuyển, sẩn ngứa do côn trùng đốt…
Theo bác sĩ Lê Thị Hoài Thu, trẻ em thường hay mắc các bệnh lý da nhiễm khuẩn do trẻ em là lứa tuổi năng động, ham hoạt động, dễ ra nhiều mồ hôi, chà xát, sang chấn cũng như chưa có khả năng tự phát hiện và chăm sóc bản thân. Bên cạnh đó, hàng rào bảo vệ da của trẻ còn mỏng manh, hệ thống miễn dịch phát triển chưa hoàn thiện như người lớn.
|
Giữ vệ sinh cho cơ thể, vật dụng cá nhân trẻ là cách quan trọng để phòng bệnh da nhiễm khuẩn. Ảnh: Shutterstock.
|
Nguyên tắc phòng nhiễm khuẩn da ở trẻ em
Bác sĩ Hoài Thu lưu ý các bậc phụ huynh một số nguyên tắc để giúp trẻ tránh nguy cơ bị nhiễm khuẩn da.
Cụ thể, người lớn cần giúp trẻ nhỏ vệ sinh cá nhân, rửa tay, cắt ngắn móng tay thường xuyên. Cha mẹ hướng dẫn con tránh chạm tay vào mắt, mũi, miệng, không dụi mắt gây sang chấn viêm nhiễm.
Ngoài ra, gia đình phải giữ quần áo, đồ dùng cá nhân luôn sạch sẽ, khô thoáng. Khi trẻ ra nhiều mồ hôi, người lớn cần lau rửa nhẹ nhàng, đảm bảo vừa khô thoáng lại không gây đau, xây xước cho trẻ.
Gia đình hạn chế dùng các chất sát khuẩn mạnh hoặc xà phòng để vệ sinh tắm rửa cho trẻ, gây khô da, ngứa, hoặc dị ứng.
Bên cạnh đó, bác sĩ Thu lưu ý người lớn thường xuyên vệ sinh nhà cửa, lau nhà, hút bụi, thay chăn, màn, gối… hạn chế vi sinh vật gây hại phát triển
Trẻ cần tránh tiếp xúc gần với động vật hoang dã, chó mèo, đất cát nhiễm bẩn, môi trường công cộng không đảm bảo vệ sinh...
Bác sĩ Lê Thị Hoài Thu cũng nhấn mạnh phụ huynh, người chăm sóc trẻ cần được trang bị đầy đủ kiến thức về các bệnh lý nhiễm khuẩn thường gặp của trẻ và cách chăm sóc trẻ đúng cách.
Khi phát hiện trẻ có các dấu hiệu bất thường trên da hoặc toàn thân trẻ mệt mỏi, sốt cao…, người lớn cần đưa trẻ đến ngay cơ sở chuyên khoa để thăm khám, không tự ý điều trị tại nhà.
Khi trẻ bị xây xước hoặc xuất hiện các vết thương tại da, người lớn có thể sơ cứu bằng rửa bằng nước sạch, nước muối sinh lý, băng tổn thương, sau đó đưa trẻ đến trung tâm y tế để được xử lý.
Bác sĩ lưu ý phụ huynh không tự ý lấy tay cạy nặn, chích nặn thương tổn, không tự ý tắm lá tắm muối, chà xát vào các tổn thương của trẻ.
Với trẻ có các bệnh lý da mạn tính, dễ bị bội nhiễm như viêm da cơ địa, khô da, bệnh da bọng nước bẩm sinh…, gia đình cần chăm sóc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, tái khám theo hẹn.
Ngoài ra, cha mẹ cần bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ, không tự ý kiêng thịt cá, đồ tanh như nhiều phụ huynh vẫn làm, trừ các trường hợp trẻ bị dị ứng.
Những trẻ thừa cân, béo phì, hay bị viêm kẽ, nấm, viêm nang lông… cần giảm cân, giữ nếp gấp kẽ luôn khô thoáng.
Theo Nguyên Lê/Zing