Hãi hùng với cơn say từ năm trước qua năm sau của chồng dịp Tết

Google News

Tôi sợ Tết hơn ai hết không chỉ vì công việc bề bộn, con cái quấn chân nheo nhóc mà những ngày này, chồng tôi giống như chìm trong hũ rượu với những cơn say triền miên từ năm trước qua năm sau.
   

Vợ chồng tôi lấy nhau được 8 năm. Tôi làm giáo viên còn chồng tôi kinh doanh nhỏ. Sau vài năm bôn ba, chật vật đến nay cuộc sống cũng tạm ổn, chúng tôi vay ngân hàng mua được một căn hộ nhỏ. Nhưng kinh tế khá hơn, công việc ổn định thì tôi lại sầu triền miên, nhất là mỗi độ Tết về.
Cứ từ khoảng giữa tháng 12 Dương lịch năm cũ (khoảng đầu tháng chạp) đến hết tháng giêng Âm lịch năm sau, chồng tôi sa đà vào các cuộc nhậu nhẹt, các lễ tiễn năm cũ, mừng năm mới. Chồng tôi luôn lấy cớ kinh doanh nên cuối năm phải đi cảm ơn, chúc tụng các đối tác rồi mở rộng quan hệ làm ăn. Vì thế, anh ấy không từ chối bất cứ nhóm nhậu nào.
Ảnh minh họa. 
Riêng đồng nghiệp ở cơ quan cũng có 5-7 nhóm với hàng chục cuộc nhậu: tổng kết cơ quan, tổng kết phòng, liên hoan nhóm kinh doanh, liên hoan nhóm đồng nghiệp thân. Tết Dương lịch ăn nhậu, đến Tết âm lịch lại “tái phỏm” nhậu ăn. Rồi các đối tác cũng cứ khoảng 3-5 người một nhóm nhậu, hẹn lần lượt hết nhóm này đến nhóm khác. Lại bạn đồng niên, đồng hương, đồng học từ mẫu giáo đến… sau Đại học 5-6 lứa, mỗi lứa lại có vài ba cuộc nhậu.
Thậm chí, chỉ riêng tại chỗ tôi ở cũng có cuộc nhậu đồng tầng, nhậu đồng chung cư, nhậu đồng hương, nhậu đồng niên… Cuộc nào chồng tôi cũng có mặt. Chính vì lịch nhậu dày đặc nên có ngày chồng tôi “chạy sô” tới 3-4 đám nhậu, nhậu từ trưa hôm trước đến tảng sáng hôm sau.
Mà các cuộc nhậu đấy tôi đã được tha dự vài lần tôi biết. Hầu như các ông chỉ uống rượu mạnh. Đủ các loại rượu tây, rượu thóc, rượu ngô, rượu ngâm thuốc, ngâm động vật… Loại nào cũng 35-40 độ. Chỉ nhấp vào một chút đã thấy cháy xé từ cổ họng xuống đến dạ dày. Tôi cũng không hiểu dạ dày chồng tôi “inoc” cỡ nào mà chịu đựng được cường độ uống rượu như vậy 3-4 năm nay. Không chỉ lo chồng bệnh tật, tôi còn sợ chồng nhậu say, về khuya gặp tai nạn hay trúng gió thì chỉ khổ mẹ con tôi.
Nhưng mỗi lần tôi nói, chồng tôi đều cáu kỉnh, cho rằng tôi không biết thông cảm, thương chồng. Anh ấy phải đi nhậu là vì tạo mối quan hệ làm ăn, kiếm tiền để lo cho gia đình chứ ấm vào thân anh ấy đâu. Tôi vẫn thực sự không hiểu.
Tết năm ngoái, dù tôi đã can ngăn nhưng chiều 30 Tết, sau khi quáng quàng ăn bữa cơm Tất niên với gia đình, chồng tôi sấp mải chạy ra ngoài cụng ly với mấy ông “cùng tầng”. Cuộc nhậu tưng bừng, chém gió phần phật kéo dài suốt “2 năm” từ 8h đêm 30 năm trước đến tận 1h sáng ngày mùng 1 năm sau. Chồng tôi gần như lê tấm thân tàn trở về nhà. Chồng say xỉn, bốc mùi nồng nặc nên tôi để anh nằm ngủ một mình. Còn tôi mệt mỏi, chán chường nằm ở phòng con, ôm các con lấy chút an ủi, ấm áp.
Điều kinh hoàng là 8h sáng hôm sau tôi gọi chồng trở dậy để cúng mùng 1 và chuẩn bị đi thăm hỏi họ hàng thì thấy anh nằm li bì, không tỉnh. Quá hốt hoảng, tôi gọi xe cấp cứu và đưa chồng vào viện. Các bác sĩ cho biết chồng tôi bị ngộ độc rượu và mắng tôi té tát vì để chồng uống quá nhiều? Cũng còn may là cấp cứu kịp thời nên chưa ảnh hưởng tới não. Tuy nhiên, việc điều trị khó khăn, tốn kém hơn 200 triệu đồng, nằm viện 3 tuần. Tôi hoàn toàn phải móc túi chi trả viện phí vì cuối năm vừa rồi, chồng tôi mải nhậu, quên mua bảo hiểm y tế. Số tiền dành dụm trong 3 năm đã bốc hơi hết.
Trong viện, tôi cũng gặp không biết bao người mẹ, bà vợ phải đi chăm chồng con trong viện ngày mùng 1 chỉ vì con bị ngộ độc rượu, thủng dạ dày, viêm tụy cấp vì rượu. Thậm chí có cả người vợ trẻ phải đội khăn tang ngay Tết vì trước đó chồng trẻ nhậu đám cưới suốt 3 ngày. Thế mới càng thấy tê tái cho phụ nữ.
Sau đợt điều trị, chồng tôi chậm chạp, yếu ớt đi nhiều nên đã kiềm chế uống rượu hơn. Nhưng hơn 1 tháng trước, từ khi có giải chung kết U23 Châu Á, chồng tôi lại uống bia rượu trở lại. Mỗi lần đội tuyển đá, chồng tôi lại tụ tập bạn bè nhậu nhẹt, cổ vũ, đội tuyển thắng lại ra đường hô hét và nhậu ăn mừng. Kết hợp với cuối năm, các cuộc nhậu lại dần dần tăng tần suất. Dù tôi can ngăn nhưng chồng tôi cứ khăng khăng: “Năm ngoái uống rượu rởm, năm nay chỉ uống bia và rượu ngoại, nhất định không sao”.
Tôi thực sự quá mệt mỏi với Tết nhất, với nỗi lo phải đón Tết trong bệnh viện, phải nhận tin xấu nhất về chồng khi anh ta cứ say xỉn và tự đi xe máy về nhà. Nhưng tôi bất lực. Nếu không có Tết, chồng tôi sẽ bớt được lý do để đi nhậu chăng?
Theo Hồng Hạnh/Dân Việt