Ngày 12/3/2015, Bộ trưởng Bộ Y tế đã Ban hành Quyết định số 818/QĐ-BYT về việc phê duyệt Đề án "Xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình/sức khỏe sinh sản tại khu vực thành thị và nông thôn phát triển giai đoạn 2015-2020" (gọi tắt là Đề án 818).
Đây là một bước cụ thể hóa chủ trương quan trọng của Đảng và Nhà nước. Đề án đã đánh dấu một sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy cũng như trong phương thức tổ chức thực hiện cung cấp phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình (SKSS/KHHGĐ).
|
Các sản phẩm thuộc Đề án 818 được đội ngũ cán bộ, cộng tác viên dân số phân phối đến người dân. Ảnh: TL |
Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, để thay đổi nhận thức của người dân, giúp họ dần xóa bỏ thói quen được bao cấp phương tiện tránh thai cần phải tiến hành từng bước, không thể làm trong một sớm một chiều.
Do đó, các địa phương cần phát huy hơn nữa công tác truyền thông bằng nhiều hình thức. Không chỉ dừng lại ở các hội nghị truyền thông tại xã, tại thôn mà cần sự tuyên truyền tích cực, bền bỉ của đội ngũ cán bộ, cộng tác viên dân số để người dân chấp nhận tìm đến, lựa chọn và sử dụng lâu dài các dịch vụ SKSS/KHHGĐ thuộc Đề án.
Việc triển khai thực hiện Đề án trong thời gian qua đã huy động, khuyến khích và tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế, các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia cung cấp phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ SKSS/KHHGĐ có chất lượng cao nhằm đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân, góp phần hoàn thành các mục tiêu của Chiến lược Quốc gia.
Bên cạnh đó, việc cung cấp phương tiện tránh thai, hàng hóa sức khỏe sinh sản đến được tay người tiêu dùng theo kênh của cộng tác viên đã mở ra một hướng đi mới, mà ở đó người dân được tiếp cận với các sản phẩm đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý một cách nhanh, thuận tiện và chu đáo.
Theo thống kê của Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế), hiện nay, mạng lưới phân phối phương tiện tránh thai xã hội hóa tiếp tục được mở rộng. Tính đến thời điểm hiện tại, có 46/63 tỉnh, thành phố trên cả nước tham gia triển khai thực hiện Đề án 818.
Trong 6 tháng đầu năm, Đề án 818 đã thực hiện phân phối 302 nghìn vỉ thuốc tránh thai Anna; 5.785 nghìn chiếc bao cao su các loại và hàng chục nghìn các loại mặt hàng khác.
Trong thời gian tới, Tổng cục DS-KHHGĐ tiếp tục tăng cường triển khai thực hiện các chương trình kế hoạch hóa gia đình, trong đó có việc tập trung đẩy mạnh xã hội hóa phương tiện tránh thai và dịch vụ KHHGĐ theo phân khúc thị trường. Mở rộng các kênh cung ứng phương tiện tránh thai đồng thời tăng cường quản lý chất lượng phương tiện tránh thai.
Cung cấp đầy đủ, kịp thời các phương tiện tránh thai và dịch vụ KHHGĐ an toàn, hiệu quả, đa dạng và thuận tiện với chất lượng ngày càng cao đến với người dân trên cả nước.
Theo N.Mai/Giadinh.net.vn