Bộ Giáo dục và Đào tạo mới đây đã ký quyết định cho phép trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đào tạo ngành Y đa khoa và Dược học, trình độ đại học, hệ chính quy. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký, tức ngày 19/11/2015.
Đáng lưu ý, trước đó, tháng 12/2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có quyết định tạm dừng mở ngành đào tạo mới các ngành Y đa khoa, Răng hàm mặt, Y học cổ truyền trình độ đại học và ngành Dược trình độ đại học, cao đẳng ở các trường đa ngành không thuộc khối chuyên ngành y, dược.
Do đó, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội được đào tạo ngành Y đa khoa và Dược học, trình độ đại học đã khiến nhiều người khá bất ngờ và không khỏi lo ngại. Bởi vốn dĩ, trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ chuyên đào tạo nhóm ngành kinh tế-kinh doanh, kỹ thuật-công nghệ và ngoại ngữ.
Quyết định mang tính lạ lùng này không chỉ dư luận xôn xao mà ngay cả lãnh đạo nhiều trường đào tạo chuyên ngành y khoa cũng vô cùng lo lắng. Sáng nay (28/11), trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ đã mở cuộc họp báo để giải đáp các vấn đề này.
|
GS Trần Phương - Hiệu trưởng ĐH Kinh doanh và Công nghệ. |
Tại buổi họp báo, GS Trần Phương - Hiệu trưởng trường chia sẻ, tên trường chỉ phản ánh những lĩnh vực chủ yếu, không bao gồm toàn bộ nội dung đào tạo. Trường sẽ đào tạo bất cứ ngành nào đất nước cần.
Vị giáo sư này cho rằng, ngành Y và Dược đòi hỏi trình độ công nghệ cao nhất nên nói rằng trường Kinh doanh và Công nghệ “ngoại đạo” là sai.
Ông Trần Phương nói thêm là, hiện nước ta mới có 8 bác sĩ và 1,5 dược sĩ trên một 10.000 dân. Trong khi đó, các nước tiên tiến đạt 40 bác sĩ trên một vạn dân. Điều đó cho thấy, người Việt Nam được chăm lo đến sức khỏe quá ít nên trường muốn mở ngành đào tạo về lĩnh vực này. Thế nên, động cơ mở ngành không vì mục đích lợi nhuận mà muốn bổ khuyến nhân lực tăng cường chăm sóc sức khỏe nhân dân.
“Động cơ mở ngành không có mục đích lợi nhuận hay kinh doanh, chỉ muốn bổ khuyết nguồn nhân lực chăm sóc sức khỏe cho người dân Việt Nam”, ông Phương nói.
Trả lời câu hỏi tại sao Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội được đào tạo Y, Dược, trong khi năm 2014, Bộ GD&ĐT tạm dừng cấp phép cho ngành học này, GS Phương cho rằng, không có gì bất thường.
Theo Hiệu trưởng ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, tháng 6/2012, trường đề nghị Bộ GD&ĐT cho mở ngành Y đa khoa, Dược học. Đến tháng 12/2014, Bộ GD&ĐT mới có quyết định tạm dừng việc xem xét mở ngành đào tạo trình độ đại học các ngành Y đa khoa, Răng - Hàm - Mặt, Y học cổ truyền và trình độ đại học, cao đẳng đối với ngành Dược học tại trường đa ngành, không thuộc khối chuyên ngành Y, Dược. Như vậy, trường đặt vấn đề mở ngành trước đó 2 năm, không phạm phải qui định mới của Bộ.
Về việc ông Nguyễn Minh Lợi, Phó cục trưởng Cục Khoa học - Công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế), cho rằng, trường giới thiệu 47 cán bộ giảng dạy, tuy nhiên Bộ Y tế yêu cầu tối thiểu phải có 50 người trình độ thạc sĩ trở lên, GS Phương cho biết, ông Lợi không đủ đại diện cho Bộ Y tế. Người ký quyết định là Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường.
Tuy nhiên, phía trường cũng thừa nhận chưa hoàn thiện đủ tiêu chí. “Chúng tôi xác nhận chưa đủ về số lượng người giảng dạy, tuy nhiên, 50 người là sử dụng trong 6 năm. Trường đã mời 47 người, còn 3 người nữa có khó khăn gì đâu”, GS Phương nói. Ngoài ra, nhà trường đã chuẩn bị 28 phòng thực hành và mua trang thiết bị trong 2 năm.
Liên quan tới số người giảng dạy, chiều qua 27/11, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã cho biết, có một số giảng viên chưa cam kết khi Đoàn về trường thẩm định; khi Bộ GD&ĐT ra quyết định cho phép mở mã ngành thì đã có cam kết người ta dạy ở trường.
Trong buổi họp báo thường kỳ chính phủ tháng 11/2015, vị Thứ trưởng cũng tuyên bố rằng, kết quả thẩm định điều kiện mở mã ngành của trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (đoàn có cán bộ của cả 2 Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT) cho thấy trường đã chuẩn bị đủ điều kiện để mở mã ngành theo Thông tư số 08 năm 2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Dẫu vậy, rất nhiều lãnh đạo các trường Y trên cả nước và nhiều chuyên gia về nghành Y rất không đồng tình trước quyết định của Bộ GD&ĐT.
PV (tổng hợp Zing, VGP)