Hỏi đáp vắc xin COVID-19: Tiêm 2 mũi Vero Cell hiệu quả thế nào?

Google News

(Kiến Thức) - 2 liều vắc xin Vero Cell được tiêm cách nhau 21 ngày, có hiệu quả chống COVID-19 lên đến 78,2%. Đây cũng là vắc xin đầu tiên sử dụng công nghệ bất hoạt được đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp của WHO.

Theo TS Kidong Park, Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam, khẳng định vắc xin Vero Cell (vắc xin Sinopharm) hiệu quả, lợi ích mà vắc xin này đem lại lớn hơn những nguy cơ đã được biết hoặc có thể xảy ra.
TS Kidong Park cũng cho biết thêm, hiện có ít nhất 17 vắc xin đã được triển khai, 7 trong số đó đã được WHO phê duyệt vào Danh sách sử dụng khẩn cấp. Đó là các vắc xin Pfizer/BionNTech, AstraZeneca của Oxford, AstraZeneca của Viện Huyết Thanh Ấn Độ, Janssen, Moderna, Sinopharm/BBIP và Sinovac.
WHO đang giám sát chặt chẽ hiệu quả của các vắc xin này trong thực tế, bao gồm ảnh hưởng của các biến thể đáng lo ngại. Trong quá trình phê duyệt sử dụng khẩn cấp, WHO đã đánh giá hiệu quả, tính an toàn và chất lượng của vắc xin Vero Cell của Sinopharm.
Thử nghiệm giai đoạn 3 tại nhiều quốc gia cho thấy 2 liều vắc xin Vero Cell được tiêm cách nhau 21 ngày có hiệu quả là 78,2% chống lại SARS-CoV-2 không triệu chứng, được tính 14 ngày sau liều thứ hai. WHO kết luận rằng lợi ích mà vắc xin Sinopharm đem lại lớn hơn những nguy cơ đã được biết hoặc có thể xảy ra và khuyến nghị sử dụng vắc xin Sinopharm dựa trên Lộ trình uu tiên của WHO, với tất cả các biến thể đang có ở Việt Nam hiện nay.
Hoi dap vac xin COVID-19: Tiem 2 mui Vero Cell hieu qua the nao?
 
Ngày 7/5/2021, vắc xin Vero Cell được WHO đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp (EUL) với hiệu quả bảo vệ lên đến 78,2%. Đây cũng là vắc xin đầu tiên sử dụng công nghệ bất hoạt được đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp của WHO.
Theo Bộ Y tế, tất cả các loại vắc xin khi đưa vào sử dụng khẩn cấp tại Việt Nam đều phải tuân thủ quy trình thử nghiệm lâm sàng gồm 3 giai đoạn trên nguyên tắc đảm bảo được 3 yếu tố: an toàn, sinh miễn dịch và hiệu quả bảo vệ.
Vắc xin Vero Cell là vắc xin bất hoạt của Sinopharm, Trung Quốc sản xuất giúp phòng bệnh do virus SARS-CoV-2 (COVID-19) gây ra. Sau khi virus bất hoạt trong vắc xin được tiêm vào cơ thể, chúng kích thích sản xuất các kháng thể và làm cho cơ thể sẵn sàng để ứng phó với tình trạng nhiễm virus.
Thành phần của vắc xin Vero Cell được bổ sung hydroxit nhôm để tăng cường phản ứng của hệ thống miễn dịch. Chuyên gia lưu ý, với người dị ứng với hydroxit nhôm thì nên lựa chọn một loại vắc xin khác để tiêm phòng bệnh.
Vắc xin Vero Cell được bảo quản ở 2 - 8 độ C và không được để đông băng. Lọ vắc xin chưa mở bảo quản ở 2 - 8 độ C được phép sử dụng trong vòng 24 tháng kể từ ngày sản xuất.
Lọ vắc xin đã mở chỉ được sử dụng trong vòng 6 giờ kể từ khi mở và được bảo quản ở 2 - 8 độ C. Bảo quản tránh tiếp xúc trực tiếp dưới ánh sáng mặt trời.
Hoi dap vac xin COVID-19: Tiem 2 mui Vero Cell hieu qua the nao?-Hinh-2
 
Trong Sổ tay Hướng dẫn thực hành tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 Vero Cell bất hoạt của Sinopharm do Bộ Y tế ban hành cũng chỉ rõ việc thực hiện tiêm chủng vắc xin này cho một số nhóm đối tượng đặc biệt.
1. Nhóm người từ 60 tuổi trở lên: Hồ sơ hiệu quả và an toàn của vắc xin có thể không được đầy đủ vì chỉ có một số lượng nhỏ người trên 60 tuổi tham gia trong giai đoạn 3 thử nghiệm lâm sàng. Tuy nhiên, ở các nhóm tuổi lớn, tính sinh kháng thể sau tiêm vắc xin COVID-19 (Vero Cell) bất hoạt của Sinopharm là tương tự như ở người trẻ tuổi, trong khi hiệu giá kháng thể trung hòa là đáng kể mặc dù có thấp hơn ở các nhóm tuổi lớn. Cần cân nhắc việc sử dụng vắc xin này ở những người lớn tuổi và chủ động giám sát phản ứng sau tiêm chủng.
2. Với nhóm người mắc bệnh nền: Tiêm chủng được khuyến nghị cho những người mắc loại bệnh nền mà được xác định là có nguy cơ bị nặng nếu bị nhiễm COVID-19.
3. Với nhóm người phụ nữ mang thai: Đây là vắc xin bất hoạt với chất bổ trợ thường được sử dụng trong nhiều loại vắc xin khác và hồ sơ an toàn tốt đã được ghi nhận, bao gồm cả ở phụ nữ có thai. Cho đến khi có dữ liệu để đánh giá tính an toàn và khả năng sinh miễn dịch ở phụ nữ có thai, WHO khuyến cáo sử dụng Sinopharm cho phụ nữ có thai khi lợi ích của việc tiêm chủng lớn hơn nguy cơ rủi ro.
4. Nhóm người phụ nữ cho con bú: Vì đây không phải là vắc xin virus sống, nên nó không có khả năng gây ra nguy cơ cho trẻ bú mẹ. Hiệu quả của vắc xin được mong đợi là tương tự giữa phụ nữ đang cho con bú và những người trưởng thành khác. WHO không khuyến nghị ngừng cho con bú sau khi tiêm phòng.
5. Nhóm người bị HIV: Có thể tiêm vắc xin nếu đối tượng thuộc nhóm nguy cơ phơi nhiễm hoặc nguy cơ mắc bệnh nặng, cân nhắc đánh giá giữa lợi ích và nguy cơ đối với từng cá nhân. Không cần thiết phải xét nghiệm HIV trước khi tiêm vắc xin.
6. Nhóm người bị suy giảm miễn dịch, người đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch: Có thể tiêm vắc xin nếu họ thuộc nhóm nguy cơ, các thông tin, hồ sơ về suy giảm miễn dịch cần được cung cấp cho nhân viên y tế để tư vấn về lợi ích và rủi ro cũng như theo dõi, đánh giá sau tiêm chủng.
7. Đối với những người đang điều trị nhận kháng thể đơn dòng hoặc đang dùng huyết tương như một phần của điều trị COVID-19: Nên hoãn tiêm chủng ít nhất 90 ngày.
8. Nhóm người bị nhiễm SARS-CoV-2 trước đó: Có triệu chứng hay không có triệu chứng đều có thể tiêm vắc xin sau 6 tháng khỏi bệnh.
Đánh giá chung về vắc xin Vero Cell, các chuyên gia cho biết vắc xin phát huy hiệu quả đối với hầu hết các trường hợp, là một mắt xích trong việc giải quyết tình trạng khan hiếm vắc xin COVID-19 trên toàn cầu.
Một số tác dụng phụ phổ biến của vắc xin Sinopharm có thể kể đến như:
- Đau, mẩn đỏ, sưng tấy ở vị trí tiêm;
- Mệt mỏi;
- Đau đầu, đau cơ;
- Sốt, ớn lạnh, buồn nôn.
Để giảm bớt tác dụng phụ khi gặp phải tình trạng này, bạn có thể chườm mát tại vị trí tiêm. Uống thật nhiều nước và mặc trang phục nhẹ nhàng để giảm cảm giác khó chịu do sốt.
Trong hầu hết các trường hợp những tác dụng phụ sẽ nhanh chóng biến mất. Tuy nhiên, hãy liên hệ với bác sĩ hoặc đến cơ sở y tế gần nhất nếu tình trạng mẩn đỏ, cơn đau gia tăng ở vị trí tiêm sau 24 giờ.

Mời quý độc giả xem video: Đảm bảo an toàn khi tiêm vắc xin phòng COVID-19. Nguồn: VTV4. 


Kiều Dụ (TH)