Sau đám cưới, vợ chồng chị Lê Thị Tình (Hà Nội) được bố mẹ chồng cho nửa số tiền, và bố mẹ đẻ cho một nửa nữa mới mua được căn hộ chung cư ở thành phố.
Thương con gái duy nhất lấy chồng xa, bố mẹ chị Tình còn cho chị 2 mảnh đất ở ven đô làm của hồi môn. Nhưng hồi ấy đất ở làng giá rất rẻ nên không ai để ý, còn với chị Tình thì cái gì của bố mẹ cho cũng quý giá nên chị cho mấy người làng thuê để trồng cây ăn quả, cũng là cách để dành cho con cái sau này.
Cuộc sống làm dâu của chị Tình không hề vui vẻ, dù chị sinh được một trai, một gái nhưng chục năm qua cả nhà chồng vẫn lãnh đạm, dửng dưng vì con dâu quê mùa. Cô em chồng thì ghét chị dâu ra mặt. Nhớ hai lần chị Tình sinh nở thì chỉ có bố mẹ đẻ ở quê ra chăm sóc, đỡ đần, còn nhà chồng không quan tâm, cứ như chị là người dưng. Chị trách móc với chồng thì anh bảo: "Mẹ bị viêm đa khớp, em gái bận làm ăn thì chả nhà đẻ lo mọi việc cho vợ thì ai lo?". Vì vậy mà tình cảm của chị với nhà chồng thêm xa cách.
Bỗng 2 tháng nay có nhiều người hỏi mua 2 mảnh đất của hồi môn, hỏi ra mới biết cả 2 mảnh đất bố mẹ cho chị Tình làm của hồi môn trước kia giờ đều ở vị trí đẹp trong khu đô thị sắp xây dựng, và cái giá họ trả lên tới 7 tỉ đồng. Biết vậy chồng chị cứ giục bán để lấy tiền kinh doanh, nhưng chị Tình không muốn vì chồng không có kinh nghiệm, lỡ mất trắng thì chẳng còn gì để cho hai con, cứ để đấy làm nhà cho thuê lấy tiền nuôi con ăn học, và là tài sản cho con sau này.
Rồi mẹ chồng đến nhà thăm con dâu và cháu nội cả tháng, rỉ rả thuyết phục chị "đất đang được giá bán đi" để làm việc khác. Cô em chồng bao năm khinh rẻ chị dâu giờ cũng đến thăm, cho các cháu quà cáp... Chị Tình cứ tưởng do chị ăn ở tử tế nên họ sống tốt hơn, gần gũi dâu - cháu hơn, và cũng mừng là anh chồng cũng rộng rãi, vui vẻ, quan tâm tới vợ con hơn. Thế là chị đồng ý bán 2 mảnh đất được 7 tỉ đồng, bàn với chồng sẽ biếu ông bà ngoại 1 tỉ để báo ơn, biếu ông bà nội một ít, còn gửi ngân hàng và đầu tư mua mảnh đất khác.
|
Nàng dâu chú ý luôn có mặt trong các giao dịch tài sản lớn. Ảnh minh họa |
Đúng ngày hẹn giao đất, nhận tiền thì bác ruột chị Tình ở quê mất nên chị phải về chịu tang. Việc giao đất, nhận tiền chị ủy quyền cho chồng đảm nhận. Sau 1 tuần trở về, chị Tình giục chồng cùng ra ngân hàng gửi tiền và biếu bố mẹ hai bên như dự định. Chồng chị bảo đã chuyển khoản gửi tất vào ngân hàng rồi. Chị đòi xem giấy tờ thì anh loanh quanh né tránh, sốt ruột quá chị làm găng lên, lúc đó anh ta mới nói đã chuyển cả 7 tỉ đồng cho em gái vay vì công ty nó làm ăn bị thua lỗ.
Chị Tình té ngửa khi biết sự thật, chợt hiểu ra sự thân thiện của mẹ chồng, của cô em chồng thời gian qua có mục đích chính là để thuyết phục chị bán 2 mảnh đất cho cô em chồng vay cứu công ty. Và người chồng đầu gối tay ấp đã lừa vợ một cú ngoạn mục để lấy của hồi môn của vợ cho cô em chồng vay… mà không biết đến bao giờ mới trả lại cho chị.
Chị oán chồng và gia đình chồng đã bất chấp hạnh phúc của gia đình chị, không màng tới cuộc sống của ba mẹ con chị sau này sẽ ra sao… Không chịu nổi, chị Tình đã cãi nhau với chồng một trận nảy lửa, và anh ta không ngại ngần gì mà đã thẳng tay đánh chị.
Kể lại chuyện nhà mà nước mắt chị Tình cứ chảy dài. Chị xót thương bố mẹ chắt chiu dành dụm cho con 2 mảnh đất hy vọng giúp cô con gái duy nhất có cuộc sống tốt, ai ngờ nhà chồng lấy sạch, đẩy chị vào chỗ ăn ở không trọn đạo hiếu, bán cả 2 mảnh đất sinh lợi mà không biếu nổi bố mẹ đẻ một đồng. Tất cả vì chị quá tin chồng, còn cả nhà chồng thì tham lam quá.
Ai biết chuyện cũng khuyên chị Tình hãy tỉnh táo giữ gìn lương thưởng tiền bạc, tài sản của chồng và chính mình kẻo còn khổ sở hơn nữa với gia đình chồng tham lam như vậy. Còn gia đình thì phải gìn giữ khéo léo để còn có cơ hội đòi nợ. Đặc biệt mọi giao dịch giấy tờ, tiền bạc với các tài sản riêng có giá trị lớn khi lâm bồn, nằm viện, hay vắng nhà... chỉ nên làm khi có mặt mình, không nên ủy thác, nhờ vả chồng hay người khác giúp mà mất trắng.
Theo Ngọc Hà/Gia đình & Xã hội